Làm thế nào để các buổi mời đầu tư cho Startup được trọn vẹn?

...

Các cuộc thi về Startup Việt với những giải thưởng lớn đang diễn ra trong và ngoài nước, hoạt động kết nối đầu tư (pitching) cũng được nhiều tổ chức uy tín triển khai.

Làm thế nào để các buổi mời đầu tư cho Startup được trọn vẹn?
Photo by Austin Distel / Unsplash

Chương trình truyền hình nổi tiếng Shark Tank đã có mặt tại Việt Nam mang đến những cầu nối về vốn cho startup. Các chương trình như vậy đã và đang tạo được tiếng vang vì giá trị khoản vốn mà các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư cho các startup tiềm năng.

Về chủ đề này, luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi. Ông nói:

"Hoạt động trao đổi thông tin, giới thiệu như vậy giữa các bên là bước đầu để thiết lập giao dịch. Về pháp lý, các thông tin khi đó cần được cung cấp cụ thể, rõ ràng và quan trọng nhất là có tính trung thực. Phải trung thực tại vì thời điểm này nhà đầu tư không thể đánh giá Startup qua các bản báo cáo kinh doanh hay có cơ hội thẩm định năng lực thực tế.

Khi thông tin của startup cung cấp hấp dẫn với nhà đầu tư, nhà đầu tư thường sẽ chỉ dựa vào đó để đàm phán. Thường thì khi thỏa thuận miệng như vậy, các bên mới dừng lại ở việc đưa ra đề nghị về tỷ lệ sở hữu và giá trị giao dịch. Tức là họ mới dừng lại tại thỏa thuận tài chính cơ bản. Đó chỉ là một phần của giao dịch đầu tư vốn hay hợp tác kinh doanh bên cạnh rất nhiều công việc khác cần thực hiện trước khi giao dịch thành công".

- Trong các cuộc thi hay trao đổi đầu tư qua truyền hình, nhà đầu tư và các Startup sẽ phải thương thuyết những gì tại sân khấu hay sau đó để có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng, thưa luật sư? Có khả năng nào nhà đầu tư sẽ thay đổi quyết định sau đó mà không chịu trách nhiệm pháp lý gì hay không?

LS Nguyễn Văn Lộc: Nếu làm chặt chẽ thì đơn vị tổ chức có thể chuẩn bị các bản thảo hợp đồng định sẵn và các bên có thể tham khảo trước, điều khoản tài chính được chốt tại thời điểm đó, hai bên làm thủ tục ký vào là giao dịch được khởi động. Thậm chí nhà đầu tư ký lệnh chi (sec) để tạm ứng như khoản đặt cọc – một cách thể hiện cam kết đầu tư của mình. Tất nhiên trong khuôn khổ chương trình truyền hình hay cuộc thi thì không phải khi nào cũng làm được như vậy.

Sau khi các bên đồng ý miệng như vậy, họ trải qua quá trình thương thảo hợp đồng với nhiều điều khoản quan trọng. Đó là chưa kể tùy theo quy trình đầu tư của mỗi nhà đầu tư, họ sẽ thực hiện việc thẩm định startup (chuyên ngành gọi là thẩm định tiền khả thi – due diligence).

Sau khi đàm phán thành công, các bên thống nhất bằng văn bản nội dung đàm phán để hoàn tất ký kết. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu (một phần hay toàn bộ) trong doanh nghiệp cần lập thành văn bản dưới dạng hợp đồng hoặc các cam kết. Thậm chí bên tiếp nhận vốn có thể phải thực hiện việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì mới xem là hoàn tất thành công tính pháp lý cho giao dịch.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group.

Chuyện nhà đầu tư thay đổi quyết định sau đó mà không chịu trách nhiệm pháp lý gì là hoàn toàn có thể xảy ra. Thỏa thuận miệng không có tính ràng buộc chặt chẽ trong trường hợp này, đó là chưa kể các bên không tìm thấy các điểm chung để đạt được thỏa thuận sau đó. Chỉ cần một bên không đồng ý với một hoặc toàn bộ nội dung đàm phán sau chương trình là giao dịch có thể phải dừng lại.

Lấy ví dụ, tại buổi thuyết trình gọi vốn nếu nhà đầu tư đồng ý sẽ đầu tư với các nguyên tắc đã được thống nhất (có thể tại Biên bản ghi nhớ - MOU hay Thư bày tỏ ý định đầu tư - Letter of Intent) nhưng các điều khoản cụ thể đưa vào hợp đồng đầu tư quá bất lợi nên startup không đồng ý tiếp nhận khoản tiền đầu tư đó chẳng hạn.

- Sau khi được đề nghị đầu tư, trong quá trình thương thảo, thì theo ông ở phía startup nên chú trọng đến những điểm quan trọng nào để có thể có được kết quả đàm phán tốt nhất với nhà đầu tư?

Pháp lý chỉ là một phần trong quá trình đàm phán đi đến giao dịch đầu tư thành công, phải gắn với các chỉ số kinh doanh và tài chính. Vì lẽ đó, các điểm đàm phán mà các bên vạch ra để đi đến một bản hợp đồng hợp lý và hợp pháp cần có sự thống nhất cao.

Ở các giao dịch đầu tư vào SME và startup, các điểm quan trọng các bên cần đàm phán như: cam kết của startup về năng lực phát triển; thỏa thuận của các cổ đông sáng lập; quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng của các bên sau khi nhận vốn; việc định giá công ty; việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (trong trường hợp có nhà đầu tư hoặc giá trị startup thay đổi); thoái vốn đầu tư ra sao hay phương án giải quyết vướng mắc, xung đột thế nào.

Có thể tại thời điểm đầu tư các bên không lường trước hết tất cả các tình huống nên chưa thỏa thuận chặt chẽ, nên chăng giải quyết bằng cách tạo cơ chế đàm phán điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng đầu tư.

Tôi đặc biệt lưu ý chỗ các startup thường quá chú trọng vào tỷ lệ sở hữu mà không để ý đến các điều khoản đảm bảo tỷ lệ đó không bị pha loãng trong suốt quá trình đầu tư. Giả sử tỷ lệ nhà đầu tư nắm giữ là 20% nhưng được quyền áp đặt mức tăng trưởng cho startup.

Nếu không đạt mức này thì nhà đầu tư được quyền định giá công ty và được "mặc nhiên" nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên căn cứ trên số tiền đầu tư thực tế để kiểm soát công ty.

Hay trường hợp khác, có nhà đầu tư nắm giữ tỷ lệ sở hữu trên 50% phần vốn, nhưng họ thỏa thuận sẽ không can thiệp vào quyền điều hành và quản lý. Điều này cần thỏa thuận rất rõ ràng và chi tiết trong các hợp đồng - mà thông thường các luật sư của nhà đầu tư tư vấn rất kỹ cho họ.

- Để các thương vụ đầu tư vào startup thành công, nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước, theo ông thì các cơ quan chức năng cần làm những gì sắp tới?

Cơ quan chức năng cần triển khai việc thực thi toàn diện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 để kiến tạo môi trường chính sách cho startup nói riêng và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung. Quy định chi tiết về hướng dẫn thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup cũng cần được đẩy nhanh hơn. Từ đó có thể thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường M&A cho khối doanh nghiệp SME và Startup.

Nếu làm được điều này, sẽ có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế vào Việt Nam hay gia tăng chuyển dịch dòng vốn từ các lĩnh vực khác đầu tư vào SME và Startup.

Mở rộng góc nhìn về chính sách cho Startup, Chính phủ cần nhanh chóng tạo cơ chế thông thoáng về điều kiện kinh doanh và giấy phép, nhất là giải quyết khâu thủ tục hành chính rườm rà như hiện nay.

Tôi cho rằng Chính phủ cần có cơ chế và quy định thông thoáng hơn về việc cho phép Startup thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới, hạn chế các loại giấy phép hoặc điều kiện kinh doanh (trừ khi Startup đó hoạt động trái luật) để phát triển các mô hình mới hiện nay.

Theo Anh Hùng / Vietnam Finance