5 điểm nổi bật về dòng vốn đầu tư tại Việt Nam năm 2023

...

Thông qua báo cáo do NIC và Do Ventures phát hành, có nhiều tín hiệu tích cực về dòng vốn đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, dù vẫn còn không ít vấn đề khó khăn.

Trong bối cảnh hiện tại, các công ty khởi nghiệp công nghệ đang phải đối mặt với “mùa đông internet” - giai đoạn mà dòng vốn đầu tư từ nhà đầu tư đang có xu hướng giảm đi. Dưới đây là 5 điểm đáng chú ý được ProFin.vn đúc kết từ báo cáo của NIC và Do Ventures.

Hoạt động đầu tư diễn ra đều đặn, song giá trị trung bình trên mỗi thương vụ nhỏ

Sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào Việt Nam giảm 56% so với trước đó, do ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể hơn, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào Việt Nam năm 2022 là 634 triệu USD, thấp hơn con số 1,4 tỷ USD vào năm 2021.

Đáng chú ý, dù tổng số vốn và giá trị thương vụ có xu hướng giảm, song về mặt số lượng thì không có quá nhiều biến động. Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022 thì số lượng thương vụ diễn ra không có sự chênh lệch quá nhiều, trái ngược hoàn toàn với tổng số vốn và giá trị thương vụ.

Ngoài ra, số lượng thương vụ diễn ra tại Việt Nam chiếm từ 16% - 20%, tương đương với vị trí 3, khi so sánh với tổng số lượng ở các quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á. Về giá trị thương vụ, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 4, với tổng giá trị chỉ chiếm khoảng từ 8% - 13% trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022.

Giá trị các vụ đầu tư early-stage tại Việt Nam khá ổn định

Theo số liệu của báo cáo, số lượng các thương vụ thuộc các vòng gọi vốn quy mô từ 500 nghìn USD - 10 triệu USD không có biến động quá lớn. Trong khi đó, dòng tiền cho các vòng gọi vốn có quy mô từ 50 triệu USD có xu hướng giảm mạnh. Điều này khá dễ hiểu trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư vào các vòng có giá trị từ 10 - 50 triệu USD có dấu hiệu tăng nhẹ. Điều đó cho thấy các công ty huy động được vốn ở vòng Pre-Series A, Series A những năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng và tiếp tục gọi vốn.

Về số lượng của các vòng gọi vốn, vòng Pre-Series A và Series A vẫn có xu hướng dẫn đầu. Khi xét về khía cạnh giá trị trung bình của các vòng gọi vốn, thì vòng Series B đều có xu hướng tăng mạnh kể từ năm 2018 đến năm 2022.

Giá trị thương vụ lớn tập trung vào lĩnh vực fintech và thương mại điện tử

Đối với lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), kể từ năm 2019 đến năm 2022, ba mảng dẫn đầu là cơ sở thanh toán (core payment), phân tích dữ liệu & chấm điểm tín dụng (data analytics & scoring) và quản lý tài sản & thị trường vốn (wealth management & capital market). Một số mảng khác cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng là cho vay tiêu dùng (leading - consumer), cho vay doanh nghiệp và BasS (banking as a service: ngân hàng như một dịch vụ). Không chỉ vậy, tỷ trọng giá trị và số lượng đầu tư ngành fintech cũng có xu hướng tăng trưởng khá ổn định.

Bên cạnh fintech, những mô hình thương mại điện tử mới mẻ cũng thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư. Được biết, ba mảng được đầu tư nhiều nhất là sàn giao dịch (general marketplace), thương mại điện tử theo ngành dọc (vertical commerce) và B2B & phân phối (business to business & distribution). Về tỷ trọng giá trị và số lượng đầu tư, những mô hình thương mại điện tử này có sự biến động khá thất thường. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây thì tương đối ổn định, mức tăng trưởng hoặc sụt giảm không đáng kể.

Dòng vốn đầu tư có xu hướng chuyển sang những ngành mới

Trong giai đoạn trước, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ và fintech. Dựa trên số liệu từ báo cáo, có thể thấy dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chuyển sang một số ngành mới hơn, chẳng hạn như dịch vụ tài chính (financial service) và logistics. Trong khi dòng vốn đầu tư vào ngành dịch vụ tài chính đạt mức tăng trưởng đáng kể vào năm 2022 (tăng 249% so với năm 2021), ngành logistics lại có mức tăng trưởng nhẹ (tăng 19% so với năm 2021). Ngoài ra, dù dòng vốn đầu tư vào ngành bán lẻ giảm mạnh (giảm 57% so với năm 2021), song giá trị thương vụ vẫn khá cao so với những nhóm ngành còn lại.

Các chuyên gia dự đoán triển vọng của startups trong năm 2023

Theo ông Genping Liu - General Partner tại Vertex Ventures, kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn còn đối mặt với không ít thách thức trong năm 2023, tuy nhiên Việt Nam có một số ưu điểm như tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ, nguồn nhân tài dồi dào, nhà sáng lập kiên định và có năng lực,... Do đó, ông nói thêm, dù có nhiều thăng trầm, về mặt dài hạn, ông vẫn có cái nhìn lạc quan về mảng khởi nghiệp công nghệ.

Trong khi đó, theo quan điểm của ông Vinnie Lauria - Managing Partner tại Golden Gate Ventures, vào giai đoạn sắp tới, Việt Nam sẽ trở thành nam châm thu hút nhân tài công nghệ và tiếp tục vươn lên trong khu tam giác vàng khởi nghiệp Việt Nam - Singapore - Indonesia. Theo ông dự đoán, các nhóm ngành fintech, insurtech (công nghệ bảo hiểm), healthtech (công nghệ sức khỏe), protech (công nghệ bất động sản) sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, lĩnh vực climate-tech (công nghệ môi trường) cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn, khi các tổ chức buộc phải đáp ứng những yêu cầu liên quan đến ESG (Environmental, Social and Governance: môi trường, xã hội và quản trị).

Ông Bình Trần - General Partner tại Ascend Vietnam Ventures (AVV) chia sẻ, các công ty khởi nghiệp đừng để tình thế hiện tại làm giảm tham vọng. Theo ông, các công ty khởi nghiệp cần có chiến lược đúng đắn, cùng với sự kiên trì để có thể vươn lên mạnh mẽ từ những thách thức hiện tại. Ông cũng nói thêm, quỹ AVV vẫn đang kiên trì với nhịp độ đầu tư hiện tại và tiếp tục tìm kiếm những công ty công nghệ muốn tạo ra giá trị bền vững.

Phương Trần - Principal tại Wavemaker nhận định, quãng thời gian khó khăn này sẽ không kéo dài, các startups nên tận dụng giai đoạn này để củng cố lại nền tảng của công ty (công nghệ, đội ngũ nhân sự và unit economics), đồng thời quản lý tài chính một cách nghiêm túc. Bà gợi ý thêm, startups nên thực hiện một số bước sau đây:

  • Xác định lại sứ mệnh của doanh nghiệp.
  • Kiểm tra lại mô hình doanh thu và tìm cách tối đa hóa doanh thu.
  • Kiểm tra lại cấu trúc chi phí.
  • Lên kế hoạch huy động vốn linh hoạt và thận trọng, đồng thời sẵn sàng đưa ra mức định giá khiêm tốn hơn.
Tổng quan về báo cáo
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) đã kết hợp cùng với quỹ đầu tư Do Ventures phát hành báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ 2023, nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, cũng như vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn