Kế toán quản trị tại startup: Vũ khí giúp doanh nghiệp sinh tồn và lớn mạnh

...

Hiện nay, công tác kế toán quản trị đang bị đánh giá thấp tại các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực chất, kế toán quản trị đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hoạch định chiến lược để tăng trưởng và phát triển bền vững của startup.

Kế toán quản trị tại startup: Vũ khí giúp doanh nghiệp sinh tồn và lớn mạnh
Nguồn ảnh: xFrame.io

Thực trạng áp dụng kế toán quản trị tại các startup hiện nay

Dựa trên thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó chỉ có 11 startup được định giá trên 100 triệu USD, còn lại đều có quy mô nhỏ và vừa. Trong những năm qua, với sự xuất hiện của các startup nói riêng, cũng như nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nói chung, đã và đang đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia.

Tuy nhiên, dù có vai trò lớn là vậy, các startup lại gặp nhiều khó khăn để tồn tại, phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh. Theo số liệu công bố từ Failory, trong số 90% doanh nghiệp khởi nghiệp quốc tế thất bại, nguyên nhân chủ yếu là do vỡ nợ, định giá không hợp lý và hoạch định tài chính không hiệu quả. Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, chỉ có 3% startup có thể đạt được thành công và 5% vượt qua cột mốc hai năm hoạt động.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thu Hiền (Khoa Kế toán Doanh nghiệp, Học viện Tài chính), đối với các startup, kế toán quản trị có vai trò cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính nhằm giúp nhà quản trị đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Dẫu vậy, hầu hết startup đều bắt đầu bằng nguồn vốn hạn chế nên việc xây dựng hệ thống kế toán quản trị không được ưu tiên. Đa số doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ lựa chọn thuê dịch vụ kế toán bên ngoài, hoặc thuê một kế toán tài chính để thực hiện các báo cáo tài chính bắt buộc theo quy định, chứ chưa chú trọng đến mục tiêu quản trị nội bộ.

Nhiều chủ startup chưa hiểu rõ tầm quan trọng của kế toán quản trị. Nguồn ảnh: xFrame.io

Mặt khác, vào thời điểm mới đi vào hoạt động, các nhà sáng lập dồn lực vào công đoạn phát triển, quảng bá sản phẩm nên không còn nhiều thời gian, chi phí và nhân lực để xây dựng hệ thống kế toán quản trị. Bên cạnh đó, không ít chủ startup dù có chuyên môn cao về lĩnh vực đang kinh doanh, song lại không có năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp nên quyết định bỏ qua luôn công đoạn này.

Tất cả những điều trên sẽ dẫn đến tình trạng nhà quản trị không nắm được các thông tin tài chính nội bộ cần thiết để đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn và nhanh chóng. Nghiêm trọng hơn, một lỗ hổng lớn trong công tác quản trị tài chính có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, có khả năng khiến startup rơi vào nợ nần, thậm chí ngừng hoạt động và phá sản.

Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp khởi nghiệp

Như vậy, kế toán quản trị là vị trí không thể thiếu đối với bất cứ doanh nghiệp nào, không chỉ riêng startup. Nhà quản trị cần có sự quan tâm đúng mực đối với công tác kế toán quản trị, nhằm mục đích phát huy tối đa sức mạnh của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà sáng lập và các bên liên quan.

Vậy kế toán quản trị là gì? Nói một cách đơn giản, kế toán quản trị sẽ có nhiệm vụ cung cấp các thông tin tài chính nội bộ, nhằm giúp nhà lãnh đạo doanh nghiệp vạch ra chiến lược và ra quyết định để đạt được mục tiêu kinh doanh, đồng thời kiểm soát và đưa ra biện pháp cho những rủi ro có thể gặp phải.

Báo cáo kế toán quản trị cần đảm bảo được tính đặc thù chuyên môn của startup, tính chi tiết cao, cụ thể và chính xác. Hai phòng ban liên quan là kế toán tài chính, hoạch định và phân tích tài chính (FP&A) sẽ dựa vào kế toán quản trị để kết nối chức năng tài chính với các phòng ban khác như: bán hàng (sales), tiếp thị (marketing), phát triển sản phẩm và nhân sự.

Kế toán quản trị
Kế toán quản trị là một nhánh của kế toán liên quan đến việc xác định, đo lường, phân tích và giải thích các thông tin kế toán nhằm giúp các nhà quản lý lập kế hoạch và đưa ra các quyết định kinh doanh.

Đặt trong bối cảnh đặc thù như tại doanh nghiệp khởi nghiệp, bên cạnh việc quản lý các loại chi phí và ngân sách hoạt động, kế toán quản trị sẽ phải lưu ý thêm ba chỉ số quan trọng, bao gồm: hiệu suất, tăng trưởng và hành vi của khách hàng. Tuỳ loại hình và quy mô, mỗi startup sẽ có những chỉ số đo lường hiệu suất (KPI) khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, kế toán quản trị tại startup cần phải thu thập, phân tích các thông tin như sau:

  • Hiệu quả, năng suất làm việc của nhân viên;
  • Sự tương tác và sự phát triển đối với người dùng;
  • Tối ưu mối quan hệ với khách hàng và đối tác;
  • Tận dụng các dữ liệu lớn (big data).
  • Ngoài ra, kế toán quản trị cũng là một trong những yếu tố quan trọng để khen thưởng, tuyên dương những nhân viên xuất sắc trong tổ chức.

Hơn thế nữa, kế toán quản trị không chỉ xoay quanh số liệu, mà còn có vai trò quan trọng giúp nhà sáng lập đưa ra quyết định ở các khía cạnh sau:

#1: Khía cạnh quản lý chi phí

Các công ty khởi nghiệp đều có một chiến lược cốt lõi để thu hút khách hàng mục tiêu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, dựa trên giá trị đề xuất cho khách hàng (customer value proposition). Nói cách khác, kế toán quản trị có vai trò quản lý, tối ưu chi phí để phù hợp với chiến lược của startup.

Ví dụ, một doanh nghiệp khởi nghiệp nhắm đến đối tượng khách hàng ở phân khúc cao cấp sẽ không cắt giảm giá thành sản phẩm để tiết kiệm chi phí. Nguyên nhân là bởi điều đó đi ngược lại với giá trị đề xuất cho khách hàng của họ, vốn yêu thích thương hiệu bởi chất lượng hàng đầu. Ngược lại, nếu đối tượng mục tiêu của startup là nhóm khách hàng đại chúng, họ sẽ không quyết định xây dựng các cửa hàng cao cấp để tăng thêm lợi nhuận. Trong cả hai trường hợp này, việc giảm giá hoặc tăng giá để cải thiện doanh thu sẽ không có hiệu quả, thậm chí có thể mất đi lượng lớn khách hàng trung thành, vốn là đối tượng mang lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp.

#2: Khía cạnh quản trị rủi ro

Bất kỳ chiến lược và kế hoạch cũng đều có rủi ro, đặc biệt là với startup mới đi vào hoạt động chưa lâu. Một số rủi ro có thể thường gặp trong kinh doanh như: số liệu dự toán ngân sách không chính xác; chất lượng sản phẩm có vấn đề dẫn đến việc khách hàng khiếu nại, kiện tụng; xảy ra tranh chấp với nhà cung cấp bên thứ ba; tài sản trí tuệ bị đánh cắp,...

Kế toán quản trị sẽ có nhiệm vụ đưa ra các biện pháp kiểm soát, nhằm giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp khởi nghiệp không đạt được mục tiêu đề ra. Các biện pháp này sẽ không loại bỏ hoàn toàn những rủi ro, nhưng startup có thể chủ động hơn và giảm rủi ro khi những sự kiện không may diễn ra.

Ví dụ, một startup có tuổi đời 3 năm đang trong giai đoạn khủng hoảng có ý định sa thải nhân sự hàng loạt để tiết kiệm chi phí. Lúc này, bộ phận kế toán quản trị phải cân nhắc đến những rủi ro liên quan trực tiếp và gián tiếp về mặt tài chính như sau: Liệu việc cắt giảm nhân sự có khiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bị suy giảm không? Quy trình cung cấp, vận chuyển sản phẩm, dịch vụ có bị ảnh hưởng gì hay không? Liệu đợt sa thải hàng loạt có làm nhóm nhân viên ở lại mất động lực, hiệu suất làm việc trở nên kém hơn? Liệu điều đó có tác động tiêu cực đến hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt cộng đồng và khách hàng?

Kế toán quản trị sẽ có nhiệm vụ đưa ra đề xuất, giải pháp đáp ứng khía cạnh chiến lược, quản trị rủi ro, quản lý quy trình và trách nhiệm xã hội (CSR). Nguồn ảnh: xFrame.io

#3: Khía cạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)

Ngoài các cổ đông, startup cần có trách nhiệm xã hội với các bên liên quan khác gắn liền với lợi ích và hiệu suất doanh nghiệp như: khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường và nhân quyền,... Bất kỳ giải pháp, dự toán nào mà kế toán quản trị đưa ra phải đáp ứng nhu cầu của tất cả nhóm đối tượng trên, nhằm hạn chế các ảnh hưởng xấu đến hoạt động tài chính của công ty.

Giả sử, để tối ưu chi phí, nhà máy sản xuất của một công ty kinh doanh mỹ phẩm đã không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Hành động đó đã góp phần gây ra ô nhiễm nguồn nước, đồng thời tạo môi trường làm việc không đảm bảo an toàn cho nhân viên sẽ gây nên phản ứng tiêu cực, từ đó đánh mất uy tín trên thị trường tuyển dụng và khiến khách hàng rời bỏ.

#4: Khía cạnh quản lý quy trình

Hầu hết các tổ chức đều được phân chia thành các bộ phận tùy theo nhiệm vụ như Marketing, Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Dịch vụ khách hàng, Phân phối, Mua sắm, Kế toán, Nhân sự,... Thông thường, để quy trình làm việc diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, doanh nghiệp cần có một chuỗi giá trị (value chain). Đây là quy trình nghiệp vụ bao gồm một loạt các bước liên tiếp nhau để thực hiện một số nhiệm vụ trong doanh nghiệp. Như vậy, người làm kế toán quản trị cần có khả năng đưa ra giải pháp, dự toán dựa trên hiệu quả của cả quy trình, chứ không chỉ riêng từng phòng ban.

Kết

Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc cũng như các chủ startup hiểu được tầm quan trọng của kế toán quản trị đối với sự thành công và phát triển bền vững của startup. Vấn đề lớn nhất tại các doanh nghiệp khởi nghiệp là không phải nhà sáng lập nào cũng có năng lực quản trị tài chính - kế toán. Điều đó dẫn đến hệ thống kế toán quản trị không được triển khai một cách hiệu quả.

Vậy nên, trước khi bắt tay vào thành lập doanh nghiệp, nhà sáng lập nên dành thời gian tìm hiểu cách xây dựng hệ thống kế toán quản trị. Một giải pháp khác đơn giản hơn đó là tuyển dụng một hoặc hai nhân sự có chuyên môn cao về kế toán quản trị. Sau một thời gian đi vào hoạt động ổn định (thông thường sẽ mất ít nhất 2-3 năm), nhà quản trị có thể cân nhắc xây dựng bài bản hệ thống kế toán quản trị cho công ty.