Hiểu từ A đến Z về Gian lận Báo Cáo Tài Chính (Phần 1)

...

Là chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư hay nhân sự hoạt động trong lĩnh vực tài chính, biết được các cách thức gian lận báo cáo tài chính (“BCTC”) là điều rất quan trọng và cần thiết.

Hiểu từ A đến Z về Gian lận Báo Cáo Tài Chính (Phần 1)
Nguồn ảnh: Leeloo Thefirst / Pexels.

Enron, Worldcom, Lehman Brothers, Dược Viễn Đông, Gỗ Trường Thành là những cái tên gắn liền với các vụ bê bối, gian lận tài chính. Là chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư hay nhân sự hoạt động trong lĩnh vực tài chính, biết được các cách thức gian lận báo cáo tài chính (“BCTC”) là điều rất quan trọng và cần thiết. Hãy cùng ProFin tìm hiểu tất tần tật về Gian lận BCTC trong loạt bài viết này.

Tại sao là Báo Cáo Tài Chính?

Hãy tưởng tượng, bạn hợp tác và đầu tư cho một người thân để mở một tiệm bánh mì, hay một quầy cafe mang đi (take-away). Bạn có thể quan sát, kiểm tra xem hoạt động kinh doanh của chúng như thế nào mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào cổ phần của một công ty, mọi chuyện sẽ không đơn giản như thế. Việc đi thăm nhà xưởng sản xuất, gặp gỡ đội ngũ lãnh đạo, hay tiếp cận các hồ sơ giấy tờ của doanh nghiệp là điều mà không phải cổ đông nào cũng làm được.

Trong hoàn cảnh đó, Báo Cáo Tài Chính (“BCTC”) là một trong những công cụ thông tin chủ yếu, giúp các cổ đông nắm bắt được tình hình hoạt động, hay tình trạng tài chính của doanh nghiệp trong một quý hay một năm. Vì lẽ đó, những nhà quản lý khi muốn “qua mặt” cổ đông hoặc những đối tượng bên ngoài, họ tập trung vào việc chỉnh sửa BCTC để đạt được mục tiêu của mình. Dân tài chính thường gọi hành động này bằng những thuật ngữ ngộ nghĩnh như: “cook”, “xào nấu”, hay “bùa phép” số liệu.

Báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính (Financial Statements) là hệ thống các bảng - biểu cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các dòng tiền của doanh nghiệp.

Enron, Worldcom, Lehman Brothers, Luckin Coffee, Wirecard ở thị trường tài chính quốc tế, hay Dược Viễn Đông, Gỗ Trường Thành ở Việt Nam là những cái tên gắn liền với các vụ bê bối, gian lận tài chính.

Enron hay Lehman Brothers là những cái tên quá nổi tiếng về gian lận tài chính trên thị trường quốc tế.

ACFE (Association of Certified Fraud Examiners), tổ chức chuyên nghiên cứu về gian lận được thành lập năm 1988, có trụ sở tại Texas, Hoa Kỳ, định nghĩa: gian lận BCTC là sự chủ ý, có tính toán, trình bày sai hoặc bỏ sót các sự kiện quan trọng, hoặc dữ liệu kế toán có thể dẫn đến sự hiểu lầm khi người đọc xem xét các thông tin được sử dụng và có thể là lý do để thay đổi việc xét đoán và ra quyết định.

Trong khi đó, theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240 (VSA 240), gian lận là những hành vi cố ý làm sai lệch thông tin kinh tế, tài chính do một hay nhiều người trong doanh nghiệp hoặc bên thứ ba thực hiện, làm ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính.

Nguyên nhân của việc gian lận BCTC?

Như đã đề cập ở trên, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả những quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế - tài chính phát triển, các nhà quản lý doanh nghiệp có xu hướng quản lý lợi nhuận theo ý muốn chủ quan của mình, để thực hiện một kế hoạch có chủ đích nào đó, ví dụ như: thu hút vốn đầu tư, phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vay vốn ngân hàng, hoặc chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng. Trong một số tình huống, doanh nghiệp cần vốn để đầu tư, nhưng kinh doanh tại thời điểm đó không được tốt, nên đã cố tình tô vẽ ra bức tranh màu hồng thông qua BCTC nhằm qua mắt những người thẩm định.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến nguyên nhân gián tiếp, vô tình tiếp tay cho việc gian lận BCTC, đó là trình độ, khả năng chuyên môn của đội ngũ nhân sự kế toán - tài chính hoặc hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến tình trạng “trên bảo sao, dưới làm vậy”, mà không đủ khả năng thuyết phục hoặc cảnh báo cho ban quản lý những rủi ro tiềm ẩn của việc này. Cạnh đó, hệ thống các quy định pháp luật, chuẩn mực kế toán chưa thể bao phủ hết tất cả các nghiệp vụ phát sinh, đặc biệt những loại hình doanh nghiệp, sản phẩm hoặc phương thức giao dịch mới phát triển với tốc độ rất nhanh như hiện nay.

Hạn chế về trình độ, kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ nhân sự kế toán - tài chính cũng là một nguyên nhân gián tiếp của gian lận BCTC.

Những dấu hiệu cho thấy một doanh nghiệp có thể phát sinh gian lận BCTC

Không phải cứ có những hiện tượng bên dưới là có gian lận BCTC, nhưng những doanh nghiệp gian lận BCTC thì gần như chắc chắn họ sẽ có một hoặc một số dấu hiệu sau đây:

  • Doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu phức tạp, sở hữu chéo, thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết.
  • Nhân sự thường xuyên có sự thay đổi, đặc biệt ở các vị trí như đại diện pháp luật, giám đốc điều hành, kế toán trưởng.
  • Lợi nhuận tăng / giảm đột biến trong cả lĩnh vực hoạt động thông thường, hoặc các hoạt động khác như bán tài sản, các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng uỷ thác, giao dịch với các bên liên quan.
  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm, nhưng lại được bù đắp bằng dòng tiền từ hoạt động tài chính.

Là chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư hay nhân sự hoạt động trong lĩnh vực tài chính, việc hiểu được các cách thức gian lận BCTC là rất quan trọng và cần thiết. Bởi lẽ những kiến thức này giúp bạn nhận diện được các rủi ro đến từ những số liệu đã được xào nấu, từ đó giảm thiểu các quyết định sai lầm trong quản trị doanh nghiệp hoặc đầu tư.

Gian lận BCTC được thực hiện thông qua nhiều cách thức khác nhau như: che dấu công nợ và chi phí; ghi nhận khống doanh thu; định giá tài sản sai lệch; không công bố thông tin một cách toàn vẹn… ProFin sẽ đi sâu vào phân tích chi tiết các thủ thuật này trong những bài viết kế tiếp.