Dân Tài chính học gì #3: ACCA - Chìa khóa nâng cao thu nhập và địa vị trong giới tài chính

...

Khi sở hữu chứng chỉ ACCA, bạn không chỉ có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp uy tín, mà còn có thể tiếp tục đi đến những bậc thang cao hơn trong hành trình sự nghiệp.

Dân Tài chính học gì là chuỗi bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về các chứng chỉ hành nghề quốc tế, khóa học dành cho sinh viên và nhân sự trong lĩnh vực kế toán - tài chính.

Ở bài viết thứ ba trong chuỗi bài này, ProFin.vn sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về chứng chỉ ACCA, nhằm giúp các bạn có cái nhìn tổng quát và đưa ra quyết định thích hợp với mục tiêu, cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Chứng chỉ ACCA là gì? Mức độ phổ biến và uy tín ra sao?

ACCA là chứng chỉ hành nghề tài chính - kế toán được công nhận ở quy mô toàn cầu, bao gồm 3 phần thi: Applied Knowledge (Kiến thức Ứng dụng), Applied Skills (Kỹ năng Ứng dụng) và Strategic Professional (Chiến lược Chuyên nghiệp).

ACCA được cấp bởi Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (The Association of Chartered Certified Accountants). Đây là một trong những tổ chức nghề nghiệp lớn nhất thế giới được thành lập vào năm 1904. Tính đến nay, Hiệp hội có hơn 233.000 hội viên và 544.000 học viên đến từ 176 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, theo ACCA công bố, có hơn 1.300 hội viên đang làm việc tại các vị trí quản lý cấp cao ở những tập đoàn, ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước,...

Để nhận được chứng chỉ ACCA, thí sinh cần đáp ứng được hai điều kiện sau:

  • 3 năm kinh nghiệm làm việc.
  • Hoàn thành đầy đủ 13 bài kiểm tra, tương ứng với 13 môn học (bạn có thể xem thêm thông tin chi tiết ở phần dưới của bài viết). Nếu sở hữu những chứng chỉ hành nghề quốc tế khác, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin miễn trừ môn học t tại trang web của ACCA.

Hàng năm, kỳ thi ACCA sẽ được tổ chức vào các khung thời gian sau (Việt Nam cũng áp dụng lịch thi này):

  • Tháng 3
  • Tháng 6
  • Tháng 9
  • Tháng 12

Bạn có thể đăng ký tham gia kỳ thi ACCA trực tuyến, cũng như các thông tin chi tiết về cách thức, quy trình tại đường dẫn dưới đây:

Home | ACCA Global
ACCA (the Association of Chartered Certified Accountants) is the global body for professional accountants.

ACCA - Con đường sự nghiệp và học thuật rộng mở

#1: Cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp uy tín và danh tiếng

Với chứng chỉ ACCA được cấp bởi Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc, bạn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp đình đám tại Việt Nam và trên thế giới, nhờ vào chương trình ACCA Job Fast Track (Ưu tiên Tuyển dụng Học viên ACCA). Một số đối tác nổi bật có thể kể đến như: Techcombank, Unilever, KPMG, PwC, Vietnamwork,... Bên cạnh đó, khi sở hữu chứng chỉ ACCA, thu nhập cũng sẽ được tăng lên đáng kể. Theo kết quả thống kê từ ZipRecruiter, một chuyên viên làm việc trong lĩnh vực tài chính có chứng chỉ ACCA có thể có mức thu nhập hàng năm lên đến 65,717 USD (tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng/năm).

Không chỉ thế, Hiệp hội còn có trang tuyển dụng Careers Job Board dành riêng cho các học viên đã sở hữu chứng chỉ ACCA. Với trang web này, bạn có thể tìm thấy những công việc phù hợp với chuyên môn cùng với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn. Trang web này cũng thường xuyên xuất bản các bài viết, báo cáo về các vấn đề trong ngành, các bí quyết hữu ích liên quan đến khía cạnh thăng tiến và cơ hội nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, với cộng đồng ACCA rộng lớn, bạn có cơ hội mở rộng mối quan hệ với cộng đồng và chuyên gia trong ngành, cũng như tìm kiếm lời khuyên đáng giá từ họ về vấn đề công việc hoặc định hướng nghề nghiệp.

#2: Tiếp tục con đường học thuật

Được biết, ACCA hợp tác với trường Đại học Oxford Brookes để xây dựng và phát triển chương trình BSc (Hons) Degree in Applied Accounting - Bằng Cử nhân Kế toán ứng dụng. Thông qua chương trình này, học viên ACCA có cơ hội sở hữu bằng cử nhân này. Đáng chú ý, học viên có thể tiếp tục học để lấy bằng Thạc sĩ Kế toán Chuyên nghiệp của trường Đại học Luân Đôn, hoặc bằng MBA thông qua chương trình Oxford Brookes Global MBA.

Cấu trúc đề thi và chương trình học ACCA

Kỳ thi ACCA được chia thành 3 phần, mỗi lần thi sẽ bao gồm một số môn học nhất định, cộng thêm hai học phần bổ sung là Foundations in Accountancy (Kiến thức Nền tảng Kế toán) và Ethics and Professional Skills (Đạo đức và Kỹ năng Nghề nghiệp). Thời lượng của một bài thi là 3 giờ 15 phút. Để thi đậu từng môn thi, số điểm tối thiểu cần đạt được là 50%.

Cấu trúc đề thi của kỳ thi lấy chứng chỉ ACCA. Nguồn ảnh: ACCA Global.

#1: Applied Knowledge

Ở phần thi này, những thí sinh không có kiến thức nền tảng về tài chính - kế toán có thể đăng ký tham gia học phần Foundations in Accountancy. Sau khi hoàn thành học phần này, thí sinh có thể tham gia phần thi Applied Knowledge, bao gồm những phần cụ thể như sau:

  • Business and Technology (BT): Vai trò thiết yếu của bộ phận tài chính - kế toán trong việc giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Bên cạnh đó, phần này cũng sẽ đề cập đến những yếu tố ngoại cảnh và nội bộ có sức ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, chẳng hạn như nền kinh tế, quy định - pháp lý, quản trị, nhân sự, tính bảo mật của dữ liệu,...
  • Management Accounting (MA): Đối với phần này, các chủ đề xuất hiện trong bài thi sẽ gồm có cách lập kế hoạch và kiểm soát dòng tiền, tối ưu vốn lưu động hiệu quả, những nguyên tắc đưa ra quyết định đầu tư vốn,...
  • Financial Accounting (FA): Phần này đề cập đến những kiến thức, kỹ thuật liên quan đến việc chuẩn bị và lập các loại báo cáo tài chính.

#2: Applied Skills

Phần này sẽ yêu cầu thí sinh ứng dụng kiến thức đã học được vào các mảng khác nhau thuộc lĩnh vực tài chính - kế toán, bao gồm:

  • Corporate and Business Law (LW): Tùy vào khu vực địa lý, nội dung thi sẽ dựa trên quy định và khung pháp lý của từng quốc gia khác nhau.
  • Performance Management (PM): Ứng dụng kỹ thuật nghiên cứu, phân tích định tính và định lượng để lập kế hoạch, đưa ra quyết định đầu tư, đánh giá và kiểm soát hiệu suất hoạt động.
  • Taxation (TX): Tùy vào khu vực địa lý, nội dung thi sẽ dựa trên quy định và khung pháp lý của từng quốc gia khác nhau.
  • Financial Reporting (FR): Áp dụng quy tắc - chuẩn mực kế toán và cơ sở lý thuyết nhằm chuẩn bị báo cáo tài chính, đồng thời phân tích và diễn giải các thành phần của báo cáo tài chính.
  • Audit and Assurance (AA): Cách thức triển khai quy trình kiểm toán đảm bảo trong khuôn khổ quy định nghề nghiệp.
  • Financial Management (FM): Những kỹ năng cần có của một người quản lý tài chính cấp cao, bao gồm kế hoạch đầu tư, các quyết định liên quan đến chính sách tài chính và cổ tức.

#3: Strategic Professional

Theo khuyến nghị từ Hiệp hội ACCA, trước khi tham gia phần thi Strategic Professional, thí sinh nên tham gia học phần Ethics and Professional Skills để đạt được kết quả tốt nhất. Đây là học phần bổ sung, nhằm cung cấp cho thí sinh ACCA những kỹ năng cần thiết mà ban lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm kiếm ở một nhân sự tài chính xuất sắc.

Phần thi Strategic Professional gồm có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Về mặt tổng quát, thí sinh sẽ phân tích một số tình huống thực tế có tính chiến lược và chuyên môn cao.

Hai môn học bắt buộc gồm có:

  • Strategic Business Leader (SBL): Thí sinh được cung cấp một case-study, sau đó đưa ra phân tích, đánh giá về nhiều khía cạnh: kiến thức chuyên ngành, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp,...
  • Strategic Business Reporting (SBR): Thí sinh sẽ phải sử dụng những kỹ năng cần thiết cho quy trình chuẩn bị, trình bày báo cáo cho cấp trên, cũng như các bộ phận liên quan.

Tiếp theo, thí sinh sẽ phải chọn 2 môn tự chọn trong 4 môn dưới đây:

  • Advanced Financial Management (AFM): Với phần này, nội dung sẽ xoay quanh vai trò của quản lý tài chính cấp cao và cố vấn tài chính trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thí sinh có cơ hội thực hành việc đưa ra quyết định đầu tư đối với công ty tư nhân và công ty đại chúng.
  • Advanced Performance Management (APM): Ứng dụng kiến thức đã học và kỹ năng cần thiết để đánh giá hiệu suất và xây dựng chiến lược trong những bối cảnh doanh nghiệp khác nhau.
  • Advanced Taxation (ATX): Tương tự như các môn học liên quan đến thuế và quy định pháp lý liên quan, phần này sẽ tùy thuộc vào quy định và chính sách của từng quốc gia.
  • Advanced Audit and Assurance (AAA): Tương tự như môn Advanced Taxation.

Tỷ lệ thi đậu ACCA là bao nhiêu?

Dựa trên dữ liệu của ACCA, tỷ lệ thi đậu giảm dần theo độ khó của 3 phần thi. Bên cạnh đó, tỷ lệ thi đậu trong từng phần có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể hơn, theo tỷ lệ thi đậu của đợt tháng 12/2022 do ACCA công bố, phần thi Applied Knowledge có tỷ lệ khá cao, dao động từ 60% - 79%. Trong khi đó, hai phần thi còn lại là Applied Skills và Strategic Professional có tỷ lệ khá thấp, ngoại trừ môn Corporate and Business Law thuộc phần Applied Skills có tỷ lệ thi đậu là 82%, thì các môn còn lại chỉ dao động ở mức 30% - 50%. Bạn có thể xem kỹ hơn tại đường dẫn dưới đây:

Pass rates announced for December 2022 ACCA exam sitting | ACCA Global
Pass rates have been announced by ACCA (the Association of Chartered Certified Accountants) to students who sat their exams in December 2022.

Qua đó, có thể thấy cũng như các chứng chỉ hành nghề tài chính - kế toán quốc tế khác, bạn cần có chiến lược học tập rõ ràng và cụ thể, cũng như sự quyết tâm và kiên nhẫn để cam kết theo kế hoạch đã đặt ra. Nếu có nhu cầu tham khảo bí quyết lập kế hoạch học tập hiệu quả, bạn có thể tải xuống tài liệu hướng dẫn do ACCA cung cấp tại đây.

Xem thêm các bài viết cùng chuỗi bài tại: https://www.profin.vn/tag/dan-tai-chinh-hoc-gi/
Theo: Nguyên Nguyễn / ProFin.vn tổng hợp