Định Giá Doanh Nghiệp #1: Để không bị “ngáo giá” - 3 phương pháp định giá công ty mà chủ doanh nghiệp cần biết

...

Định giá doanh nghiệp thường là chủ đề được thảo luận thường xuyên trên các diễn đàn tài chính. Việc định giá doanh nghiệp thường được tiến hành khi một công ty tiến hành gọi vốn hoặc thực hiện các thương vụ M&A.

Định Giá Doanh Nghiệp #1: Để không bị “ngáo giá” - 3 phương pháp định giá công ty mà chủ doanh nghiệp cần biết

Trước hết, cần hiểu mục đích định giá doanh nghiệp là nhằm xác định giá trị nội tại (“intrinsic value”) của doanh nghiệp đó. Giá trị nội tại được hiểu là giá trị thực hoặc giá trị cơ bản của doanh nghiệp. Đây cũng là giá trị mà cổ đông được hưởng lợi khi đầu tư. Giá trị này có thể xem xét dựa trên hai góc độ: giá trị thanh lý và giá trị hoạt động.

  • Giá trị thanh lý là giá trị của toàn bộ số tiền thu được trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và bán tất cả các tài sản của nó.
  • Giá trị hoạt động là giá trị hiện tại của các “dòng tiền” được tạo ra trong tương lai từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Về cơ bản, có 3 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp được áp dụng phổ biến, đó là:

  1. Phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash flow Models - DCF);
  2. Phương pháp định giá so sánh;
  3. Phương pháp định giá dựa trên tài sản (Asset-based Models).

Phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (DCF)

Câu nói “Cash is King” rất phù hợp trong trường hợp này. Phương pháp dựa trên nguyên tắc: giá trị của doanh nghiệp nằm ở khả năng tạo ra dòng tiền trong tương lai. Để thực hiện phương pháp này đòi hỏi phải dự phóng dòng tiền mà doanh nghiệp tạo ra trong tương lai, kết hợp yếu tố tiền có giá trị thay đổi theo thời gian. Do đó, để xác định đúng giá trị của doanh nghiệp, các lợi tức mà doanh nghiệp tạo ra trong tương lai cần phải được chiết khấu về hiện tại.

Xem thêm: Giá trị thời gian của tiền. Đơn giản thôi!

Phương pháp định giá theo chiết khấu dòng tiền được thể hiện theo công thức sau:

Trong đó:

  • PV là giá trị hiện tại của doanh nghiệp được tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền.
  • CFt là các dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp, CFt có thể là cổ tức hoặc là dòng tiền tiền tự do của chủ sở hữu (FCFE), tùy thuộc vào phương pháp được áp dụng;
  • r là lãi suất chiết khấu, thường được lấy theo tỷ suất sinh lời kỳ vọng của nhà đầu tư;
  • t là khoảng thời gian dự phóng, thường được tính bằng năm.

Phương pháp DCF được chấp nhận rộng rãi trong việc định giá doanh nghiệp vì thể hiện được đúng giá trị của các doanh nghiệp dựa trên khả năng tạo ra lợi nhuận hay chính xác hơn là dòng tiền. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này thì việc dự phóng lợi nhuận doanh nghiệp là một yêu cầu quan trọng bắt buộc. Việc này thường không đơn giản do tính không ổn định của nhiều yếu tố, từ môi trường kinh doanh, thị trường và nội tại doanh nghiệp. Ngoài ra, để đảm bảo tính chính xác thì thời gian dự báo cũng không nên quá dài. Khi doanh nghiệp có những thay đổi về chiến lược kinh doanh, như áp dụng công nghệ mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai, việc định giá phải được cập nhật theo các dữ liệu mới.

Phương pháp định giá so sánh

Phương pháp này thực hiện bằng việc so sánh giữa doanh nghiệp cần định giá với doanh nghiệp tương tự, cùng ngành hoặc có cùng đặc điểm kinh doanh.

Các phương pháp định giá so sánh phổ biến là:

  • P/E: giá cổ phiếu trên lợi nhuận của một cổ phiếu (EPS hay earning-per-share);
  • P/B: giá cổ phiếu chia cho giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu;
  • P/S: giá cổ phiếu chia cho doanh thu trên mỗi cổ phiếu;
  • P/CF: giá cổ phiếu chia cho dòng tiền trên mỗi cổ phiếu (dòng tiền có thế là dòng tiền tự do hoặc dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh);
  • EV/EBITDA: giá trị thị trường của công ty chia cho EBITDA.

Ưu điểm của phương pháp so sánh là dễ dàng thực hiện với các số liệu đơn giản và dễ tìm. Các số liệu về P/E, P/B của doanh nghiệp thường được tính toán và cập nhật thường xuyên trên các trang web tài chính, hay trên các báo cáo của các công ty chứng khoán. Hạn chế lớn nhất của phương pháp này là không phải lúc nào cũng tìm được doanh nghiệp tương tự để so sánh. Ví dụ, để tiến hành so sánh Vingroup, nhà phân tích phải tìm được một doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự trong các lĩnh vực như: bất động sản, y tế, giáo dục, sản xuất xe điện, xe hơi...

Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu
Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu là một chỉ số tài chính, được hiểu là số tiền mà cổ đông nhận được cho mỗi cổ phiếu phổ thông trong trường hợp doanh nghiệp phá sản và phải thanh lý toàn bộ tài sản.

Phương pháp định giá dựa trên tài sản

Về cơ bản theo phương pháp này, giá trị của doanh nghiệp chính là tổng giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp đó, được xác định một cách cơ sở và hợp lý. Phương pháp định giá này được thực hiện dựa trên công thức tổng quát sau:

Giá trị doanh nghiệp = Giá trị thị trường của Tài sản - Giá trị thị trường của Nợ phải trả

Phương pháp này có thể xác định giá trị tối thiểu của một doanh nghiệp, dựa trên giá trị thanh lý của những tài sản mà doanh nghiệp đang nắm giữ. Việc xác định giá thị trường của tài sản sẽ chính xác hơn, nếu đó là tài sản hữu hình và có tính thanh khoản. Ngược lại, tài sản vô hình sẽ khó định giá và tính thanh khoản cũng không cao. Do đó, phương pháp này khó áp dụng cho các doanh nghiệp có nhiều tài sản vô hình, ví dụ như các công ty công nghệ.

Theo: Nguyễn Dương / ProFin