Doanh nghiệp niêm yết khởi động lại kế hoạch tăng vốn

...

Một số doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán đã khởi động lại kế hoạch huy động vốn trên thị trường chứng khoán từng bị gián đoạn trong năm 2022.

Doanh nghiệp niêm yết khởi động lại kế hoạch tăng vốn

Điều chỉnh kế hoạch phát hành cổ phiếu

Cuối tuần qua, Novaland (NVL) công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong đó, tập đoàn này dự kiến chào bán hơn 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện là 1:1, giá bán không thấp hơn 10.000 đồng. Novaland cũng phát hành thêm hơn 975 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.

Nếu thực hiện thành công cả 2 phương án phát hành cổ phiếu nêu trên, Novaland sẽ thu về hơn 29.250 tỷ đồng. Số tiền thu dự kiến được sử dụng để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đầu tư góp thêm vốn vào công ty con, thanh toán các khoản chi phí vận hành chung, các khoản thuế và phải nộp Nhà nước, bổ sung vốn lưu động và thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.

Ở điều kiện thị trường hiện tại, việc phát hành thêm cổ phiếu để thị trường hấp thụ là điều tương đối khó khăn, nếu giá chào bán hay mục đích sử dụng vốn chưa hợp lý. Tuy nhiên, do yếu tố nào đó giúp thị trường có sự hồi phục tốt và dòng tiền vào mạnh, thì đây sẽ là kênh huy động tốt cho các doanh nghiệp niêm yết.

Tương tự, HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) vừa công bố nghị quyết thông qua việc triển khai phương án chi tiết chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Doanh nghiệp này dự kiến phát hành hơn 50,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Với gần 754 tỷ đồng thu về nếu chào bán thành công 100%, Công ty dự kiến sử dụng hơn 422 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi; hơn 331 tỷ đồng còn lại đầu tư tại Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi - Bình Thuận.

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp địa ốc khác phải tạm hoãn các phương án phát hành trước đó cũng bắt đầu khởi động lại kế hoạch tăng vốn. Điển hình là Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp - DIG) - doanh nghiệp trước đó liên tục phải điều chỉnh số lượng cổ phiếu và mức giá phát hành để phù hợp với thực tế thị trường, nhưng vẫn không tăng được vốn.

Theo kế hoạch ban đầu, DIC Corp dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi giá cổ phiếu giảm theo chiều hướng chung của thị trường, doanh nghiệp quyết định nâng số lượng chào bán lên 150 triệu cổ phiếu, với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng do không thuận lợi, DIC Corp điều chỉnh giảm cả giá chào bán về 15.000 đồng/cổ phiếu lẫn lượng cổ phiếu phát hành xuống 100 triệu cổ phiếu, thực hiện trong quý III/2023, thay vì trong quý I/2023 như kế hoạch trước đó.

Cùng với việc khởi động lại kế hoạch phát hành cổ phiếu, DIC Corp cũng điều chỉnh phương án sử dụng vốn. Toàn bộ số vốn thu được dự kiến là 1.500 tỷ đồng được sử dụng cho đầu tư Khu đô thị du lịch Long Tân. Trong đó, chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng tăng từ 780 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng; chi phí xây lắp tăng từ 250 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng; tiền sử dụng đất giữ nguyên là 200 tỷ đồng và không còn mục lãi trái phiếu và chi phí tư vấn.

Thách thức vẫn ở phía trước

Thị trường chứng khoán vẫn được xem là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả với các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, với khó khăn hiện nay, việc huy động vốn trên sàn chứng khoán sẽ khó khăn hơn.

Chẳng hạn, với Năm Bảy Bảy, trong khi thị giá cổ phiếu của Công ty vẫn quanh mức 12.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu, việc đưa ra mức giá cao hơn giá trị trường là 15.000 đồng/cổ phiếu cho phương án chào bán sắp tới là một thách thức không nhỏ, rất khó thu hút các nhà đầu tư. Lường trước diễn biến xấu của thị trường chứng khoán, doanh nghiệp này chỉ đưa ra tỷ lệ chào bán tối thiểu là 70% tổng số cổ phần dự kiến chào bán (tương đương tối thiểu hơn 35 triệu cổ phiếu chào bán).

Tuy nhiên, nếu đợt phát hành không chào bán bán hết số cổ phần như đăng ký, thì Năm Bảy Bảy sẽ hoàn trả số tiền thu được từ đợt chào bán cho cổ đông đã nộp tiền mua. Nếu số tiền huy động được từ đợt chào bán thiếu hụt cho phương án sử dụng vốn, Năm Bảy Bảy sẽ sử dụng linh hoạt các nguồn vốn khác của Công ty, hoặc vay ngân hàng, hoặc huy động từ các nguồn hợp lệ khác để bù đắp phần vốn còn thiếu.

Với Novaland, việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá tối thiểu 10.000 đồng, trong khi thị giá quanh mốc 11.000 đồng/cổ phiếu cũng rất khó hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ, nếu không tính đến phương án thuyết phục nhà đầu tư lớn mua lại số cổ phiếu không chào bán hết. Với việc chào bán riêng lẻ trị giá 9.750 tỷ đồng cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư có thể góp vốn bằng tiền mặt, quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác có thể định giá.

Tất nhiên, việc triển khai thành công phương án trên phụ thuộc lớn vào nỗ lực đàm phán của doanh nghiệp và không loại trừ khả năng Novaland có thể thực hiện qua phương thức hoán đổi nợ, như cách họ đã thành công trong đàm phán với các trái chủ hoán đổi trái phiếu sang các tài sản khác là cổ phần, bất động sản.