CFO Insights #5: Tối ưu dòng tiền như thế nào để vượt qua giai đoạn khủng hoảng?

...

Mỗi khi tình hình kinh tế rơi vào khủng hoảng, “cash is king” được xem là câu “thần chú” của các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Do đó, trong báo cáo 5 Top CFO Cash Management Strategies, CFO.com và Oracle Netsuite đã tổng hợp quan điểm của 5 CFO thuộc các lĩnh vực khác nhau về chiến lược quản lý dòng tiền trong bối cảnh kinh tế biến động và không chắc chắn.

Avi Cohen - CFO tại F9 Brands: Đảm bảo dòng tiền ổn định nhằm duy trì tỷ lệ tăng trưởng

F9 Brands gồm có 4 công ty kinh doanh các sản phẩm nội thất, phụ kiện nhà bếp và dịch vụ trang trí nhà cửa. Cohen cho biết, tính đến quý 1/2022, mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình hàng năm của F9 Brands là 25%. Tuy nhiên, lợi nhuận những quý còn lại trong năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Cho đến quý 1/2023, tình hình đang dần được cải thiện, song chỉ số YOY (year-over-year growth: tốc độ tăng trưởng hàng năm) chỉ ở mức 10%.

Vị CFO của F9 Brands chia sẻ, trong bối cảnh mà khách hàng không có nhu cầu xây dựng, sửa chữa hoặc nâng cấp nội thất, điều đầu tiên F9 Brands tiến hành là tạm dừng triển khai các dự án mới. Tuy nhiên, công ty vẫn phải bỏ ra chi phí cho một số khoản chi nhất định. Vào giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty gặp nhiều trở ngại khi đặt mua, thanh toán và nhận nguyên vật liệu trong khoảng 3-6 tháng. Do vậy, Cohen buộc phải lập kế hoạch duy trì một lượng tiền mặt nhất định, nhằm trang trải cho một vài chi phí cụ thể. Cohen chia sẻ, mọi thứ khó có thể hoàn hảo như kế hoạch đặt ra, tuy nhiên nếu dòng tiền thực tế thấp hơn dự định khoảng 10% hoặc 20%, công ty sẽ không xoay sở kịp thời và khả năng cạn kiệt tiền mặt là rất cao. Hơn nữa, dòng tiền của công ty phải tăng lên hàng tháng mới có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng đang bắt đầu phục hồi. Bên cạnh đó, F9 Brands cũng sử dụng chiến lược vendor financing (tài trợ của nhà cung cấp) nhằm kiểm soát chi phí vận hành ở một mức nhất định.

Avi Cohen - CFO tại F9 Brands.

Ngoài ra, Cohen đề xuất các doanh nghiệp nên nỗ lực cải thiện quy trình thu thập và phân tích dữ liệu, nhằm đưa ra quyết định nhanh chóng và linh hoạt trong bối cảnh có nhiều biến động, thay vì một mực tuân theo kế hoạch ban đầu. Kế đến, doanh nghiệp cũng nên đặt ra các KPI cụ thể, chẳng hạn như so sánh và đánh giá tỷ lệ doanh số đạt được của mỗi nhân viên theo chu kỳ hàng tháng, hàng quý,...

Mark Smolenski - CFO của Medcor: DSO tăng cao là dấu hiệu nên xem xét lại các khoản phải thu

Medcor là hệ thống điều phối phòng khám sức khỏe dành cho đối tượng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm ngành có mức độ rủi ro nghề nghiệp cao như quản lý kho hàng, nhà máy sản xuất, xây dựng công trình,... Mặc dù nguy cơ suy thoái của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khá thấp, song Medcor vẫn rơi vào khủng hoảng vì những khách hàng thanh toán chậm trễ. Vì lẽ đó, Smolenski đặt ra mục tiêu giảm thiểu DSO (days sales outstanding: số ngày thu hồi tiền bán hàng). Lúc này, điều quan trọng cần làm là thu hồi các khoản phải thu (account receivable). Smolenski cho biết, đây sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu khi lập chiến lược tài chính, trừ phi DSO đột ngột tăng mạnh. Trong trường hợp của Medcor, khi dịch bệnh vừa mới lan rộng thì DSO của họ hơn 50, chỉ vài tháng sau thì con số này đã tăng lên 80.

Mark Smolenski - CFO tại Medcor.

Do vậy, Medcor đã đưa ra một khoản phạt nếu không thanh toán không đúng hạn nhằm giảm thiểu tình trạng chậm trễ. Bên cạnh đó, công ty cũng đề nghị nhà cung cấp kéo dài thời hạn thanh toán hóa đơn. Không chỉ vậy, Medcor còn bổ sung chính sách xếp hạng các khoản đầu tư dựa vào giá trị hiện tại ròng (net present value). Dù đi ngược với quy trình thông thường để đạt được điểm hòa vốn, song theo chia sẻ của vị CFO của Medcor, điều này sẽ giúp công ty tập trung vào mục tiêu có được dòng tiền trước mắt cho đến khi vượt qua giai đoạn khó khăn.

Pat Dillon  - CFO tại Flock Freight: Giảm thiểu chi tiêu, đầu tư an toàn để có thêm lợi nhuận

Flock Freight là nền tảng công nghệ hỗ trợ lấp đầy hàng hóa từ nhiều chủ cửa hàng cho các xe tải chở hàng thuộc các bên thứ ba. Dù đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, công ty lại đang gặp khó khăn vì vấn đề chuỗi cung ứng. Kể từ đầu năm 2022, tỷ giá giao ngay (spot rate) của các xe tải chở hàng đã giảm xuống 30%, ngay cả khi nguồn cung mới (bao gồm xe tải và tài xế) đang có dấu hiệu tăng mạnh.

Dillon cho biết, mặc dù Flock Freight sở hữu một lượng tiền mặt tương đối, nhưng trong bối cảnh kinh tế ảm đạm thì việc thu hồi tiền từ các bên không hề dễ dàng. Không chỉ thế, với tình hình lãi suất tăng cao nên công ty cũng tìm cách có thêm lợi nhuận từ những khoản đầu tư an toàn, chẳng hạn như quỹ thị trường tiền tệ (money-market funds) hoặc ngân quỹ (treasuries). Bên cạnh đó, trong năm 2023, Flock Freight cũng lên kế hoạch tiếp tục thắt chặt ngân sách vận hành, đồng thời hạn chế phát sinh các khoản nợ xấu bằng cách giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Pat Dillon - CFO tại Flock Freight.

Aaron Hartwig - CFO tại Edgewood Companies: Chỉ sử dụng dòng tiền tự do để tiếp tục tiến hành dự án

Khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, những doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cao cấp như Edgewood là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong năm 2020, khách sạn cao cấp Edgewood Tahoe Resort phải đóng cửa trong quãng thời gian dài. Cho đến năm nay, tình hình đang dần được cải thiện khi giá bán phòng khách sạn trung bình hàng ngày (average daily room rate) duy trì ở mức tốt. Dẫu vậy, theo Hartwig, tỷ lệ lấp phòng (occupancy rate) vẫn chưa thật sự ổn định.

Vị CFO của Edgewood chia sẻ, thử thách lớn nhất trong việc quản lý dòng tiền đó là dự đoán thời điểm thích hợp để tiến hành các dự án thi công hoặc nâng cấp nội thất. Với đặc thù của lĩnh vực khách sạn cao cấp, đầu tư vào kiến trúc là một yếu tố không thể bỏ qua. Do đó, điều quan trọng cần làm đó là dự đoán tình hình tài chính cho những tình huống có thể xảy ra của mỗi dự án thi công.

Aaron Hartwig - CFO tại Edgewood Companies.

Thêm vào đó, Hartwig cho biết, việc thi công và nâng cấp sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ chậm rãi và chỉ sử dụng dòng tiền tự do (free cash flow). Cụ thể hơn, đối với một dự án xây dựng bốn biệt thự cao cấp gần đây, công ty đã quyết định tiến hành dự án này trong hai giai đoạn, tức là mỗi lần chỉ xây dựng hai biệt thự. Hartwig nói thêm, ông cũng lên kế hoạch nâng cao hạn mức tín dụng nhằm đảm bảo quá trình thi công diễn ra thuận lợi.

Steven Nutt - CFO tại Community National Bank & Trust of Texas: Thắt chặt tiêu chuẩn cho vay, tăng tính thanh khoản trên bảng cân đối kế toán

Community National Bank & Trust of Texas là hệ thống ngân hàng có 13 chi nhánh hoạt động tại các trung tâm thành phố thuộc phía đông Texas. Theo nhận định của Nutt, tình hình kinh tế tại Texas trong năm nay khá ổn khi ngân hàng ghi nhận được lượng ký gửi tài sản có chất lượng, cũng như không gặp bất cứ vấn đề gì về các khoản vay.

Tuy nhiên, Nutt vẫn lo ngại vì dòng tiền ra của Community National Bank chiếm tỷ lệ cao hơn dòng tiền vào. Mặc dù trên thực tế, động thái này không quá khó hiểu. Thông thường, tỷ lệ tăng trưởng khối lượng tiền gửi hàng năm của các ngân hàng dao động khoảng 2- 5% mỗi năm. Thế nhưng, tỷ lệ này đã tăng lên 20% trong hai năm dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Trong bối cảnh hiện tại, nhiều người đã bắt đầu rút tiền ra khỏi ngân hàng và đầu tư vào các hình thức khác.

Steven Nutt - CFO tại Community National Bank & Trust of Texas.

Vì thế, ngân hàng này cần phải thắt chặt tiêu chuẩn cho vay, tăng tính thanh khoản trên bảng cân đối kế toán khi dự đoán về nhu cầu tiền mặt trong năm. Cho đến khi nền kinh tế dần ổn định, ngân hàng này sẽ phân phối sử dụng dòng tiền ít hơn. Thêm vào đó, Nutt cho biết, họ đang làm việc với các công ty công nghệ nhằm tích hợp những tính năng hiện đại nhằm thu hút và giữ chân khách hàng gửi tiền.

Xem các bài viết khác cùng chuỗi bài tại: https://www.profin.vn/tag/cfo-insights/
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn