Deloitte: Môi trường thuế kinh doanh tại Việt Nam 2022 - 2023

...

Kể từ năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài và chủ doanh nghiệp cần lưu ý gì về thuế và kế - kiểm toán khi thành lập công ty mới tại Việt Nam?

Deloitte: Môi trường thuế kinh doanh tại Việt Nam 2022 - 2023

Vào tháng 12/2022, Deloitte đã phối hợp cùng với Bộ Ngoại giao xuất bản ấn phẩm “Doing Business in Vietnam 2022 – 2023: Accelerate to breakthrough”. Đây là tài liệu viết bằng tiếng Anh, dành cho đối tượng chính là các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Ấn phẩm được chia thành 5 nội dung chính như sau:

  • Tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam.
  • Các loại hình đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
  • Quy định về kế toán và kiểm toán.
  • Quy định về thuế và hải quan.
  • Kiểm soát ngoại hối.

Trong năm khía cạnh trên, báo cáo tập trung khai thác chuyên sâu về các quy định kế toán - kiểm toán, thuế - hải quan và ngoại hối. Đây đều là những thông tin bổ ích, chân thực và toàn diện về tình hình kinh doanh tại Việt Nam. Vì lẽ đó, báo cáo này không chỉ dành cho doanh nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài muốn tiến vào thị trường Việt Nam, mà còn phù hợp với những doanh nhân trong nước đang có ý định thành lập doanh nghiệp riêng. Ở bài viết này, ProFin sẽ điểm qua một số nội dung nổi bật trong ấn phẩm của Deloitte về thuế và kế - kiểm toán cho doanh nghiệp.

Thông tin cần nắm về chuẩn mực IFRS và những quy định quan trọng về kế toán - kiểm toán

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam áp dụng hệ thống 26 chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Bộ Tài chính. Những chuẩn mực này chủ yếu dựa trên phiên bản cũ của International Accounting Standards (IAS). Vậy nên, các cập nhật mới nhất của IAS và một số chuẩn mực kế toán quan trọng, chẳng hạn như công cụ tài chính, suy giảm giá trị tài sản,... chưa được bổ sung vào hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BT về lộ trình áp dụng chuẩn mực IFRS như sau:

  • Năm 2020 - 2021: Giai đoạn chuẩn bị.
  • Năm 2022 - 2025: Giai đoạn thí điểm, áp dụng tự nguyện đối với công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng có quy mô lớn,...
  • Sau năm 2025: Giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS đối với đối tượng doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về quy trình chuyển đổi sang IFRS, bạn có thể tìm đọc ấn phẩm “Những câu hỏi thường gặp: Chuyển đổi áp dụng IFRS tại doanh nghiệp” do Deloitte phát hành.

Hệ thống kế toán Việt Nam quy định các loại báo cáo tài chính sau:

  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo hoạt động kinh doanh
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Thuyết minh báo cáo tài chính

Tại Việt Nam, sổ sách và chứng từ kế toán có thể được lưu trữ trong thời hạn 5 năm, 10 năm hoặc vô thời hạn, dưới định dạng giấy và điện tử. Tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền, các hóa đơn và chứng từ cần được in ra, ký tên và đóng dấu của người đại diện theo pháp luật và Kế toán trưởng.

Đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty dịch vụ tài chính, công ty bảo hiểm và các tổ chức đại chúng, báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập đang hoạt động tại Việt Nam. Các báo cáo tài chính thường niên, bao gồm cả những trường hợp đã được kiểm toán, phải nộp cho cơ quan địa phương chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng thứ 3 - kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Đối với một số trường hợp, chẳng hạn như các công ty được niêm yết, báo cáo tài chính giữa năm là bắt buộc.

Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định

Hầu hết hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư tại Việt Nam đều phải đóng thuế theo quy định. Những loại thuế mà doanh nghiệp và cá nhân phải nộp đều được xếp vào cấp quốc gia, không có thuế địa phương.

Doanh nghiệp cần nộp những khoản thuế như sau:

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (Corporate Income Tax - CIT)
  • Thuế giá trị gia tăng (Value Added Tax - VAT)
  • Thuế nhà thầu nước ngoài (Foreign Contractor Withholding Tax - FCWT)
  • Những loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế tài sản, thuế hải quan,...

#1: Thuế thu nhập doanh nghiệp (Corporate Income Tax - CIT)

Tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Đối với các doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và mỏ tài nguyên quý hiếm sẽ chịu thuế suất từ 30%-50%, tùy thuộc vào địa điểm và điều kiện tiến hành dự án.

Có hai hình thức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chủ yếu như sau:

  • Thuế suất ưu đãi: Mức thuế suất thấp hơn so với mức CIT tiêu chuẩn là 20%. Thông thường, thuế suất ưu đãi được áp dụng từ năm đầu tiên có doanh thu, ngoại trừ những doanh nghiệp hoặc dự án công nghệ cao.
  • Miễn thuế: Doanh nghiệp sẽ được miễn thuế trong một quãng thời gian nhất định, hoặc trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Trong đó, ưu đãi CIT sẽ bao gồm ưu đãi theo lĩnh vực, ưu đãi theo lĩnh vực khi đáp ứng quy mô nhất định và ưu đãi theo địa bàn. Bạn có thể xem thông tin chi tiết hơn ở các bảng biểu dưới đây.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp xét theo địa bàn hoạt động. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

Đối với lĩnh vực hoạt động, cơ chế ưu đãi thuế hiện hành được áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên theo chính sách phát triển của Chính phủ như sau:

  • Trung tâm đổi mới sáng tạo (Innovation centers), trung tâm nghiên cứu và phát triển (Research and Development centers) có vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm.
  • Những dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có vốn đầu tư tối thiểu 30.000 tỷ đồng và giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong vòng 03 năm.

Bên cạnh đó, những dự án đầu tư kinh doanh có tác động lớn đến kinh tế - xã hội đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt sau:

  • Thuế suất ưu đãi từ 5%-10% trong khoảng 15 đến 22,5 năm và có thể gia hạn thêm tối đa 15 năm, miễn là không quá thời hạn đầu tư dự án.
  • Miễn thuế từ 4-6 năm và giảm 50% thuế phải nộp từ 9-13 năm.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp và một số lưu ý khác tại bài viết dưới đây.

Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, đánh vào “thu nhập chịu thuế” của doanh nghiệp.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp xét theo lĩnh vực hoạt động và quy mô kinh doanh. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

#2: Thuế giá trị gia tăng (Value Added Tax - VAT)

VAT là loại thuế gián thu đánh vào hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài ra, VAT áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu. Người chịu trách nhiệm nhập khẩu hàng hóa phải đóng thuế VAT cho cơ quan Hải quan. Đối với dịch vụ nhập khẩu, thuế VAT được áp dụng thông qua cơ chế Thuế Nhà thầu nước ngoài.

VAT
VAT còn được gọi là thuế giá trị gia tăng. Là loại thuế gián thu được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông cho đến khi tới tay người tiêu dùng.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ được miễn VAT (không bị tính VAT đầu ra nhưng không được khấu trừ VAT đầu vào khi doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng này) như sau:

  • Một số sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đầu vào và dịch vụ chuyên dụng cho nông nghiệp.
  • Hàng hóa, dịch vụ được cung cấp bởi hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
  • Hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu với mục đích viện trợ nhân đạo.
  • Các loại bảo hiểm liên quan đến con người.
  • Dịch vụ y tế; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.
  • Dịch vụ giảng dạy và đào tạo.
  • In và xuất bản báo, tạp chí và một số loại sách nhất định.
  • Các dịch vụ tài chính phái sinh và tín dụng (bao gồm phát hành thẻ tín dụng, cho thuê tài chính và bao thanh toán).
  • Hàng tạm nhập khẩu.
  • Quyền sử dụng đất.
  • Chuyển giao công nghệ, sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm, ngoại trừ phần mềm xuất khẩu.
  • Vàng miếng nhập khẩu chưa gia công thành trang sức.
  • Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng có ít nhất 51% giá thành sản xuất sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản, năng lượng.

Các loại hàng hóa, dịch vụ không phải kê khai, nộp VAT như sau (các mặt hàng này không bị đánh VAT đầu ra, tuy nhiên có thể khấu trừ VAT đầu vào có liên quan):

  • Tiền bồi thường, tiền thưởng và tiền hỗ trợ.
  • Các khoản thu tài chính.
  • Một số dịch vụ được cung cấp bởi các tổ chức nước ngoài không có PE (Permanent Establishment: cơ sở thường trú của doanh nghiệp) tại Việt Nam và được tiến hành bên ngoài Việt Nam, chẳng hạn như sửa chữa phương tiện vận tải; quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;...
Mức áp dụng VAT dành cho doanh nghiệp, tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

Ngoài ba mức thuế suất VAT như trên, trong năm 2022, do ảnh hưởng từ COVID-19, một số loại hàng hóa và dịch vụ được điều chỉnh thuế suất VAT từ 10% xuống mức 8%.

Phương pháp tính VAT

Đối với hoạt động kinh doanh thông thường, nghĩa vụ nộp VAT phải thực hiện với cơ quan thuế địa phương, nơi hoạt động kinh doanh diễn ra. Trong khi đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ thu VAT khi nhập khẩu.

Có 2 phương pháp kê khai VAT như sau:

  • Phương pháp khấu trừ (Credit method): VAT phải nộp được tính bằng số VAT đầu ra trừ cho số VAT đầu vào được khấu trừ. Phương pháp này được áp dụng cho doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật liên quan, trong 2 trường hợp sau: Doanh nghiệp có doanh thu tính VAT hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên; và Doanh nghiệp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ VAT.
Công thức tính VAT bằng phương pháp khấu trừ. Nguồn ảnh: ProFin.vn.
  • Phương pháp trực tiếp (Direct method): VAT phải nộp đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể được tính theo thuế suất VAT quy định. Phương pháp này được áp dụng cho 4 trường hợp sau: Doanh nghiệp có doanh thu tính VAT hàng năm dưới 1 tỷ đồng (không tính các tổ chức đăng ký tự nguyện kê khai theo phương pháp khấu trừ); Doanh nghiệp không thực hiện lưu trữ sổ sách kế toán đúng quy định và các tổ chức - cá nhân nước ngoài tiến hành kinh doanh không theo Luật Đầu tư; Cá nhân và hộ kinh doanh; Doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Công thức tính VAT bằng phương pháp trực tiếp. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

3 trường hợp đặc biệt được hoàn thuế

Về khía cạnh hoàn thuế, doanh nghiệp sẽ được cơ quan thuế hoàn VAT trong 3 trường hợp đặc biệt dưới đây. Trong những trường hợp khác, người nộp thuế sẽ phải chuyển số VAT đầu vào còn lại sang kỳ tiếp theo để tiếp tục khấu trừ.

  • Doanh nghiệp xuất khẩu có số thuế VAT đầu vào được khấu trừ từ 300 triệu đồng cho cả trường hợp xuất khẩu và dự án đầu tư mới, tùy theo điều kiện và giới hạn số tiền được hoàn lại.
  • Những dự án đầu tư mới đáp ứng đủ điều kiện quy định, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, và có số VAT đầu vào lũy kế trên 300 triệu đồng của các doanh nghiệp áp dụng nộp VAT theo phương pháp khấu trừ.
  • Một số dự án ODA (Official Development Assistance: hỗ trợ phát triển chính thức), đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao (diplomatic exemption) và hàng hóa tiêu dùng do người nước ngoài mua tại Việt Nam để sử dụng ở phạm vi quốc tế.

Các loại hóa đơn VAT

Về hóa đơn VAT, kể từ tháng 7/2022, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều bắt buộc phải triển khai hóa đơn điện tử. Có hai loại hóa đơn điện tử sau đây:

  • Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
  • Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về cách chuyển đổi hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp tại đường dẫn bài viết dưới đây:

Doanh nghiệp cần biết gì về Hóa đơn điện tử áp dụng từ tháng 11/2021?
Vừa qua, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tập huấn trực tuyến về HĐĐT. ProFin điểm lại một số nội dung chính liên quan đến việc chuyển đổi HĐĐT giúp kế toán doanh nghiệp tại các khu vực này có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

#3: Thuế nhà thầu nước ngoài (Foreign Contractor Withholding Tax - FCWT)

FCWT được áp dụng cho cá nhân - tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam theo hợp đồng, thỏa thuận với bên Việt Nam (nếu là là Nhà thầu chính), hoặc với một nhà thầu nước ngoài (nếu là Nhà thầu phụ). Thông thường, FCWT sẽ bao gồm cả CIT và VAT. Trong trường hợp nhà cung cấp nước ngoài là cá nhân thì thuế FCWT có thể sẽ kèm theo PIT (Personal Income Tax: thuế thu nhập cá nhân). Bạn có thể xem hình ảnh dưới đây về phạm vi áp dụng FCWT.

Phạm vi áp dụng FCWT. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

3 phương pháp tính thuế nhà thầu nước ngoài

FCWT có thể được kê khai bằng một trong ba phương pháp sau:

  • Phương pháp trực tiếp (Deemed method)
  • Phương pháp hỗn hợp (Hybrid method)
  • Phương pháp kê khai (Declaration method)

Trong khi phương pháp trực tiếp là cách phổ biến nhất do không cần điều kiện cụ thể nào đối với nhà thầu nước ngoài, thì phương pháp hỗn hợp và phương pháp kê khai yêu cầu nhà thầu nước ngoài phải đạt được những điều kiện sau:

  • Có cơ sở thường trú (PE) tại Việt Nam, chẳng hạn như văn phòng đại diện.
  • Có thời hạn hợp đồng từ 183 ngày trở lên.
  • Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam.
Kê khai thuế FCWT theo 3 phương pháp: trực tiếp, kê khai và hỗn hợp. Nguồn ảnh: ProFin.vn.
Tỷ lệ tính FCWT áp dụng theo phương pháp trực tiếp. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

Lưu ý:

Đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các hoạt động khác mà không có PE tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế và kê khai FCWT theo cơ chế riêng. Các doanh nghiệp này sẽ được cấp mã số thuế và kê khai thuế hàng quý qua Cổng Thông tin Điện tử của Tổng cục Thuế. Nếu các tổ chức này không trực tiếp đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam, thì những bên Việt Nam có liên quan với doanh nghiệp này như khách hàng Việt Nam, ngân hàng thương mại, công ty thanh toán trung gian,... phải thay mặt kê khai, báo cáo thuế cho cơ quan chức năng.

#4: Các loại thuế khác

Thuế tiêu thụ đặc biệt (special sales tax): Đây là loại thuế gián thu đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ không thiết yếu, gây hại cho sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

Thuế bảo vệ môi trường (environment protection tax): Đây là loại thuế gián thu đánh vào những loại hàng hóa, dịch vụ có tác động xấu đối với môi trường.

Mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho doanh nghiệp. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

Thuế tài nguyên (nature resource tax): Đây là loại thuế gián thu đánh vào những ngành nghề  khai thác tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, bao gồm: dầu mỏ, khoáng sản, lâm sản,... Tùy theo loại tài nguyên khai thác, mức thuế suất sẽ dao động từ 1%-35%, và được áp dụng trên mức sản lượng tài nguyên khai thác tính theo giá bán đơn vị sản phẩm.

Thuế tài sản (property tax): Đây là loại thuế đánh vào quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản. Các nhà đầu tư nước ngoài thường phải trả tiền thuê quyền sử dụng đất cho địa phương, hoặc nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho căn hộ sở hữu.

Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn