Silicon Valley Bank: Bài học đắt giá về quản trị rủi ro dòng tiền trong bối cảnh kinh tế bất ổn

...

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, sự sụp đổ của SVB là hệ quả của hàng loạt yếu tố tác động cùng lúc, không chỉ nằm ở quyết định sai lầm của ngân hàng này.

Chuyện gì đã xảy ra với Silicon Valley Bank?

Silicon Valley Bank (SVB) được thành lập vào tháng 10/1983 tại Santa Clara, California. Với gần 40 năm hoạt động, ngân hàng này nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở mảng khởi nghiệp và các quỹ đầu tư vào startup. Không giống với những ngân hàng khác, SVB sẵn lòng làm việc với những nhà sáng lập không phải là công dân nước Mỹ, một điểm khác biệt lớn so với các ngân hàng truyền thống.

Tính đến đầu tháng 3/2022, SVB vẫn là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ với tổng tài sản trị giá 210 tỷ USD. Cuối tháng 2/2023, SVB thậm chí được vinh danh trong Danh sách 20 ngân hàng tốt nhất Hoa Kỳ năm 2023 của Forbes.

Cho đến ngày 10/3/2023, giới tài chính toàn cầu chấn động bởi thông tin cơ quan chính quyền tuyên bố đóng cửa SVB. Cũng từ đó, cái tên SVB đi vào lịch sử tài chính toàn cầu bởi vụ phá sản quy mô lớn chưa từng có, tính từ cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008, theo nhận định từ FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation: Tập đoàn Bảo hiểm ký thác Liên bang Mỹ).

Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu xuất hiện từ trước cho thấy SVB đang phải đối mặt với khủng hoảng tiền mặt trầm trọng. Được biết, vào ngày 8/3/2023, SVB Financial Group (công ty mẹ của SVB) công bố rao bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu. Theo phân tích từ Vox, mục đích của SVB Financial Group là cải thiện kết quả hiển thị trên báo cáo tài chính. Tuy nhiên, động thái này rõ ràng đã phản tác dụng khi thị trường hỗn loạn và giá cổ phiếu tập đoàn lao dốc không phanh.

Vào ngày 12/3/2023, cơ quan chính quyền công bố sẽ can thiệp để đảm bảo tất cả những người gửi tiền ở SVB có thể truy cập vào tài khoản để rút tiền về. Tuy nhiên, FDIC chỉ đảm bảo số tiền tối đa có thể rút được là 250.000 USD. Do đó, những doanh nghiệp đã gửi nhiều hơn số tiền đó đang rơi vào tình trạng hoảng loạn tột độ. Ngoài ra, theo nguồn tin từ The Wall Street Journal, dù các cơ quan quản lý đã tổ chức đấu giá SVB nhiều lần với những thỏa thuận có lợi và chia sẻ thiệt hại, song vẫn không tìm được người mua.

Những khách hàng đang xếp hàng trước một chi nhánh SVB để chờ rút tiền. Nguồn ảnh: Brian Snyder / Reuters.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến một tập đoàn có tên tuổi với tuổi đời hơn 40 năm, cùng với khối tài sản khổng lồ lại sụp đổ nhanh chóng như vậy? Hãy cùng ProFin.vn tìm hiểu ở phần sau của bài viết.

Đâu là yếu tố khiến Silicon Valley Bank “ngã ngựa”?

Trên thực tế, có khá nhiều yếu tố xuất hiện cùng lúc dẫn đến sự sụp đổ của SVB, bao gồm những vấn đề xuất phát từ nội bộ ngân hàng, cũng như những rủi ro đến từ thị trường và bối cảnh kinh tế vĩ mô. Dẫu vậy, những nguyên nhân chính sau đây đã góp phần khiến SVB rơi vào khủng hoảng:

Dựa trên phân tích từ Fast Company, một trong những nguyên nhân khiến SVB gục ngã đó là nhóm khách hàng chính của họ là các startup công nghệ, vốn là nhóm đối tượng có rủi ro rất cao. Nguồn tiền chính của SVB đến từ vốn đầu tư từ các quỹ rót vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Điều đó đồng nghĩa với việc SVB ở vị thế dễ “bị tổn thương” do phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường khởi nghiệp công nghệ.

Bên cạnh đó, vì muốn tận dụng lãi suất huy động thấp, SVB cho phép các startup công nghệ gửi tiền không kỳ hạn với mức lãi suất thấp (hoặc không có lãi). Điều này giúp các startup có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Nếu đặt trong bối cảnh SVB có nhiều tệp khách hàng nhau, mọi chuyện có lẽ đã không tồi tệ đến thế. Theo quan điểm của Daniel Cohen - cựu Chủ tịch The Bancorp, SVB đã không chú ý đến một nguyên tắc cơ bản của ngành ngân hàng: Một nhóm khách hàng sẽ có hành vi giống nhau ở cùng một thời điểm. Tại thời điểm này, phần lớn startup công nghệ tại Mỹ đều cần rút một lượng lớn tiền mặt để duy trì hoạt động vận hành.

Trong giai đoạn COVID-19, khi lãi suất quy định từ Fed vẫn còn thấp, các startup công nghệ dễ dàng gọi vốn và đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ. Vì lẽ đó, số tiền gửi vào SVB tăng lên đáng kể. Được biết, vào cuối quý 1/2020, số tiền gửi vào SVB là 60 tỷ USD. Hai năm sau đó, tổng số tiền gửi của ngân hàng này đã lên đến gần 200 tỷ USD.

Thông thường, các ngân hàng sẽ đầu tư vào các tài sản sinh lời ngắn hạn và dài hạn. Thế nhưng, SVB lại dùng số tiền vay ngắn hạn từ khách hàng để đầu tư vào các trái phiếu dài hạn từ 10-30 năm với lãi suất cao, đồng thời bỏ qua các loại trái phiếu ngắn hạn. Nhiều chuyên gia phân tích, danh mục đầu tư thiếu đa dạng đã góp phần tăng thêm rủi ro cho SVB.

Thêm vào đó, những trái phiếu dài hạn có tính thanh khoản thấp và điều đó khiến SVB không huy động đủ số lượng tiền mặt khi cần. Điều đó thể hiện rõ trên báo cáo tài chính quý 1/2023 của SVB phát hành vào ngày 8/3/2023 cho thấy, ngân hàng này có 62% tài sản có thể chuyển đổi thành tiền, trong đó chỉ 7% là tiền mặt và 55% còn lại là trái phiếu dài hạn.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, SVB chỉ có 7% tiền mặt trong tổng 62% tài sản có thể chuyển đổi thành tiền.

Do đó, tình hình trở nên tồi tệ với SVB khi Fed (Federal Reserve: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, giá trị chiết khấu trái phiếu dài hạn của SVB giảm mạnh. Không chỉ vậy, động thái này của Fed còn tác động lớn đến nhóm đối tượng chính của SVB là quỹ đầu tư và các startup. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các quỹ đầu tư gặp nhiều trở ngại trong việc huy động vốn. Vì thế, việc huy động vốn từ quỹ đầu tư của các startup cũng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp phải tiếp tục “đốt tiền” nhằm duy trì hoạt động. Cũng trong báo cáo tài chính quý 1/2023 của SVB cho thấy, kể từ quý 2/2022 thì quỹ tiền gửi của khách hàng tại SVB bắt đầu sụt giảm nhanh chóng ở mức 2 con số.

Kể từ quý 2/2022, quỹ tiền gửi của SVB bắt đầu giảm mạnh.

Việc các startup không có nguồn vốn dồi dào như trước đã dẫn đến lượng khách hàng rút tiền tại SVB tăng đột biến. Do không có đủ vốn vì các khoản trái phiếu dài hạn chưa thể sinh lời, SVB buộc phải rao bán tài sản dài hạn (bao gồm trái phiếu và các loại chứng khoán giảm giá trị do Fed tăng lãi suất) để trả tiền gửi cho khách hàng và ghi nhận khoản lỗ 1,8 tỷ USD.

Một nguyên nhân nữa xuất phát từ nội bộ của SVB. The New York Times nhận định, Gregory Becker - CEO của SVB đã tập trung quá nhiều vào bức tranh đổi mới trong tương lai, mà quên mất công việc cơ bản nhất cần phải làm: Quản trị rủi ro. Đáng chú ý, vị trí CRO (Chief Risk Officer: Giám đốc Quản trị rủi ro) tại SVB đã để trống một thời gian khá dài. Được biết, kể từ khi Laura Izurieta rời khỏi vị trí CRO vào tháng 4/2022, mãi đến tháng 1/2023 mới có người thay thế là Kim Olsen. Đây là một dấu hiệu báo động đối với một ngân hàng có quy mô khá lớn như SVB. Điều này cũng làm dấy lên nghi vấn về những bất đồng của Hội đồng Quản trị SVB.

Vì thế, dù cho ông Becker là một nhân tài đã giúp SVB đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua, ông cũng không thể giúp SVB đủ khả năng đương đầu với những đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed. Điều này thể hiện rõ ở số liệu tình hình tài chính quý 1/2023, phần lớn các chỉ số đều phản ánh kết quả hoạt động tiêu cực.

Tình hình tài chính ảm đạm của SVB trong quý 1/2023.

Dẫu vậy, ngày 7/3/2023 (ba ngày trước khi bị ngừng hoạt động), tại khách sạn Palace ở San Francisco, ông vẫn xuất hiện trước đám đông và phát biểu về một tương lai đầy triển vọng của ngành công nghệ nói chung và SVB nói riêng. Dù tại thời điểm này, vị CEO đã nhận ra những rủi ro tài chính mà ngân hàng đang phải đối mặt, đã quá muộn để ông và đội ngũ SVB có thể lật ngược tình thế.

Nguồn ảnh: ProFin.vn

Thấy gì từ câu chuyện của SVB?

Như các bạn đã thấy, có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gục ngã của SVB, bao gồm những vấn đề xuất phát từ nội bộ ngân hàng, cũng như các yếu tố đến từ bên ngoài.

Câu chuyện của SVB như một lời nhắc nhở chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc quản lý dòng tiền. Theo lời khuyên của Jack Newton - nhà sáng lập của startup công nghệ Clio, các công ty cần đảm bảo đủ lượng tiền mặt để duy trì hoạt động vận hành trong vòng 2 năm.

Một vấn đề khác các doanh nghiệp cần quan tâm là công tác quản trị rủi ro. Trong trường hợp của SVB, việc thiếu vắng CRO là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ngành ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Đối với các loại hình doanh nghiệp khác, quá trình đánh giá và lập kế hoạch đối phó với rủi ro là cần thiết. Nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ càng, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ không thể đứng vững khi có biến cố bất ngờ xảy ra.

Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn tổng hợp