Doanh nghiệp sản xuất đuối sức, cạn tiền

...

Ngay những tháng đầu năm, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước đối mặt với nhiều khó khăn do số lượng đơn đặt hàng sụt giảm mạnh, nguồn vốn hạn hẹp.

Doanh nghiệp sản xuất đuối sức, cạn tiền
Doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngành sản xuất trong nước đang ghi nhận những biến động chưa từng có trong những tháng đầu năm. Nếu như những năm trước, sau Tết Nguyên đán là thời điểm tăng tốc tuyển dụng nhân sự thì năm nay mọi chuyện lại khác.

Pouyuen - Doanh nghiệp đông lao động nhất Việt Nam vừa thông báo cắt giảm 6.000 lao động. Từ tháng 11/2022, công ty cũng đã cho gần 20.000 công nhân sắp xếp nghỉ luân phiên. Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đứng trước nguy cơ cắt giảm nhân sự, giờ làm vì "đói" vốn, "đói" đơn hàng.

"Tình hình của các doanh nghiệp sản xuất ngày càng nghiêm trọng, sức mua giảm mạnh, nguồn vốn rất khó khăn", ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt lo lắng.

Theo chủ doanh nghiệp này, việc siết chặt tín dụng thời gian qua khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn ngân hàng dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nợ lẫn nhau. "Thời hạn thanh toán thông thường chỉ khoảng 30 ngày nhưng đến nay các đối tác mua hàng kéo dài đến 50-60 ngày. Đa số đều gặp tình cảnh khó khăn về tín dụng ngân hàng", ông nhìn nhận.

Khó khăn bủa vây

Theo ông Thiện, trong giai đoạn này, việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng "gần như là không thể". Doanh nghiệp muốn vay thêm để bù khoản công nợ tăng nhưng không được do các tổ chức tín dụng đều thắt chặt việc cho vay dù cơ quan này luôn nói rằng vẫn tập trung nguồn vốn cho sản xuất.

"Phía các trang trại cũng không thể vay thêm khiến doanh nghiệp đang phải gánh hai đầu công nợ. Các doanh nghiệp đang rất đuối về vấn đề tiền mặt, tình hình rất nặng nề chứ không đơn giản như năm ngoái", lãnh đạo Vĩnh Thành Đạt nhìn nhận.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất trong nước mà nhiều đơn vị trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí... xuất khẩu cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Là ngành có tỷ lệ xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM (AGTEK), cho biết đa số người lao động của các doanh nghiệp dệt may đang phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm.

"Các doanh nghiệp đều ở trong tình cảnh đơn hàng giảm mạnh tới 30-40%, chủ yếu là thị trường Mỹ, EU do sức ép lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu", ông nói.

doanh nghiep san xuat anh 1
Doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông, thời điểm này, điều doanh nghiệp cần nhất là giảm, giãn các loại thuế phí như giãn đóng bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... để có nguồn tiền dự trữ lo cho công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Đơn hàng cũng sụt giảm nghiêm trọng ở ngành chế biến gỗ khiến nhiều doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng, nhất là doanh nghiệp nội địa. Theo thống kê, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% chỉ còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại không có đơn hàng. Điều này khiến hàng tồn kho doanh nghiệp tăng cao và thiếu dòng tiền để hoạt động.

Cần giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng có 3 nguyên nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đó là nhu cầu sụt giảm mạnh cả trong nước lẫn ngoài nước; chi phí đầu vào doanh nghiệp tăng cao, bào mòn biên lợi nhuận; rủi ro vay nợ xấu, các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế bị tắc nghẽn dẫn đến tình trạng khó khăn dây chuyền.

Nên cân nhắc hoãn, giãn các khoản thuế, phí doanh nghiệp phải nộp cho hết năm, cân đối lại gói phục hồi và kéo dài gói hỗ trợ giảm 2% thuế VAT.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Theo vị chuyên gia này, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần có giải pháp về tiền tệ, tài khóa và chính sách thể chế.

"Đối với giải pháp tiền tệ, dư địa chính sách của Việt Nam tương đối hạn hẹp, ràng buộc nhiều yếu tố. Năm nay, chính sách tiền tệ có thể không thắt chặt như năm ngoái. Nhưng nguy cơ lạm phát đang hiện hữu, do đó khó có thể giảm mạnh lãi suất", ông Việt phân tích.

Trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm đã vượt định mức, thì ngân hàng trung ương vẫn phải nghe ngóng động thái để điều hành chính sách tiền tệ, nhất là rủi ro thanh khoản trong hệ thống vẫn còn cao do các trái phiếu đáo hạn năm nay và năm sau có nguy cơ không trả nợ được.

Theo đó, ông cho rằng nên cân nhắc hoãn, giãn các khoản thuế, phí doanh nghiệp phải nộp cho hết năm, cân đối lại gói phục hồi và kéo dài gói hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước và vẫn kiềm chế lạm phát hiệu quả.

"Ngoài ra, nên xem xét giảm bớt các khoản chi phí đóng góp phí/thuế cho doanh nghiệp, không nên vì mục tiêu thu ngân sách trong ngắn hạn mà tìm cách tăng thu thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số ngành đang có cơ hội phát triển", ông Việt nói.

doanh nghiep san xuat anh 3
Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải cắt giảm số lượng lớn lao động. Ảnh: Chí Hùng.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp trong ngành là việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng như lãi suất cho vay cao.

"Nhiều doanh nghiệp tích lũy được nguồn vốn nhất định để mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên nguồn vốn tích lũy chỉ đáp ứng được khoảng 30-40%, còn lại là các doanh nghiệp vay trung hạn và dài hạn vốn từ ngân hàng, vì vậy nếu vốn vay mà lãi suất cao, doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực tài chính lớn", bà nói.

Theo bà Chi, trước đây, TP.HCM có chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất, nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, 2 năm nay, chương trình gián đoạn, do đó, các doanh nghiệp kiến nghị TP duy trì lại chương trình này trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tự "cứu" mình như thế nào?

Đối với doanh nghiệp, qua khảo cứu kinh nghiệm những nước đã từng trong khủng hoảng tài chính châu Á (giai đoạn 1997-1998), ông Việt cho rằng doanh nghiệp cần đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng minh bạch, liêm chính, kiên quyết loại bỏ mô hình kinh doanh nặng tính gia đình trị (phải áp dụng các chuẩn mực và mô hình quản lý hiện đại).

"Đồng thời cần có lộ trình, chiến lược đổi mới công nghệ và nắm bắt xu hướng mô hình kinh doanh trong ngành, lĩnh vực của mình để từng bước tham gia tốt hơn chuỗi sản xuất, kinh doanh khu vực và thế giới", vị chuyên gia nhìn nhận.

Cuối cùng, lãnh đạo VEPR cho rằng doanh nghiệp phải thực sự xác định tự chủ kinh doanh. Các chiến lược kinh doanh dựa dẫm vào các hỗ trợ, đặc quyền hoặc thông qua thủ đoạn, đi đêm, lợi ích nhóm sẽ gặp rủi ro... và từ đó hiệu quả đầu tư cũng sẽ không đạt được kỳ vọng.

Trong một báo cáo mới nhất, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết trong 100 doanh nghiệp thì có tới 85% đang gặp khó khăn chủ yếu do thị trường bị thu hẹp, khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất vay cao...

"Số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ. Bên cạnh đó, mức lương trả cho người lao động cũng giảm mạnh. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới", HUBA đánh giá.

Thanh Thương / Zing News