Cổ đông nhỏ bị phớt lờ

...

Luật Doanh nghiệp đã có quy định bảo vệ cổ đông nhỏ, song thực tế mùa đại hội cổ đông năm nay cho thấy, ở nhiều doanh nghiệp, cổ đông nhỏ vẫn bị gạt ra bên lề.

Cổ đông nhỏ bị phớt lờ

SKN: Nhiều khúc mắc với cổ đông

Ngày 13/5 vừa qua, Công ty cổ phần Nước giải khát Sanna Khánh Hoà (mã SKN) tiến hành đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Theo Biên bản đại hội được Công ty công bố, tất cả các nội dung đại hội được biểu quyết với tỷ lệ đồng ý 100%.

Biên bản nêu rõ: “Tại thời điểm biểu quyết, có 45 đại biểu, tương ứng 3.854.852 cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 77,09% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty. Theo Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty, Quy chế làm việc Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần Nước giải khát Sanna Khánh Hoà, hình thức biểu quyết từ xa vẫn được công nhận. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty không nhận bất kỳ phiếu biểu quyết từ xa của các cổ đông nên chỉ lấy kết quả biểu quyết tại Đại hội”.

Tuy nhiên, một số cổ đông nhỏ của SKN phản ánh rằng, các cổ đông này không trực tiếp tham dự đại hội nhưng đã liên hệ với Công ty để gửi phiếu biểu quyết vào địa chỉ email do Công ty cung cấp là [email protected], đồng thời gửi đến địa chỉ email được công bố trên website Công ty là [email protected].

Trong email, cổ đông này biểu quyết “Không ý kiến” với nhiều nội dung, bao gồm các tờ trình thông qua báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh 2022 và phương hướng hoạt động 2023, báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2022, báo cáo về kiểm soát hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2022, nhưng phần bỏ phiếu này không được Công ty ghi nhận.

Chưa kể, các câu hỏi chất vấn của cổ đông cũng không được đề cập trong biên bản đại hội. Việc không ghi nhận phần biểu quyết của nhóm cổ đông này làm sai lệch kết quả biểu quyết.

Đây không phải lần đầu tiên SKN gây thắc mắc về quy trình tổ chức đại hội cổ đông. Theo quy định về công bố thông tin với công ty đại chúng, các tài liệu đại hội cổ đông của SKN phải được công bố trên website doanh nghiệp và website của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)- nơi Công ty đang đăng ký giao dịch cổ phiếu - trước 21 ngày tính tới thời điểm tổ chức đại hội. Trong vòng 24 giờ sau khi kết thúc đại hội cổ đông, Công ty phải công bố biên bản và nghị quyết đại hội.

Tuy nhiên, cho đến ngày 4/7/2022, tức là hơn 1 tháng sau ngày họp đại hội cổ đông thường niên thì trên website của HNX mới có công bố Biên bản, nghị quyết và tài liệu đại hội cổ đông thường niên họp ngày 27/5/2022 của SKN.

Năm 2021, SKN cũng gây xôn xao dư luận về sự kiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch năm khi gần kết thúc năm tài chính (cuối tháng 12). Cụ thể, vì 10 tháng đầu năm không đạt kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra, Hội đồng quản trị Công ty đề nghị giảm chỉ tiêu tổng doanh thu năm 2021 xuống còn 60 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế xuống 1,46 tỷ đồng, tương ứng giảm 33% và 41,5% so với kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua hồi đầu năm.

Đáng chú ý, dù gửi thư lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhưng Công ty lại không trả cước phí cho công ty chuyển phát nhanh, cổ đông phải trả tiền cho bưu điện thì mới được nhận phiếu biểu quyết và thư lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Tiền thân là Nhà máy Nước khoáng thiên nhiên Yến sào Khánh Hòa, được cổ phần hóa năm 2017, hiện Sanna có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước chiếm 51% - do Công ty TNHH một thành viên Yến sào Khánh Hòa quản lý. Ngoài ra, SKN còn có các cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Bao bì nhựa Vĩnh An, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Minh Thông và Công ty cổ phần Dịch vụ Văn hóa và Quảng cáo Khánh Hòa. Sanna có khá nhiều sản phẩm nổi tiếng như nước rong biển, nước chanh dây Sanna, nước chanh muối Sanna, nước uống đóng chai…

Tuy nhiên, từ sau khi cổ phần hóa, lợi nhuận của Công ty teo tóp dần. Năm 2016 (trước khi cổ phần hóa), Sanna có lợi nhuận trước thuế 6,5 tỷ đồng, thì năm 2019 chỉ còn 4,8 tỷ đồng, năm 2020 là 2,8 tỷ đồng và năm 2021 vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng. Năm 2022, tuy lợi nhuận cải thiện, song chỉ ở quy mô lợi nhuận sau thuế 2,27 tỷ đồng.

Hiện đại diện vốn Nhà nước trong Hội đồng quản trị của SKN gồm các ông/bà Hồ Kim Phong, Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Hạ Hiền, mỗi người đại diện 17%. Trong Hội đồng quản trị của SKN còn có 2 đại diện vốn tư nhân là ông Đào Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Minh Thông và bà Nguyễn Lê Thùy Linh. .

Đại hội cổ đông trực tuyến và những câu hỏi bị phớt lờ

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp đại chúng tổ chức đại hội cổ đông theo hình thức trực tuyến, để đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Năm nay, khi đại dịch đã lùi xa, một số doanh nghiệp vẫn tổ chức đại hội trực tuyến, bởi hình thức này giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp các cổ đông có thể tham dự đại hội từ bất kỳ đâu, không tốn nhiều thời gian và chi phí đi lại.

Tuy vậy, với một số cổ đông nhỏ, việc họp trực tuyến khiến tiếng nói của họ vốn đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn. Cụ thể, nhiều cổ đông nhỏ đã gửi câu hỏi trực tuyến nhưng không được ghi nhận trong biên bản cuộc họp, không được trả lời hoặc đề cập tới trong các câu trả lời của lãnh đạo doanh nghiệp.

Một số cổ đông của Vilico phản ánh, tại phần hỏi đáp, dù các câu hỏi của cổ đông đã được gửi đến và hiển thị trên khung chat của Đại hội, nhưng MC và ban tổ chức đại hội cho biết do không còn câu hỏi và sắp hết thời gian nên phần trả lời câu hỏi kết thúc.

Chẳng hạn, ngày 27/4/2023, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico (mã VLC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên trực tuyến với các nội dung liên quan tới việc điều chỉnh phát hành cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.

Một số cổ đông của VLC phản ánh, tại phần hỏi đáp, dù các câu hỏi của cổ đông đã được gửi đến và hiển thị trên khung chat của Đại hội, nhưng MC và ban tổ chức đại hội cho biết do không còn câu hỏi và sắp hết thời gian nên phần trả lời câu hỏi kết thúc. Theo đó, nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng không được ghi nhận tại đại hội.

Việc tổ chức đại hội trực tuyến khiến cổ đông nhỏ lẻ không có cơ hội lên tiếng phản đối trực tiếp khi các ý kiến của họ không được ghi nhận hay giải đáp, cũng như khó để liên kết đủ sức mạnh trước các cổ đông lớn.

Cổ đông nhỏ thường chiếm đa số về số lượng nên giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển và ổn định thị trường vốn, là công cụ quan trọng trong giám sát và đảm bảo quản trị hiệu quả cho công ty. Dù vậy, vì là nhà đầu tư nhỏ nên họ dễ phải đối diện với bất lợi trong công ty.

Luật Doanh nghiệp 2020 đã tăng cường mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số, mà nổi bật nhất là quy định nhóm cổ đông sở hữu 5% cổ phần (trước đây là 10%) có quyền xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm, báo cáo của ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua hội đồng quản trị và tài liệu khác, yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, tiếng nói, quyền lợi của các cổ đông nhỏ vẫn bị đặt qua một bên.