Vì sao Nhựa Bình Minh mạnh tay chi cổ tức 85%?

...

Cơ cấu vốn lành mạnh và cơ cấu sở hữu cô đọng là động lực chia cổ tức tiền mặt đều đặn của Nhựa Bình Minh.

Vì sao Nhựa Bình Minh mạnh tay chi cổ tức 85%?

Nội dung chính:

  • - Nhựa Bình Minh trình ĐHĐCĐ kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 85% - là tỷ lệ cổ tức tiền mặt “xưa nay hiếm” trên sàn chứng khoán.
  • - Nhựa Bình Minh gần như không vay nợ và tích lũy vốn chủ sở hữu, đặc biệt là Quỹ đầu tư phát triển lớn, trên 1.000 tỷ đồng.
  • - Cơ cấu cổ đông cô đặc với hơn một nửa cổ phần nằm trong tay Tập đoàn SCG (Thái Lan).

Đại hội đồng cổ đông  (ĐHĐCĐ) thường niên của Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) sẽ diễn ra vào ngày 28/4/2023. Tờ trình đáng chú ý là phương án chia gần như toàn bộ lợi nhuận năm 2022 của công ty cho cổ đông dưới dạng cổ tức tiền mặt. Tỷ lệ cổ tức được tính toán lên tới 84% - là tỷ lệ cổ tức tiền mặt “xưa nay hiếm” trên sàn chứng khoán.

2022 cũng là năm Nhựa Bình Minh đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong suốt 46 năm thành lập. Đây cũng là doanh nghiệp hiếm hoi dồi dào tiền mặt trong năm 2022 vừa qua.

(Doanh thu và Lợi nhuận sáu thuế của Nhựa Bình Minh từ 2017 - 2022)

Có hai nguyên nhân chính khiến Nhựa Bình Minh trình phương án chia cổ tức có một không hai này.

Cơ cấu vốn an toàn

Tại thời điểm cuối năm 2022, Nhựa Bình Minh có tổng tài sản 3.045 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn chủ sở hữu, chiếm 86%. Nhựa Bình Minh hầu như không vay nợ. Số dư nợ vay ngắn và dài hạn cuối năm 2022 của công ty là 75 tỷ đồng, với chi phí lãi vay trong năm vỏn vẹn 28 triệu đồng. Có thể nói Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn chứng khoán hầu như không phải chịu áp lực lãi vay trong năm 2022. Công ty đã duy trì cơ cấu vốn lành mạnh này suốt nhiều năm qua. Trong 6 năm gần nhất, tỷ lệ Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đều duy trì trên 80%.

Công ty dự kiến chia 688 tỷ đồng cổ tức cho cổ đông. Với lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn dồi dào (1.324 tỷ đồng vào cuối năm 2022), việc chia cổ tức đặc biệt của Nhựa Bình Minh hoàn toàn khả thi.

Bên cạnh đó, ngay cả khi đã chia cổ tức, công ty vẫn có nguồn lực cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Tính đến cuối năm 2022, Nhựa Bình Minh có quỹ Đầu tư phát triển lên tới 1.157 tỷ đồng, chiếm hơn một phần ba giá trị Tổng tài sản công ty tại cùng thời điểm. Việc duy trì quỹ Đầu tư phát triển với quy mô lớn giúp Nhựa Bình Minh có dư địa tăng trưởng trong tương lai.

Tóm lại, Nhựa Bình Minh có đủ tiền để trả cổ tức, đồng thời có nguồn lực dự phòng để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh một cách an toàn.

“Tiếng nói của người Thái”

Đại gia Thái Lan, Tập đoàn SCG đã chi hơn 2.300 tỷ đồng để thâu tóm Nhựa Bình Minh vào giữa năm 2018 thông qua công ty con là The Nawaplastic Industries. Từ đó, Nhựa Bình Minh cũng đều đặn chia cổ tức hàng năm bằng tiền mặt với tỷ lệ trên 30% mỗi năm. Sở hữu quá nửa cổ phần (54,5%), mỗi năm SCG “bỏ túi” từ 130 tỷ đồng trở lên từ cổ tức tiền mặt của Nhựa Bình Minh. Đây cũng là cách giúp cổ đông của SCG tại Thái Lan cảm thấy “hài lòng” với khoản chi khổng lồ năm 2018.

Nói cách khác, SCG buộc phải có nguồn thu (cổ tức) từ khoản đầu tư năm 2018 vào Nhựa Bình Minh.

Là công ty con của SCG, mọi quyết định của Nhựa Bình Minh đều là “tiếng nói của người Thái” - trong đó có quyết định chia cổ tức. Về mặt nguyên tắc, quyết định chia cổ tức sẽ được ĐHĐCĐ thông qua. Tuy nhiên, với tỷ lệ biểu quyết áp đảo, có thể hiểu tờ trình về chia cổ tức đặc biệt của Nhựa Bình Minh không khó để thông qua, đặc biệt trong tình hình hầu hết mọi tổ chức, cá nhân đều lâm vào hoàn cảnh “thiếu tiền” do chính sách thắt chặt tiền tệ trên diện rộng.

Cổ đông của Nhựa Bình Minh hầu như không có lý do để lo lắng khi toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm đều được “mang đi chia”, nhờ vào cơ cấu vốn lành mạnh của công ty nhựa hàng đầu Việt Nam.

Nhựa Bình Minh sẽ trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 6.357 tỷ đồng và 651 tỷ đồng. So với kết quả kinh doanh 2022, kế hoạch của Nhựa Bình Minh tăng 9% về doanh thu, nhưng giảm nhẹ về lợi nhuận.

Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư 55 tỷ đồng trong năm 2023. Nhựa Bình Minh dự kiến sẽ lấy tối thiểu một nửa lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức năm 2023 cho cổ đông. Tuy nhiên, tỷ lệ chính xác sẽ được ĐHĐCĐ thường niên 2024 quyết định.