NHNN TP.HCM nêu lý do doanh nghiệp khó tiếp cận các gói vay ưu đãi

...

Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng việc các doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất có nguyên nhân từ cả cơ chế chính sách, lẫn từ phía doanh nghiệp.

NHNN TP.HCM nêu lý do doanh nghiệp khó tiếp cận các gói vay ưu đãi

Chia sẻ bên lề Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp diễn ra tại TP.HCM ngày 28/2, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, đã có cuộc trao đổi xoay quanh các phản ánh của doanh nghiệp về việc khó tiếp cận các chương trình lãi vay ưu đãi lãi suất.

Doanh nghiệp chưa minh bạch tài chính

Liên quan đến gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh để được áp dụng gói này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại, tức được ngân hàng duyệt khoản vay.

"Điều này có nghĩa gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như cho vay bình thường, nhưng nếu doanh nghiệp thuộc 11 nhóm ngành theo quy định tại Nghị định 31 và Thông tư 03/2022 của NHNN thì sẽ được ưu đãi lãi suất", ông làm rõ.

vay uu dai anh 1
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM trao đổi với báo chí ngày 28/12. Ảnh: Lan Anh.

Cụ thể, 11 nhóm ngành này gồm hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế kể trên, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản; doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Với tổng quy mô cả gói là 40.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2023, ông Lệnh cho hay các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đã giải ngân khoảng 15.000 tỷ đồng.

"Tốc độ giải ngân gói này đã và đang tăng trưởng, tuy nhiên đánh giá chung vẫn chậm, chủ yếu do gói này thực hiện cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách nên đòi hỏi sự công khai, minh bạch", ông nhìn nhận.

Phân tích cụ thể hơn, ông Lệnh cho biết quy trình thực hiện gói vay là các ngân hàng tiến hành tập huấn, triển khai nội bộ, sau đó trên cơ sở phân loại khách hàng theo các nhóm ngành được hỗ trợ để thông tin đến khách hàng, đồng thời hướng dẫn, tư vấn trong quá trình làm hồ sơ tín dụng. Vì thông tư được ban hành từ năm 2022 nên đến nay, tất cả ngân hàng thương mại đều ở trạng thái sẵn sàng.

Dù vậy, có trường hợp ngân hàng mời doanh nghiệp đến làm việc để cho vay ưu đãi nhưng chính doanh nghiệp thận trọng, gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình thẩm định.

Mặt khác, theo quy trình, ngân hàng sau khi giải ngân cho doanh nghiệp thì lấy lãi suất 2% từ phía NHNN, nên quá trình triển khai cần phải minh bạch, có giám sát, hậu kiểm. Ông Lệnh thừa nhận điều này có tác động nhất định đến việc thực thi.

Liên quan đến chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền VNĐ với mức trần lãi suất 5,5%/năm, vị lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho biết dư nợ cho vay trên địa bàn hiện lên đến 200.000 tỷ. Đồng thời, do đây là các khoản vay ngắn hạn với chu kỳ quay vòng vốn 2-3 lần/năm, doanh số cho vay thực tế có thể gấp 2-3 lần, tức khoảng 600.000 tỷ đồng.

Với những con số giải ngân như trên, ông khẳng định có nhiều doanh nghiệp đã được vay vốn theo chương trình ưu đãi. Tuy nhiên, hỗ trợ phải có điều kiện.

Cụ thể, chương trình này chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa; nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ; xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao) có kết quả kinh doanh dương 3 năm liền kề. Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp không minh bạch tài chính nên khó tiếp cận dòng vốn hỗ trợ này.

Lập đường dây nóng nhận phản ánh từ doanh nghiệp

Trên cơ sở nhận diện những nguyên nhân này, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết vấn đề nào thuộc về cơ chế, chính sách thì sẽ ghi nhận và kiến nghị lên Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân những chương trình ưu đãi.

Nếu nguyên nhân do cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu, gây khó, kéo dài thời gian, gây phiền hà, chúng tôi sẽ nghiêm khắc xử lý. Còn nếu nguyên nhân từ phía doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chia sẻ

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM

"Nếu nguyên nhân do cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu, gây khó, kéo dài thời gian, gây phiền hà, chúng tôi sẽ nghiêm khắc xử lý. Còn nếu nguyên nhân từ phía doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chia sẻ, không đủ điều kiện vay vốn thì rất khó để ngân hàng cho vay", ông Lệnh nói thêm.

Dù vậy, ông nhấn mạnh nếu doanh nghiệp nào nhận thấy đủ điều kiện nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói vay này hoặc các khoản tín dụng nói chung, có thể phản ánh cụ thể với NHNN Chi nhánh TP.HCM thông qua đường dây nóng 3.8211.230 hoặc email [email protected]. NHNN Chi nhánh TP.HCM sẽ trực tiếp làm việc cùng ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ.

Tính từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn TP với doanh số đạt 469.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị sáng 28/2, 16 ngân hàng thương mại cũng đã ký kết với 64 doanh nghiệp, tổng gói tín dụng vào khoảng 11.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung, dài hạn 10%/năm.

Lũy kế sau 10 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, đã có 157.000 khách hàng tham gia với số dư nợ gần 3 triệu tỷ đồng.

Lan Anh / Zing News