Pha loãng cổ phiếu và những ảnh hưởng của việc pha loãng đối với doanh nghiệp

...

“Pha loãng cổ phiếu” là thuật ngữ khá quen thuộc trên thị trường chứng khoán. Thuật ngữ này được đề cập đến khi các doanh nghiệp chuẩn bị phát hành thêm cổ phiếu mới.

Pha loãng cổ phiếu và những ảnh hưởng của việc pha loãng đối với doanh nghiệp

Hiểu về pha loãng cổ phiếu

Pha loãng cổ phiếu là việc tỷ lệ sở hữu của cổ đông bị giảm xuống do doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu mới cho một đối tượng nhất định. Tuy nhiên, không phải đợt phát hành cổ phiếu mới nào cũng làm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông. Chẳng hạn như khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông hay chia tách cổ phiếu, mỗi cổ đông sẽ được nhận lượng cổ phiếu tương ứng theo tỷ lệ sở hữu hiện tại. Khi đó, phương án phát hành này tuy làm giảm tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS), nhưng lại không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của mỗi cổ đông.

Hệ quả của việc cổ phiếu bị pha loãng không chỉ làm giảm tỷ lệ sở hữu hiện tại của cổ đông mà còn ảnh hưởng đến các lợi ích trực tiếp của cổ đông, như quyền biểu quyết, cổ tức được nhận, hay thậm chí quyền được thanh toán giá trị còn lại của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.

Các trường hợp pha loãng cổ phiếu

Chào bán cổ phiếu

Chào bán cổ phiếu - hay phát hành cổ phiếu - là việc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu bán chúng. Có ba hình thức chào bán cổ phiếu đó là chào bán riêng lẻ, chào bán ra công chúng và chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Chào bán riêng lẻ là việc doanh nghiệp tiến hành chào bán cổ phiếu cho một số ít nhà đầu tư (dưới 100 nhà đầu tư). Danh sách các nhà đầu tư được xác định từ trước, thông thường sẽ là các cổ đông chiến lược, cổ đông hiện hữu, hay các đối tác của công ty.

Khác với chào bán riêng lẻ, số lượng nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu theo phương thức chào bán ra công chúng thường nhiều và không xác định. Phương thức chào bán này có lợi thế cho doanh nghiệp có nhu cầu huy động lượng vốn lớn. Tuy nhiên, rủi ro pha loãng từ phương thức chào bán này cũng cao hơn.

Chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là trường hợp doanh nghiệp phát hành thêm và bán toàn bộ số cổ phiếu đó cho tất cả cổ đông. Mỗi cổ đông sẽ được mua lượng cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ sở hữu hiện tại của mình.

Ví dụ doanh nghiệp phát hành 1.000 cổ phiếu cho tất cả cổ đông hiện hữu. Cổ đông A có tỷ lệ sở hữu đối với doanh nghiệp là 15%. Do đó, A sẽ có quyền mua số lượng cổ phiếu tương ứng với 15% x 1.000 cổ phiếu = 150 cổ phiếu.

Với phương thức này, nếu tất cả cổ đông đều thực hiện quyền mua của mình, thì tỷ lệ sở hữu của mỗi cổ đông sau đợt phát hành không thay đổi, nên cũng không làm pha loãng cổ phiếu. Tuy nhiên, trong trường hợp cổ đông không muốn thực hiện quyền mua, dẫn đến tỷ lệ sở hữu giảm, như vậy đã chịu sự pha loãng cổ phiếu.

Phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP)

ESOP là một dạng quyền mua cổ phiếu được phát hành cho nhân viên công ty, mục đích chính để khích lệ và giữ chân nhân viên giỏi. Người mua cổ phiếu ESOP là ban lãnh đạo công ty, hoặc những nhân viên ít nhiều chịu sự quản lý từ ban lãnh đạo. Do đó, hệ quả của việc phát hành ESOP sẽ làm giảm quyền sở hữu của cổ đông bên ngoài, đồng thời tăng thêm “sức mạnh” cho ban lãnh đạo công ty.

ESOP
ESOP (Employee Stock Ownership Plan) là kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty.

Trái phiếu chuyển đổi được chuyển đổi thành cổ phiếu

Trong trường hợp này, doanh nghiệp có nghĩa vụ phát hành thêm cổ phiếu để thực hiện yêu cầu chuyển đổi của trái chủ. Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ giảm được khoản nợ vay từ trái phiếu, đồng thời vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên, số lượng cổ phiếu cũng tăng theo.

Sự kiện pha loãng này ảnh hưởng chủ yếu đến tỷ lệ sở hữu và làm thay đổi cơ cấu cổ đông. Xét về lợi ích mỗi cổ đông nhận được, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, vì khi đó doanh nghiệp không phải trả lãi vay cho trái phiếu nữa. Việc giảm chi phí lãi vay giúp doanh nghiệp giữ lại nhiều lợi nhuận hơn, góp phần bù đắp cho số lượng cổ phiếu tăng lên do chuyển đổi.

Phát hành cổ phiếu cho mục đích sáp nhập

Sáp nhập bằng phương pháp hoán đổi cổ phiếu là việc doanh nghiệp nhận sáp nhập phát hành thêm cổ phiếu và hoán đổi chúng với toàn bộ cổ phiếu của doanh nghiệp bị sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi được hai bên thỏa thuận từ trước.

Giả sử công ty A có 100.000 cổ phiếu, với giá thị trường là 100.000 đồng/ cổ phiếu. Công ty B có 40.000 cổ phiếu, giá thị trường là 25.000 đồng/ cổ phiếu. Công ty A sẽ tiến hành sáp nhập công ty B với phương án hoán đổi cổ phiếu.

Theo đó, công ty A tiến hành phát hành thêm 10.000 cổ phiếu và tiến hành hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu của công ty B theo tỷ lệ 1:4 (1 cổ phiếu công ty A sẽ đổi được 4 cổ phiếu công ty B). Sau khi sáp nhập, số lượng cổ phiếu của công ty A sẽ là 110.000 cổ phiếu, và các cổ đông công ty B sẽ trở thành cổ đông của công ty A.

Trong các sự kiện sáp nhập, công ty nhận sáp nhập (công ty A) sẽ là bên chịu rủi ro pha loãng cổ phiếu. Tuy nhiên, việc pha loãng này sẽ có ảnh hưởng tích cực, vì mục tiêu của các thương vụ sáp nhập này thường nhằm phục vụ cho việc kinh doanh như: giảm chi phí sản xuất, giảm bớt đối thủ cạnh tranh và tăng thị phần.

Ảnh hưởng của việc pha loãng cổ phiếu

Như đã đề cập ở trên, ảnh hưởng chủ yếu của việc pha loãng cổ phiếu là làm giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông. Dẫn đến giảm quyền biểu quyết với các hoạt động của công ty, và làm giảm lợi ích trực tiếp mà cổ phiếu đem lại như quyền được nhận cổ tức,... Pha loãng cổ phiếu cũng có những ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp như:

  • Thay đổi cơ cấu cổ đông, có thể khiến các cổ đông sáng lập mất quyền kiểm soát doanh nghiệp;
  • Thay đổi cơ cấu vốn, làm tăng vốn chủ sở hữu, giảm nợ (trong trường hợp chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu);
  • Thay đổi các chỉ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp, như chỉ số EPS, ROE, Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu…;
  • Tăng áp lực cho ban lãnh đạo doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận tương ứng với phần vốn tăng thêm.

Trong ngắn hạn, việc pha loãng cổ phiếu có thể gây tác động tiêu cực cho cả cổ đông và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong dài hạn không phải sự kiện pha loãng nào cũng có tác động xấu. Chẳng hạn trong các thương vụ M&A, hay chào bán cổ phiếu huy động vốn cho dự án kinh doanh mới sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, dẫn đến tạo ra nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai. Thông qua phát hành ESOP cũng giúp nhân viên có thêm động lực làm việc và tạo được nhiều sản phẩm hơn.

Theo: Nguyễn Dương / ProFin