Tài chính ứng dụng #8: Chỉ số quan trọng trên bảng báo cáo dòng tiền

...

Một báo cáo tài chính quan trọng khác cho doanh nghiệp là báo cáo dòng tiền – Cash Flow Statement. Báo cáo này có phần đơn giản hơn bảng cân đối kế toán, nhưng có lẽ chính vì vậy mà ít người nắm được cách phân tích nó, bởi “nó quá đơn giản thì có gì để xét nét?”.

Tài chính ứng dụng #8: Chỉ số quan trọng trên bảng báo cáo dòng tiền

Thực ra, tình trạng dòng tiền có thể cho bạn biết khá nhiều điều quan trọng về hoạt động doanh nghiệp, cái bạn cần là những kiến thức chủ chốt để trích xuất được những thông tin này. Chính vì thế, trong bài viết hôm nay, Cask sẽ chia sẻ cùng bạn những nguyên tắc và gợi ý căn bản giúp bạn hiểu dòng tiền tốt hơn và dựa vào đó để ra quyết định đúng đắn trong kinh doanh.

Định nghĩa bảng báo cáo dòng tiền

Báo cáo dòng tiền là báo cáo chi tiết về tình trạng tiền mặt của doanh nghiệp. Báo cáo cho biết trong một giai đoạn nhất định, lượng tiền mặt công ty chi ra là bao nhiêu, từ những nguồn nào; và lượng tiền mặt công ty thu vào là bao nhiêu, từ những nguồn nào.

Dòng tiền công ty chi ra gọi là dòng tiền ra – Outflow, dòng tiền công ty thu vào được gọi là dòng tiền vào – Inflow. Tổng cộng dòng tiền ra và dòng tiền vào sẽ phản ánh hiện trạng tiền mặt của công ty. Nếu tiền vào nhiều hơn tiền ra, công ty sẽ có tổng dòng tiền dương – Positive Cash Flow, và ngược lại là tổng dòng tiền âm – Negative Cash Flow.

Báo cáo dòng tiền được chia làm 3 phần: Operating Activities, Investing Activities, Financing Activities. Nguồn: Getty Images

Cấu trúc bảng báo cáo dòng tiền

Báo cáo dòng tiền được chia làm 3 phần: (1) Dòng tiền trong hoạt động vận hành – Operating Activities, (2) Dòng tiền trong hoạt động đầu tư – Investing Activities, (3) Dòng tiền trong hoạt động tài chính – Financing Activities. Chi tiết như sau:

  • Dòng tiền trong hoạt động vận hành là dòng tiền được tạo ra khi công ty cung cấp sản phẩm/ dịch vụ của mình. Dòng tiền vào sẽ liên quan đến doanh thu và dòng tiền ra liên quan đến các chi phí.
  • Dòng tiền trong hoạt động đầu tư là dòng tiền được tạo ra khi công ty mua hay bán tài sản của mình – cả hữu hình lẫn vô hình, như: bất động sản, đất, máy móc, bản quyền…
  • Dòng tiền trong hoạt động tài chính là dòng tiền được tạo ra khi công ty vay hay cho vay.

Trong bảng báo cáo dòng tiền, mỗi loại trên sẽ được phân nhỏ thành nhiều khoản mục chi tiết và việc xem xét, phân tích kĩ lưỡng chúng sẽ cho bạn bức tranh rõ ràng về hiệu quả, hiện trạng của doanh nghiệp.

Vậy, làm sao dựa vào báo cáo dòng tiền để đánh giá công ty?

Sau đây là những nguyên tắc và kiến thức cơ bản:

1. Tình trạng dòng tiền có thể phản ánh vòng đời doanh nghiệp

Các công ty mới mở, tức startup, thường có dòng tiền âm, hay nói cách khác là tiền ra nhiều hơn tiền vào vì họ chưa có nhiều khách hàng mà phải đầu tư nhiều cho văn phòng, nhà xưởng, tuyển dụng, R&D… Các công ty ở giai đoạn phát triển thường có dòng tiền vào nhiều hơn dòng tiền ra, do doanh thu tăng trưởng mạnh, chi phí được tối ưu hóa nhờ làm ăn hiệu quả.

2. Đừng chỉ chú ý đến hiện trạng tiền mặt của công ty – tức tổng dòng tiền dương hay âm

Tiền mặt tăng lên chưa hẳn cho thấy doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Chẳng hạn, do làm ăn khó khăn nên doanh nghiệp phải bán bớt tài sản nên có thêm dòng tiền vào; sa thải bớt nhân viên nên giảm dòng tiền ra; tổng cộng doanh nghiệp sẽ có dòng tiền dương lớn hơn kỳ trước, nhưng kết quả này phản ánh nỗ lực xoay sở để tồn tại chứ không phải biểu hiện phát triển. Để phân tích tốt dòng tiền, bạn cần đi vào chi tiết từng khoản mục, từng biến động và tìm hiểu nguyên nhân đằng sau chúng.

3. Dòng tiền vận hành

  • Lợi nhuận: Dòng tiền trong hoạt động vận hành liên quan chặt chẽ với lợi nhuận. Dòng tiền vào đến từ doanh thu, còn dòng tiền ra để chi trả cho các chi phí. Vì vậy, tổng dòng tiền vận hành sẽ gần bằng lợi nhuận. Nếu tổng dòng tiền này quá thấp so với lợi nhuận thì có nghĩa là khách hàng vẫn chưa thanh toán tiền mua hàng cho bạn. Hãy so sánh giá trị dòng tiền vận hành với lợi nhuận và phân tích những khác biệt (nếu có).
  • Biến động vốn lưu động – Working Capital: Khi xem xét dòng tiền từ hoạt động vận hành, hãy khảo sát kĩ những biến động vốn lưu động liên quan đến dòng tiền ấy. Chẳng hạn, các khoản phải thu hay tồn kho tăng lên nhiều sẽ gây thiếu hụt dòng tiền vào, do đó, nên hạn chế hết mức.
  • Các khoản phải trả: Nếu tổng dòng tiền vận hành dương nhưng các khoản phải trả lại tăng lên thì có thể công ty đang trì hoãn trả tiền cho các đối tác để có được dòng tiền dương. Biện pháp này thường được dùng vào cuối năm để chi trả các khoản phí tất niên.

Tổng dòng tiền vận hành cần phải dương để doanh nghiệp có đủ tiền mặt chi trả các hoạt động vận hành thường nhật, lãi vay và cả thuế. Số tiền mặt còn thừa lại có thể dùng đầu tư để mở rộng phát triển.

4. Dòng tiền đầu tư

  • Bán tài sản: Bán tài sản có thể là điều hay nếu các tài sản ấy đã hư cũ hay lỗi thời, cần thay thế. Tuy nhiên, nếu công ty bán tài sản để xoay sở với khó khăn, vị thế tài chính của công ty sẽ đi xuống: một mặt bán tài sản là sự suy giảm nguồn lực cho kinh doanh, mặt khác công ty sẽ khó vay ngân hàng hơn vì ít tài sản cho thế chấp.
  • Lãi đầu tư & cổ tức: Trái với việc bán tài sản, lãi hay cổ tức thu được từ đầu tư là một nguồn lợi tốt, bổ trợ cho dòng tiền vào của công ty.

5. Hoạt động tài chính

  • Các khoản tăng tài sản: Nếu tài sản công ty tăng lên, bạn cần xét kĩ nguồn tiền dùng để mua chúng. Nếu đó là tiền từ hoạt động vận hành, thì chứng tỏ công ty đang kinh doanh tốt. Công ty cũng có thể dùng tiền vay dài hạn để mua tài sản, vì tài sản sẽ giúp tạo ra doanh thu trong dài hạn, để chi trả các khoản nợ đó. Tuy nhiên, bạn cần tính toán kĩ lãi suất và khả năng sinh lời của doanh nghiệp mình.
  • Phát hành cổ phiếu: Phát hành cổ phiếu là một giải pháp hay để có dòng tiền vào mà không lo phải trả lãi. Tuy nhiên, mọi thứ đều có 2 mặt, phát hành cổ phiếu dẫn đến biến động về số lượng, vai trò các cổ đông. Khi cổ đông thay đổi, định hướng kinh doanh của cả doanh nghiệp cũng có thể thay đổi.

Lời kết

Như bạn đã thấy ở trên, báo cáo dòng tiền có thể gợi ý cho bạn khá nhiều thông tin về tình trạng, định hướng hoạt động hay chính sách vận hành của công ty. Để đọc hiểu nó, bạn cần chỉ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về kinh doanh, kế toán, dòng tiền và xem xét tỉ mỉ những biến động trong dòng tiền.

CASK chuyên thiết kế giải pháp (chiến lược & thực thi) giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kinh doanh & huấn luyện cá nhân về chuyên môn Brand – Trade – Sales – Business.

Thông tin liên hệ:

Website: https://www.cask.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/cask.vn
Hotline: ‎‎‎089 918 91 98
Email: [email protected]
Theo: CASK COMPANY / Brands Vietnam