Recap Launch Your Career Sharing Audit: Bí kíp bứt phá để chinh phục Big4

...

Vào ngày 21/3/2023, Company Insider và Ybox đã tổ chức webinar với chủ đề “Sharing Audit: Breaking into Big4”. Tại sự kiện này, các diễn giả sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý giá về công việc Kiểm toán, cũng như các bí quyết hữu ích dành cho các bạn trẻ đang có dự định dấn thân vào Big4.

Recap Launch Your Career Sharing Audit: Bí kíp bứt phá để chinh phục Big4

Giới thiệu về sự kiện

Launch Your Career là chuỗi sự kiện do Company Insider và Ybox tổ chức, bao gồm loạt webinar xoay quanh các ngành nghề được các bạn sinh viên quan tâm nhất hiện nay. Thông qua chuỗi sự kiện này, Company Insider và Ybox mong muốn tạo cầu nối cho doanh nghiệp và sinh viên, đồng thời giúp sinh viên nâng cao kiến thức và kỹ năng để gặt hái được nhiều thành tựu trên hành trình sự nghiệp.

Webinar “Sharing Audit: Breaking into Big4” được chia thành 3 phần như sau:

  • Phần 1 - Road to Big4: Giới thiệu tổng quan về công việc kế - kiểm toán, đồng thời giải mã sức hút của Big4 đối với các bạn trẻ.
  • Phần 2 - Hiểu chất Big4: Các diễn giả sẽ chia sẻ về bí quyết chinh phục các kỳ tuyển dụng tại Big4.
  • Phần 3 - Audit không lo âu, Big4 không sợ khó: Các anh chị diễn giả sẽ đưa ra lời khuyên về những điều sinh viên cần chuẩn bị trước khi tham gia kỳ thi tuyển Big4.

Sự kiện “Sharing Audit: Breaking into Big4” diễn ra với sự đồng hành của 3 chuyên gia:

  • Anh Huỳnh Nhật Hưng: Anh có hơn 8 năm kinh nghiệm làm việc tại Ernst & Young Vietnam (EY Vietnam). Hiện anh đang là Audit Manager tại EY Vietnam, đồng thời là Giảng viên chính của chương trình đào tạo ACCA tại SAPP Academy.
  • Chị Nguyễn Thị Hà Trang: Chị hiện đang đảm nhận vị trí Financial Controller tại Wincommerce - Masan Group. Trước đó, chị từng đảm nhận vai trò Audit Senior tại KPMG Vietnam.
  • Chị Nguyễn Hương Giang: Chị hiện tại đang là Senior, Audit & Assurance tại Deloitte và có hơn 2 năm kinh nghiệm làm đại sứ sinh viên tại văn phòng ACCA Hà Nội.

Phần 1: Road to Big4: Chinh phục giấc mơ Kế - Kiểm

#1: Tổng quan về công việc kiểm toán và Big4

Chị Hà Trang cho biết, nói một cách đơn giản để ai cũng hiểu được thì công việc kiểm toán là kiểm tra lại quy trình kế toán. Nếu giải thích ngắn gọn bằng thuật ngữ chuyên ngành, công việc chính của kiểm toán viên là sử dụng các thủ tục kiểm toán để đưa ra ý kiến kiểm toán, dựa vào khía cạnh lập báo cáo tài chính của bộ phận kế toán.

Big4 là thuật ngữ chuyên ngành dùng để chỉ bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, bao gồm KPMG, Deloitte, PwC và EY. Bốn tập đoàn này có rất nhiều chi nhánh văn phòng trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam, với văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM. Đối với KPMG Việt Nam thì họ có 3 chi nhánh tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

#2: Tiềm năng phát triển trong tương lai của ngành Kiểm toán

Theo anh Nhật Hưng, khi nói đến tiềm năng phát triển của lĩnh vực kế - kiểm toán, điều đầu tiên cần được nhắc đến là “digital audit”. Điều này đồng nghĩa với việc quy trình kiểm toán sẽ có mối quan hệ mật thiết với hệ thống công nghệ thông tin. Cụ thể hơn, với sự xuất hiện của các công cụ hỗ trợ xử lý dữ liệu, lưu trữ thông tin kiểm toán sẽ tạo cơ hội cho các kiểm toán viên thực hiện tốt và đầy đủ mọi thủ tục kiểm toán. Điều đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán và tăng thêm giá trị cho khách hàng. Tóm lại, xu hướng sắp tới của ngành kiểm toán sẽ được gói gọn trong thuật ngữ “digital audit”.

#3: Vì sao Big4 có sức hút lớn đối với các bạn sinh viên?

Anh Nhật Hưng cho biết, điều đầu tiên khiến Big4 thu hút các bạn sinh viên, đó là quy mô và danh tiếng của họ. Big4 là những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, với bề dày lịch sử và có mức độ uy tín cao là điều không có gì phải bàn cãi. Hơn thế nữa, dưới đây là 3 giá trị lớn nhất mà Big4 mang lại cho các bạn sinh viên:

Thứ nhất, đó là môi trường lý tưởng để các bạn vừa học tập vừa làm việc. Các bạn sinh viên có cơ hội sử dụng kiến thức đã học, phát huy tối đa năng lực của bản thân ở nhiều khía cạnh. Như các bạn đã biết, Big4 không chỉ cung cấp dịch vụ kiểm toán, mà còn có dịch vụ khác như tư vấn thuế, tư vấn pháp lý, công nghệ thông tin,... Vì thế, các bạn sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm, cũng như khám phá những cơ hội mới trong sự nghiệp.

Thứ hai, môi trường làm việc tại Big4 rất năng động. Phần lớn nhân sự trong Big4 là những bạn trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Do vậy, mọi người có thể dễ dàng chia sẻ cũng như hỗ trợ công việc cho nhau. Thứ ba là nền tảng kiến thức mà Big4 mang lại. Khi mới bắt đầu đi làm, Big4 được xem là bệ phóng giúp các bạn tiến xa hơn trên hành trình sự nghiệp.

Môi trường làm việc tại Big4 rất năng động, mang lại nền tảng kiến thức vững chắc cho các bạn trẻ. Nguồn ảnh: Thirdman / Pexels.

Phần 2: Hiểu chất Big4: Khác biệt tạo sự riêng biệt

#1: Giới thiệu về các đợt tuyển dụng vào Big4

Chị Hương Giang cho biết, Big4 có hai đợt tuyển dụng lớn hàng năm, đó là Internship Recruitment Program và Fresh Graduate Recruitment Program.

Đối với Internship Recruitment Program, thời gian bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký là tháng 8, thời gian kết thúc là tháng 10 hoặc tháng 11. Tùy vào nhu cầu của từng Big4, số lượng sẽ rơi vào khoảng 40 - 70 bạn. Đối tượng chủ yếu là các bạn sinh viên năm cuối, mới tốt nghiệp đại học, hoặc mới tốt nghiệp khoảng một năm. Hầu hết các bạn đỗ kỳ tuyển dụng này đều học chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính - Ngân hàng, ngoại thương hoặc thuế. Tuy nhiên, một số ít bạn thuộc khối ngành khác, chẳng hạn như Ngôn ngữ cũng có thể thi đậu kỳ tuyển dụng này.

Kỳ tuyển dụng thứ hai là Fresh Graduate Recruitment Program. Thời gian mở đơn đăng ký là tháng 3 hàng năm. Thông thường, số lượng sinh viên cho đợt này là khoảng 10 - 20 bạn. Tuy nhiên, chị Hương Giang nói thêm, có những thời điểm, các Big4 lại cần tuyển đến 40 bạn, thậm chí là 50. Số lượng tuyển dụng của đợt này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu nhân sự của từng Big4 trong giai đoạn tiếp theo. Một yếu tố khác là số lượng các bạn được giữ lại của chương trình Internship trước đó. Đối tượng cho đợt tuyển này khá linh hoạt, không bắt buộc phải là sinh viên năm cuối hoặc mới tốt nghiệp.

Ngoài ra, những năm gần đây thì các Big4 có thêm một vài chương trình thực tập trái mùa khác, chẳng hạn như mùa hè hoặc thậm chí là tháng 9. Thế nhưng, số lượng tuyển của những đợt này rất ít. Đối tượng của các chương trình mùa hè sẽ là các bạn du học sinh ở nước ngoài có nhu cầu thực tập trong thời gian nghỉ hè. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên năm hai hoặc năm ba có ý định thực tập cũng có thể tham gia.

#2: Nội dung và cấu trúc của hai đợt tuyển dụng của Big4

Theo chia sẻ từ anh Nhật Hưng, về tổng thể thì cấu trúc của hai đợt tuyển này có khá nhiều sự tương đồng. Nhìn chung, cả hai đều có 4 vòng như sau:

  • Vòng 1 - Nộp CV: Các bạn sinh viên cần chuẩn bị bằng cấp, chứng chỉ, cũng như liệt kê những thành tích, kỹ năng và kinh nghiệm để nộp trực tiếp cho vị trí Internship hoặc Associate. Anh Hưng nói thêm, điều tốt nhất bạn có thể làm ở vòng này là chuẩn bị một bộ hồ sơ tốt nhất có thể để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
  • Vòng 2 - Làm bài kiểm tra năng lực: Tùy vào đặc thù của từng Big4, hình thức kiểm tra sẽ có nhiều khác biệt. Dẫu vậy, theo kinh nghiệm của anh Hưng, nội dung kiểm tra sẽ bao gồm các kiến thức chuyên môn về kế toán, kiểm toán, luật và thuế. Bài test cũng có thể bao gồm bài test IQ, kiến thức xã hội hoặc liên quan đến một số chuyên ngành khác. Ngoài ra, bài test sẽ có thêm phần nghị luận xã hội xoay quanh một vấn đề nào đó trong cuộc sống.
  • Vòng 3 - Phỏng vấn nhóm: Ở vòng này, các bạn sẽ được chia thành nhóm, sau đó được Ban Giám khảo phân chia chủ đề. Các chủ đề khá đa dạng, có thể là kiến thức chuyên môn hoặc môi trường làm việc công sở. Đây là vòng để các bạn thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, cũng như kỹ năng trao đổi, đóng góp ý kiến, thuyết trình trước Ban Giám khảo.
  • Vòng 4 - Phỏng vấn cá nhân: Ở vòng cuối cùng, các bạn sẽ được phỏng vấn trực tiếp hoặc qua các công cụ Zoom, hoặc Microsoft Team với các anh chị cấp cao trong Big4. Tùy vào từng Giám khảo, các bạn có thể nhận được những câu hỏi liên quan đến cách ứng xử, giải quyết tình huống hoặc kiến thức chuyên ngành. Các bạn cũng thể chia sẻ về nguyện vọng của bản thân, cũng như đặt câu hỏi ngược lại cho các anh chị.

#3: Đâu là vòng khó nhất trong 4 vòng tuyển dụng của Big4?

Chị Hà Trang chia sẻ, vòng phỏng vấn nhóm là vòng khó nhất trong bốn vòng thi. Chị Trang nói thêm, tỷ lệ thi rớt ở vòng phỏng vấn nhóm rất cao. Đối với vòng CV, các bạn chỉ cần có một CV hấp dẫn, có đầy đủ thông tin như hoạt động ngoại khóa, thành tích học tập tốt ở trường là đủ. Đến với vòng làm bài test, các bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức. Còn với vòng phỏng vấn cá nhân, chị Hà Trang nói thêm, vòng này đôi khi sẽ có chút cảm tính, vì nếu tạo được ấn tượng tốt với Giám khảo thì khả năng được chọn là rất cao.

Trong khi đó, theo chị Hương Giang, vòng khó nhất là vòng phỏng vấn cá nhân. Thứ nhất, vòng này sẽ yêu cầu các bạn có nền tảng vững vàng về kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh và kỹ năng xử lý tình huống. Thứ hai, các bạn thí sinh đi đến vòng này đều là những ứng viên ưu tú, tức là mức độ cạnh tranh rất cao. Thứ ba, các bạn cần thể hiện bản thân là một người có trách nhiệm, tinh thần cống hiến cao và sẵn sàng đảm nhận công việc này. Thứ tư, vòng này sẽ chịu ảnh hưởng bởi kết quả từ các vòng thi trước, chẳng hạn như Giám khảo sẽ có ấn tượng tốt nếu như bạn có một CV hấp dẫn hoặc có kết quả bài thi tốt.

Phần 3: Audit không lo âu - Big4 không sợ khó

Đến với phần cuối cùng của sự kiện là những lời khuyên hữu ích từ 3 diễn giả dành cho các bạn đang có dự định tiến vào Big4.

Anh Nhật Hưng cho biết, công nghệ có vai trò khá quan trọng đối với công việc kiểm toán. Thứ nhất, quy trình xử lý dữ liệu sẽ trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn. Thứ hai, công nghệ sẽ giúp giảm thiểu khối lượng công việc mang tính thủ công cho các kiểm toán viên. Do đó, các bạn muốn ứng tuyển vào Big4 cần trau dồi nhiều hơn về kỹ năng công nghệ thông tin, từ đó ứng dụng vào quy trình xử lý công việc.

Chị Hà Trang chia sẻ, không chỉ riêng Big4, mà đối với bất kỳ công việc nào cũng thế, điều quan trọng bạn cần làm đó là tìm hiểu vị trí đó đang cần những gì. Bạn có thể tìm trên LinkedIn, trên các tuyển dụng và vào phần Requirement xem họ đang tìm kiếm điều gì để có thể chuẩn bị một cách tốt nhất. Theo kinh nghiệm của chị Trang, bên cạnh yêu cầu về bằng cấp, các bạn cũng cần có kỹ năng chuyên ngành và kỹ năng mềm (tiếng Anh, tin học, làm việc nhóm, quản lý thời gian,...). Để làm được điều đó, các bạn cần tận dụng thời gian học Đại học để trau dồi kiến thức và kỹ năng, chẳng hạn như tham gia hoạt động ngoại khóa, tìm kiếm công việc làm thêm có liên quan đến chuyên ngành để có được bước đệm tốt, cũng như kinh nghiệm bổ sung vào CV.

Chị Hương Giang bổ sung thêm, bên cạnh việc thành thạo kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, các bạn nên thành thạo kỹ năng sử dụng các ứng dụng văn phòng như Word và Excel. Bên cạnh đó, để trở thành một thực tập sinh và nhân viên tốt, các bạn cần xây dựng kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp và thái độ làm việc tích cực. Ngoài ra, khả năng tự học và tự nghiên cứu cũng rất quan trọng.

Bạn có thể xem toàn bộ buổi webinar “Sharing Audit: Breaking into Big4” tại đây.
Theo: Nguyên Nguyễn / ProFin.vn