Nhà sáng lập cần làm gì trong “mùa đông internet”?

...

Những rắc rối từ ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) đang làm “mùa đông” các công ty Internet ngày càng dài thêm.

Theo ông David Do, Tổng giám đốc VIG, SVB là nguồn vốn cho rất nhiều Venture Debt (quỹ tài trợ nợ cho các công ty khởi nghiệp) ở Đông Nam Á. Sự sụp đổ của SVB sẽ cắt nguồn vốn vào các Venture Debt và việc gọi vốn từ hình thức này ở Đông Nam Á chắc chắn sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới.

Ông Tiến Nguyễn, đồng sáng lập Earth Venture Capital nhận định, nếu trước kia mất trung bình 18 tháng cho một vòng gọi vốn tiếp theo, giờ đây có thể phải mất đến 24 tháng.

Trong bối cảnh đó, các Nhà sáng lập công ty công nghệ ở Việt Nam phải tìm cách tồn tại trong bối cảnh chưa biết điểm phục hồi của thị trường. Dưới đây là 6 điều các quỹ đầu tư chia sẻ với các Nhà sáng lập để tồn tại trong bối cảnh hiện nay.

Hoạch định lại dòng tiền

Dòng tiền bền vững nhất hiện nay là dòng tiền đến từ khách hàng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm - dịch vụ của doanh nghiệp. Chính vì thế, cần phải có kế hoạch hoạch định chi tiết tập khách hàng hiện nay để biết được vì sao họ vẫn lựa chọn mình từ đó cải tiến sản phẩm dịch vụ.

Song song đó là tìm cách gia tăng thêm doanh thu bằng việc đưa ra các chính sách thu hút khách hàng chi trả cho các gói dài hạn và cắt giảm dần các tính năng miễn phí.

Tìm kiếm các giải pháp công nghệ giảm chi phí

Khả năng các quỹ đầu tư trông chờ nhất ở các Nhà sáng lập trong bối cảnh hiện nay là có thể tìm kiếm các nền tảng công nghệ với chi phí thấp hơn để xử lý các công việc hàng tháng/hàng quý.

Tuyển dụng có kỷ luật

Thời kỳ tiền dễ dãi từ các nhà đầu tư khiến doanh nghiệp công nghệ mở rộng liên tục để tăng quy mô, dẫn đến việc tuyển dụng cực kỳ dễ dãi. Khi khủng hoảng xảy ra, việc đầu tiên cần làm là chấn chỉnh lại việc tuyển dụng, kiểm tra đầu vào thật kỹ, vì quản lý con người là một trong những nghiệp vụ phức tạp nhất đối với các nhà sáng lập công ty công nghệ.

Các diễn giả chia sẻ 6 điều nhà sáng lập cần làm để tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Nguồn ảnh: Endeavor Việt Nam.

Cẩn thận với việc chia sẻ cổ phần

Để giữ chân đội ngũ sáng lập hoặc nhân sự nòng cốt của công ty, chia sẻ cổ phần là cách nhiều nhà sáng lập lựa chọn để có thể giữ được nhân tài với mức lương vừa phải trong bối cảnh khó khăn.

Tuy nhiên điều này sẽ gây bất lợi về sau vì nếu chi quá mạnh tay, cổ phần còn lại của người sáng lập sẽ không còn nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến động lực chiến đấu của người sáng lập vì suy cho cùng điều họ quan tâm nhất vẫn là giá trị nhận lại. Và không có gì nguy hiểm hơn khi một người sáng lập mất đi động lực làm việc.

Công ty tồn tại quan trọng hơn định giá

Định giá công ty thời điểm hiện nay chắc chắn thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ kinh tế phát triển. Vậy nhà sáng lập có nên gọi vốn với định giá bị giảm đi ?

Theo chia sẻ từ ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch STI, thời điểm khởi nghiệp 24h, công ty gặp khó khăn và đã huy động vốn thông qua kênh trái phiếu với định giá bị suy giảm. Quan trọng hơn công ty sau khi gọi vốn đã không sử dụng đến dòng tiền nay.

Cho đến nay, ông Tâm cho rằng đó là quyết định đúng đắn. Vì trong khó khăn, nếu chủ doanh nghiệp có dòng vốn dự phòng sẽ không bị vướng vào câu chuyện hụt dòng tiền hàng tháng, từ đó có thể tập trung tốt hơn vào việc kinh doanh.

Định hướng có thể thay đổi

Các quỹ đầu tư thời gian qua liên tục bơm vốn cho các công ty công nghệ để tài trợ, khuyến mãi thu hút người sử dụng. Khi dòng tín dụng bị siết lại, nhiều quỹ đã yêu cầu các công ty công nghệ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ phục vụ người sử dụng sang phục vụ doanh nghiệp.

Vì bán hàng cho doanh nghiệp thì trợ giá ít hơn, dòng tiền ổn định hơn và tính trung thành cũng cao hơn. Tuy nhiên việc chuyển đổi từ mô hình phục vụ khách hàng sang doanh nghiệp không dễ dàng đối với nhiều công ty công nghệ.

Mặc dù vậy, khi dòng vốn ổn định hơn, rất có thể các quỹ đầu tư sẽ tác động đến việc định hướng kinh doanh một lần nữa. Các Nhà sáng lập nên chuẩn bị tinh thần cho các sự thay đổi trong tương lai.

Nội dung bài viết được ghi nhận tại buổi tọa đàm trực tuyến “Hiệu quả hay tăng trưởng” do Endeavor Việt Nam tổ chức.
Theo: Đặng Công Sang / ProFin.vn