Tạm nộp thuế TNDN năm 2021: bài toán khó chưa lời giải tối ưu

...

Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp “TNDN” quý 3/2021 đã cận kề, đây cũng là mốc thời gian mà phần lớn công ty phải chốt số thuế tạm nộp theo quy định mới tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định về việc tạm nộp thuế TNDN còn những vướng mắc cho doanh nghiệp và người làm kế toán.

Tạm nộp thuế TNDN năm 2021: bài toán khó chưa lời giải tối ưu
Nguồn ảnh: Leeloo Thefirst / Pexels.

Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp “TNDN” quý 3/2021 đã cận kề, đây cũng là mốc thời gian mà phần lớn công ty phải chốt số thuế tạm nộp theo quy định mới tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định về việc tạm nộp thuế TNDN còn những vướng mắc cho doanh nghiệp và người làm kế toán. Thông tư 80/2021/TT-BTC ban hành mới đây ngày 29/09/2021 cũng chưa hướng dẫn một cách rõ ràng để tháo gỡ, xử lý, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đã và đang trải qua khó khăn do Covid-19. Bài viết này, ProFin điểm qua những khó khăn, và một số đề xuất.

Việc tạm đóng thuế TNDN thay đổi như thế nào?

Với cơ chế “tự khai, tự nộp” và các quy định hiện hành, hàng quý doanh nghiệp tự ước tính số tiền thuế TNDN và tạm nộp vào ngân sách nhà nước (“NSNN”), chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu quý sau.

Đáng lưu ý, theo quy định mới, tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp cả năm. Trường hợp nộp ít hơn, doanh nghiệp phải chịu tiền phạt do chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu, kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu.

Quy định này có những khác biệt đáng kể so với cách áp dụng trong thời gian từ năm 2014-2020. Để dễ hình dung, hãy xem xét trường hợp công ty có năm tài chính trùng với năm dương lịch (tức là từ 01/01 đến 31/12).

(*): theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 6, điều 8 nghị định 126/2020/NĐ-CP. (**): theo hướng dẫn tại điều 17 thông tư 151/2014/TT-BTC.

Theo chỉ tiêu (1) và (2), tỷ lệ tạm đóng ít hơn, nhưng công ty phải nộp thuế sớm hơn một quý, và nếu nộp thiếu thì sẽ bị tính lãi chậm nộp nhiều hơn (do số ngày tính tiền lãi tăng lên). Nhưng dù là 80% hay 75%, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế kỹ thuật. Bởi lẽ, cơ sở thu thuế phải được lập luận trên nguyên tắc thực tế phát sinh, lãi đến đâu nộp thuế đến đó.

Ví dụ 1: Giả sử một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giống nhau ở hai năm 2020 và 2021, sẽ có sự khác biệt về tiền chậm nộp nếu không tuân thủ quy định tạm nộp thuế TNDN của năm tương ứng (theo quy định cũ và mới) như sau:

(Đơn vị tính: triệu đồng)

Chỉ tiêu (3) có thể được xem là “yếu tố bí ẩn” trong quy định mới. Từ năm 2020 về trước, để tính được 80% số thuế TNDN tạm nộp trước ngày 30/01 năm tiếp theo, doanh nghiệp cũng cần một số ước tính nhất định. Dù vậy, kết quả tính toán có độ tin cậy tương đối cao và sự chênh lệch với số thuế cuối năm không nhiều, vì phần lớn doanh thu và chi phí trong năm đã được xác định khá đầy đủ, hay nói cách khác, đa số dữ liệu đầu vào là số liệu quá khứ. Thế nhưng, từ năm 2021 câu chuyện sẽ khó khăn hơn. Lúc này, công ty cần có thêm nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng mới là số liệu dự báo trong tương lai cho quý kinh doanh cuối năm, làm cho độ vênh giữa con số tạm tính và kết quả cuối cùng sẽ lớn hơn. Từ đó, rủi ro phát sinh tiền chậm nộp cũng gia tăng.

Ví dụ 2: Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh trên thực tế sai lệch với dữ liệu kế hoạch dùng để tạm tính thuế TNDN năm 2021, sẽ có sự khác biệt về tiền chậm nộp nếu không tuân thủ quy định tạm nộp thuế TNDN như sau:

(Đơn vị tính: Triệu đồng)

Như vậy, việc điều chỉnh quy định này đòi hỏi bộ phận kế toán - tài chính cùng với chủ doanh nghiệp cần có sự ước tính doanh thu, chi phí cũng như tính toán số tiền thuế tạm nộp sao cho phù hợp, để tối ưu dòng tiền, đồng thời hạn chế rủi ro chịu phạt chậm nộp. Quan trọng hơn nữa, tránh làm xấu lý lịch doanh nghiệp vì “không tuân thủ chính sách thuế”, dẫn đến khó khăn trong hồ sơ đấu thầu, xuất nhập khẩu, việc gọi vốn trong tương lai…

Ước tính lợi nhuận cả năm là “yếu tố bí ẩn” khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định mới. Nguồn ảnh: Freepik.

Vướng mắc còn tồn đọng từ chính sách

Trong thời gian trước, nhiều doanh nghiệp dù có lợi nhuận nhưng không thực hiện tạm nộp hằng quý vào NSNN, mà để dồn đến ngày 30/01 năm sau, từ đó dẫn đến việc NSNN bị chiếm dụng, gây ảnh hưởng đến cân đối NSNN hằng năm. Từ thực trạng này, cơ quan quản lý đã ban hành quy định mới nhằm đảm bảo việc thu thuế đúng, đủ, kịp thời, phù hợp với năm tài chính và tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định mới vô tình đưa doanh nghiệp vào những khó khăn, có thể kể đến các trường hợp như:

Doanh nghiệp có doanh thu tăng đột biến trong quý 4 do đặc trưng ngành nghề (nhà hàng, sự kiện, dịch vụ cưới hỏi, thời trang…).

  • Kết quả thực hiện ba quý đầu năm khó phản ánh sát kết quả kinh doanh trọn năm, nên số thuế TNDN ước tính của ba quý sẽ chênh lệch nhiều so với của cả năm. Ngoài khả năng phát sinh tiền chậm nộp, công ty còn phải “ứng trước” tiền thuế cho kết quả hoạt động trong tương lai - quý 4.

Doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian ngắn.

  • Các công ty vẫn chủ yếu ở giai đoạn đầu tư, vận hành chưa ổn định, khả năng tạo ra doanh thu trong tương lai khó ước đoán và nguồn lực hạn chế (nhân sự, nguồn vốn,…). Vì vậy, việc ước tính doanh thu và thuế TNDN được xem là vấn đề không dễ xử lý cho nhóm này.

Doanh nghiệp mới thành lập trong quý 4.

  • Trong quý 3, công ty chưa hoạt động, chưa có mã số thuế thì làm cách nào để nộp thuế cho ba quý đầu năm? Giả sử quý 4 có phát sinh thuế TNDN, lúc này doanh nghiệp sẽ bị tính chậm nộp. Có thể thấy rằng quy định chưa được hợp lý trong tình huống này.

Khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ (“SME”)

Việc gia tăng “biến số ước tính” trong đầu vào của công thức tính thuế TNDN tạm nộp tạo nên nhiều thách thức, bởi:

  • Phần lớn doanh nghiệp SME không có thói quen xây dựng kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài chính, chủ doanh nghiệp cũng không có nhiều kiến thức liên quan.
  • Doanh nghiệp SME không có đủ nguồn lực để thiết lập phòng tài chính riêng biệt; do đó, không có nhân viên có chuyên môn cao trong việc hoạch định, quản lý tài chính.
  • Nhân viên kế toán (nội bộ trong công ty hoặc kế toán dịch vụ) không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc lập dự phóng, kế hoạch; đa số chỉ có kinh nghiệm xử lý thông tin quá khứ, và chưa được trang bị kỹ năng dự báo tương lai để tư vấn cho chủ doanh nghiệp.
  • Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến khả năng ước tính của bất cứ ai, kể cả các CEO, CFO dày dặn kinh nghiệm.

Tựu trung lại, sự điều chỉnh tỷ lệ tạm nộp về mức 75% (tương ứng với ¾ kết quả của một năm) tương đối phù hợp về mặt cơ sở lý luận, nhưng khi áp dụng thì vẫn còn những điểm vướng mắc. Điều này có thể xuất phát từ việc nảy sinh nhiều tình huống đa dạng trên thực tế, mà có lẽ cơ quan thuế chưa tính toán được hết trong quá trình xây dựng chính sách. Ngoài ra, đặc thù doanh nghiệp SME tại Việt Nam và hiện trạng trình độ bộ phận kế toán - tài chính cho các doanh nghiệp này cũng là nguyên nhân khiến việc đưa chính sách vào thực tiễn chưa được thuận lợi.

Nhận xét về một số hướng giải pháp

Để khắc phục phần nào hạn chế, những hướng xử lý nào có thể được cân nhắc?

(1) Quay về quy định kê khai thuế TNDN tạm tính hàng quý và thu thuế trên cơ sở này

  • Ưu điểm: dễ tính toán, dễ thu, dễ nộp, tôn trọng nguyên tắc bản chất phát sinh thu nhập.
  • Nhược điểm: tăng thủ tục hành chính; phát sinh trường hợp nộp dư thuế khi công ty có những khoản chi phí lớn vào cuối năm.

(2) Điều chỉnh lại cách tạm nộp thuế TNDN cho một số ngành nghề kinh doanh theo mùa vụ vào cuối năm (do đặc thù)

  • Ưu điểm: giảm bớt phạm vi doanh nghiệp chịu tác động.
  • Nhược điểm: tăng mức độ phức tạp và thủ tục hành chính từ việc xác định doanh nghiệp đặc thù và doanh nghiệp không đặc thù; không điều chỉnh được cho công ty có năm tài chính khác năm dương lịch.

(3) Điều chỉnh không áp dụng cho doanh nghiệp mới thành lập trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ: trong 03 năm tài chính đầu tiên)

  • Ưu điểm: giảm bớt phạm vi doanh nghiệp chịu tác động; nguồn thu không bị ảnh hưởng nhiều.
  • Nhược điểm: chỉ giải quyết khó khăn tạm thời cho nhóm doanh nghiệp mới.

Có thể thấy rằng, việc có giải pháp thống nhất, hài hòa mọi phương diện là một bài toán khó. Tuy nhiên, ProFin đánh giá giải pháp (3) là phù hợp nhất. Xét về ngắn hạn, doanh nghiệp SME, kế toán viên sẽ vẫn phải đối mặt với thử thách do các khó khăn đã nêu ở trên. Tuy nhiên, về dài hạn, điều này phù hợp với xu thế xử lý, phân tích dữ liệu theo hướng nhìn về tương lai của ngành tài chính - kế toán, và sẽ là yếu tố thúc đẩy để nâng cao kỹ năng của nhân sự ngành kế toán, năng lực dự báo của doanh nghiệp SME.