Đổi trái phiếu lấy bất động sản: Cẩn trọng tạo tiền lệ xấu

...

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng nếu được đổi trái phiếu lấy bất động sản, một tiền lệ xấu sẽ có nguy cơ xảy ra, đó là một số doanh nghiệp sẽ có thể phát hành trái phiếu với tâm thế luôn bán được hàng, kể cả khi gặp khó khăn trong thanh toán trái phiếu.

Đổi trái phiếu lấy bất động sản: Cẩn trọng tạo tiền lệ xấu

Tại dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt về thanh khoản của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, Bộ Tài Chính đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác.

Lượng phát hành trái phiếu sụt giảm mạnh

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện gặp khó khăn do khối lượng phát hành trái phiếu sụt giảm mạnh. Đồng thời, nhu cầu đầu tư trái phiếu, đặc biệt là từ nhà đầu tư cá nhân sụt giảm mạnh kể từ sau các vụ việc xử lý đối với Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Mặt khác, khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn tăng và nhiều nhà đầu tư bán lại trái phiếu. Cùng với đó, khối lượng trái phiếu đến hạn trong năm nay khá lớn khiến doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền để thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn…

Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản gặp khó khăn về thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023. Một số doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các quy định liên quan, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành, các chuyên gia và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 65, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp phát hành, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác.

Nguyên tắc thanh toán là phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Cẩn thận “con dao hai lưỡi”

Bình luận về đề xuất này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá hai năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư sẽ giúp những doanh nghiệp làm ăn chân chính được tiếp tục phát hành thay vì thắt chặt.

Ông Thịnh nhấn mạnh nếu những quy định này nhanh chóng có hiệu lực sẽ mang lại tác động tích cực cho thị trường trái phiếu, lĩnh vực bất động sản và cả nền kinh tế.

“Về đề xuất giãn thời gian thực hiện đối với quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư không chuyên hiện nay tiếp tục đầu tư, vừa giúp nhà phát hành mới có khả năng phát hành mà không bị vi phạm quy định.

Hiện có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu theo quy định mới, họ sẽ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh điều quan trọng nhất là cần có giải pháp cho phù hợp, vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Về đề xuất giải pháp hoán đổi trái phiếu sang bất động sản, ông Thịnh cho rằng đây là “con dao hai lưỡi”.

Về tích cực, theo ông Thịnh giải pháp này sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể mua được nhà ở với giá rẻ hơn thị trường, đồng thời chứng minh bên phát hành trái phiếu có tài sản để đảm bảo, giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư.

Mặt hạn chế là về lâu dài, ông Thịnh cho rằng một tiền lệ xấu sẽ có nguy cơ xảy ra, đó là một số doanh nghiệp sẽ có thể phát hành trái phiếu với tâm thế luôn bán được hàng, kể cả khi có gặp khó khăn thực sự hay không.

Kỳ Thư / Vietnam Finance