Nhà đầu tư kỳ vọng điều gì khi “xuống tiền” đầu tư cho một Công ty?

...

Việc hiểu được những kỳ vọng lợi ích của nhà đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp hoặc startup có chiến lược phù hợp để tăng tỷ lệ gọi vốn thành công. Vậy những kỳ vọng đó là gì?

Nhà đầu tư kỳ vọng điều gì khi “xuống tiền” đầu tư cho một Công ty?
Nguồn ảnh: Maranda Vandergriff / Unsplash

Warren Buffet từng nói: “Nếu hôm nay ai đó đang ngồi trong bóng mát, có nghĩa là họ đã trồng cây từ rất lâu rồi”. Câu nói này ám chỉ những lợi ích lâu dài đến từ đầu tư. Ở chiều ngược lại, việc hiểu được những kỳ vọng lợi ích của nhà đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp hoặc startup có chiến lược phù hợp để tăng tỷ lệ gọi vốn thành công. Vậy những kỳ vọng đó là gì?

Lợi tức hay dòng thu nhập định kỳ

“Thu nhập thụ động” là mục tiêu quan trọng hàng đầu với các nhà đầu tư lão luyện. Về dài hạn, họ chú trọng đến khoản lợi tức hay dòng tiền thu về định kỳ, mà không cần phải bỏ ra quá nhiều thời gian và công sức quản lý khoản đầu tư đó. Số tiền này giúp họ xoay vòng vốn, tái đầu tư để tiếp tục sinh lời hoặc sử dụng cho những mục đích khác. Ví dụ đơn giản nhất chính là khoản tiền lãi định kỳ khi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng.

Chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu về lợi nhuận của nhà đầu tư.

Khi đầu tư vào một doanh nghiệp, dòng thu nhập định kỳ này được gọi là cổ tức bằng tiền mặt (“cash dividend”), nghĩa là phần lợi nhuận sau thuế được doanh nghiệp chia cho các cổ đông. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong các phương pháp định giá cổ phần.

Ngoài ra, việc duy trì chính sách cổ tức ổn định cũng chứng tỏ doanh nghiệp đang có một trạng thái tài chính khỏe mạnh. Tuy vậy, các quy định pháp luật thường đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt cho việc này. Cụ thể là, trước khi chi trả cổ tức, doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ ngân sách để chi trả các nghĩa vụ với nhà nước, ngân hàng, bên cho vay, và không được có nợ xấu. Do đó, doanh nghiệp cần hết sức cân nhắc khi đưa ra các quyết định như thời gian hay giá trị cổ tức sẽ chia. Đặc biệt, chi trả cổ tức đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ mất đi một lượng tiền mặt. Chủ doanh nghiệp cần đảm bảo rằng vẫn có đủ nguồn vốn lưu động phục vụ cho việc sản xuất - kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Những công ty duy trì chính sách cổ tức cao và đều đặn luôn được nhà đầu tư đánh giá cao. Nguồn: CafeF.

Nhìn chung, trả cổ tức bằng tiền là phương pháp phân phối lợi nhuận mà hầu hết cổ đông đều ưa chuộng. Do đó, các doanh nghiệp hoặc startup cần làm rõ chính sách này để gia tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần lưu ý đưa ra con số phù hợp kèm theo một kế hoạch kinh doanh khả thi. Nếu không, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ đánh giá doanh nghiệp đang bày ra cho họ một chiếc “bánh vẽ”.

Tài sản gia tăng qua thời gian

Không giống như gửi tiết kiệm hay mua trái phiếu, đầu tư vào một công ty không chỉ giúp tạo ra nguồn thu định kỳ, đó còn là một loại tài sản. Và việc làm cho giá trị tài sản của cổ đông gia tăng qua thời gian (“capital gain”), là mục tiêu quan trọng nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào. Vào một thời điểm thích hợp, nhà đầu tư kỳ vọng có thể bán lại cổ phần với mức giá cao hơn thời điểm mua vào. Điều này lý giải vì sao một số công ty không bao giờ chia cổ tức, nhưng lại được nhà đầu tư liên tục săn đón và tăng giá qua thời gian. Tuy nhiên, việc gia tăng tài sản phần lớn chỉ có thể nhận thấy được qua một khoảng thời gian nhất định. Do vậy, kỳ vọng này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư trung - dài hạn.

Biểu đồ giá cổ phần của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ lúc niêm yết đến nay. Nguồn: CafeF.

Những câu chuyện về sự tăng giá cổ phiếu trên thế giới không phải là hiếm. Cổ phiếu của Amazon tại thời điểm ngày 30 tháng 1 năm 2016 có giá là 350 USD. Nhưng chỉ sau đó đúng 2 năm, mức giá đã lên tới 833 USD mỗi cổ phiếu. Nghĩa là, mức lợi nhuận nhà đầu tư nhận được lên đến hơn 130% khi đầu tư vào cổ phần công ty này.

Ngoài Amazon, nhiều công ty khác cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Facebook là một trong những ví dụ điển hình trong việc giữ được giá trị cổ phiếu trước nhiều biến cố xảy ra thời gian qua.

Để làm được điều này, chủ doanh nghiệp cần có những kế hoạch kinh doanh cụ thể và thực thi chúng một cách hiệu quả, nhằm duy trì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và tài sản của doanh nghiệp.