Góc nhìn Gọi vốn #1: Hiểu rõ cách thức định giá của quỹ đầu tư trước khi đàm phán

...

Kể từ khi thành lập vào năm 2013, VeXeRe đã trải qua 5 lần gọi vốn với 8 nhà đầu tư tham gia. Sau 9 năm, VeXeRe đang là đơn vị dẫn đầu mảng đặt vé xe ở Việt Nam.

Góc nhìn Gọi vốn #1: Hiểu rõ cách thức định giá của quỹ đầu tư trước khi đàm phán

Tính đến nay, số lượt truy cập hằng tháng của VeXeRe là 3 triệu, cao nhất trong ngành đặt vé xe khách trực tuyến. Công ty cũng là đơn vị hàng đầu cung cấp giải pháp SaaS (Software as a Service – Phần mềm như một dịch vụ) trong ngành, với hơn 700 nhà xe, 5.000 đại lý. VeXeRe cũng là đơn vị đấu nối với 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất, cùng các ví điện tử và công ty du lịch phổ biến trong nước để hỗ trợ đặt vé xe.

Quy mô thị trường vé xe Việt Nam rơi vào khoảng 2 tỷ USD/năm. Trong đó, lượng đặt mua vé trực tuyến chiếm hiện chiếm 5% với CAGR (Compound Annual Growth Rate: tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) khoảng 15%. Thương mại điện tử bán lẻ thường có mức trần 30% thị phần toàn ngành thì với đặt vé xe trực tuyến dự kiến có tỉ lệ cao hơn, có thể đạt mức 50% toàn bộ thị trường.

Mới đây, ProFin đã có cuộc trao đổi về quá trình gọi vốn trong 9 năm qua với ông Đào Việt Thắng, Giám đốc Phát Triển Thị Trường và Đồng sáng lập VeXeRe.

Lần đầu tiên gọi vốn của VeXeRe diễn ra như thế nào và định giá của công ty dựa trên đâu thưa ông?

Ông Đào Việt Thắng: Vào năm 2014, chúng tôi tiếp xúc với quỹ Cyberagent Ventures, bây giờ là Cyberagent Capital của Nhật Bản. Vì thủ tục hành chính thời điểm đó khá phức tạp, chúng tôi mất 6 tháng để hoàn thành vòng gọi vốn hạt giống.

Trong giai đoạn đó, việc tiếp cận các quỹ đầu tư chủ yếu qua các phương tiện truyền thông là chính. Thời điểm đó cũng chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm đến thị trường Việt Nam như hiện nay.

Với mô hình công ty internet trong giai đoạn 2012-2014 khá sơ khai, do vậy các quỹ đánh giá chúng tôi đang có lưu lượng truy cập tăng nhanh, tuy nhiên chưa rõ ràng trong thương mại hoá, cụ thể là bán vé.

Một trong các bài toán chúng tôi được yêu cầu phải giải để được đầu tư là thu hút 50 nhà xe tham gia đưa vé lên hệ thống bán hàng, và chúng tôi đã hoàn thành tiêu chí đó sớm hơn thời hạn.

Lượng truy cập ngày càng tăng của VeXeRe tính từ tháng 11/2022 - 1/2023. Nguồn ảnh: VeXeRe.

Vậy các lần gọi vốn sau đó thì VeXeRe  được định giá dựa trên các tiêu chí gì?

Ông Đào Việt Thắng: Kể từ lần thứ hai trở đi thì có nhiều phương pháp hơn. Cách phổ biến nhất là dựa trên GMV multiple (Gross Merchandise Value), tức là tổng giá trị hàng hoá được VeXeRe bán ra trong một khoảng thời gian nhất định trong quá khứ, đi kèm với dự báo tài chính trong 3-5 năm tới.

Chúng tôi sử dụng GMV multiple vì công ty internet khác các công ty truyền thống, cần phát triển nhanh lượng người sử dụng đủ lớn. Do đó, GMV multiple là thước đo quan trọng với mô hình VeXeRe nói riêng và công ty thương mại điện tử nói chung, đặc biệt là trong thời gian đang hoàn thiện sản phẩm và tăng trưởng.

Về phía VeXeRe, chúng tôi đưa ra các cột mốc đã và sẽ đạt được (ví dụ như GMV, doanh thu, lợi nhuận/thua lỗ) và đưa ra mức giá trao đổi. Các quỹ sẽ phản hồi lại và thương thảo đến khi đưa ra mức giá phù hợp cho đôi bên.

Định Giá Doanh Nghiệp #2: GMV là gì? Vì sao GMV được sử dụng để định giá các startup thương mại điện tử?
Trong chương trình Shark Tank, Shark Bình đã đề cập khi nói về một startup bị cho là “ngáo giá”: “Hệ số định giá một công ty ecommerce (thương mại điện tử) dựa trên GMV thông thường là 1 lần GMV năm”. Vậy thì định giá theo GMV là gì và startup cần biết gì về nó để chuẩn bị cho việc gọi vốn?

Có bao nhiêu hình thức gọi vốn và VeXeRe chọn hình thức nào?

Ông Đào Việt Thắng: Thị trường vốn đa dạng với nhiều cách khác nhau, phổ biến thì thường có:

  • Equity: đổi bằng cổ phần. Cổ phần có thể là phổ thông hoặc ưu đãi đặc biệt, kèm theo các điều kiện riêng.
  • Debt: Cái này thường dùng trong một số trường hợp sau, chẳng hạn như startup biết rằng cuối năm dòng tiền từ quỹ sẽ về, nhưng họ cần tiền xoay xở hoạt động kinh doanh cho đến khi nhận được tiền. Vậy nên họ sẽ sử dụng nợ, và nếu không có thế chấp thì phải trả lãi khá cao. Mô hình này chỉ sử dụng được khi đảm bảo dòng tiền về. Lý do là vì thời gian vay là ngắn hạn, chứ hiếm khi áp dụng thường xuyên vì startup công nghệ thường cần gọi vốn liên tục trong thời gian khá dài, có thể kéo dài nhiều năm, với nhiều rủi ro.
  • Convertible Debt: Đây là một dạng đặc biệt của Debt. Ví dụ startup đưa ra định giá là 5 triệu USD, thế nhưng quỹ chỉ chấp nhận mức định giá 3 triệu USD. Cả hai vẫn muốn làm việc với nhau nhưng không thống nhất được mức giá, do đó sẽ tiến hành cho vay nợ chuyển đổi trước, với lãi suất hai bên thỏa thuận trong khoản thời gian nhất định. Trong lần gọi vốn tiếp theo, nợ sẽ chuyển đổi thành equity dựa theo định giá của vòng đó, với một mức giảm giá nhất định cho nhà đầu tư ban đầu. Ngoài ra phương án này cũng có thể hữu dụng trong trường hợp startup cần tiền gấp, không thể đợi đến khi hoàn thành thủ tục pháp lý về vốn cổ phần mới được nhận tiền.

Thực tế trên thị trường vẫn còn nhiều phương pháp khác, ví dụ như vay nợ nhưng sẽ trả dần một tỷ lệ % dựa trên doanh thu mà startup bán được theo thời gian. Vì nhiều lý do, hiện tại chúng tôi vẫn chọn hình thức equity.

Ba nhà đồng sáng lập của VeXeRe. Từ trái qua phải: Ông Đào Việt Thắng, ông Trần Nguyễn Lê Văn và ông Lương Ngọc Long. Nguồn ảnh: VeXeRe.

Các quỹ thường muốn sở hữu bao nhiêu phần trăm?

Ông Đào Việt Thắng: Thông thường, các quỹ mạo hiểm mong muốn startup tăng trưởng tốt và nhanh để khoản đầu tư của họ sinh lợi tốt nhất trong 5-7 năm. Vậy nên, các quỹ sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ sáng lập dồn lực vào việc phát triển kinh doanh.

Họ thường sẽ tham gia cùng một startup với số vốn không quá lớn, nhằm đổi lấy cổ phần dao động từ 10% đến 30%. Họ cũng sẽ không tham gia vào hoạt điều hành hàng ngày. Thay vào đó, các quỹ thường sẽ muốn có 1 vị trí trong hội đồng quản trị. Họ cũng có thể mong muốn các quyền phủ quyết cơ bản và quan trọng để đảm bảo tiền đầu tư được sử dụng hợp lý, quyền lợi cơ bản của cổ đông được hỗ trợ.

Ở VeXeRe, chúng tôi được các nhà đầu tư hỗ trợ khá tốt, không tốn quá nhiều thời gian vào việc báo cáo thường xuyên cho các quỹ. Quả thật với 8 nhà đầu tư tham gia, nhờ có họ thấu hiểu, cùng hỗ trợ thì VeXeRe mới đạt được các thành quả như hiện nay.

Nhưng với 8 nhà đầu tư tham gia, chẳng lẽ chưa một lần họ xung đột quyền lợi với nhau ? Và hướng giải quyết của ông là gì?

Ông Đào Việt Thắng: Đôi lúc các nhà đầu tư sẽ có quan điểm khác nhau, ví dụ như mức giá và điều khoản của vòng gọi vốn mới, hoặc việc nên cố gắng để nhận tiền từ 1 nhà đầu tư chiến lược mới.

Sau một thời gian trao đổi ý kiến, các bên cũng đã lắng nghe và tìm được điểm chung để tiếp tục cùng đồng hành trên 1 con thuyền.

Có thể VeXeRe là trường hợp may mắn vì chúng tôi cố gắng lựa chọn các nhà đầu tư khá kỹ. Hơn thế nữa,họ đều là những người có tầm nhìn dài hạn, cố gắng cùng nhìn về phía start-up.

Zero to One #9: Gọi vốn đầu tư mạo hiểm - cơ hội và rủi ro với startup
Sau khi trải qua giai đoạn hạt giống, vốn từ nhà đầu tư thiên thần có thể không còn đủ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của startup nữa. Lúc này, đầu tư mạo hiểm có thể là sự lựa chọn tối ưu, tiếp thêm nguồn lực mạnh mẽ đưa startup lên tầm cao mới.

Khó khăn lớn nhất ở các vòng gọi vốn tiếp theo là gì?

Ông Đào Việt Thắng: Ở Việt Nam, thường thì các vòng gọi vốn lớn hơn sẽ có ít nhà đầu tư hơn. Đặc biệt số lượng quỹ các vòng từ Series B trở lên ở Việt Nam còn khá ít. Điều này dẫn đến start-up sẽ ít lựa chọn hơn, và phải nỗ lực chứng minh nhiều hơn.

Điều gì ông muốn chia sẻ với các nhà sáng lập khi gọi vốn?

Ông Đào Việt Thắng: Thông thường, đây là cuộc trao đổi trong bối cảnh thông tin không cân xứng. Nguyên nhân là vì các sáng lập của công ty khởi nghiệp thường không rành về đầu tư, định giá, điều khoản, … Về định giá, đa phần startup hoạt động trong lĩnh vực sản phẩm - dịch vụ mới, nên việc tìm kiếm thông tin của các công ty tương tự để so sánh không dễ.

Ở góc độ nhà sáng lập, tôi khuyên là các nhà sáng lập cần tìm hiểu, nắm bắt tình hình đầu tư công nghệ trên thị trường, các cách thức gọi vốn, các điều khoản thông thường trong hợp đồng đầu tư. Nếu các vòng đầu làm tốt về thỏa thuận điều khoản đầu tư, thì các vòng sau cũng sẽ dễ dàng hơn.

Đặc biệt, các nhà sáng lập nên tìm hiểu rõ về uy tín của nhà đầu tư tiềm năng, cách họ làm việc hay hỗ trợ các startup sau khi đầu tư, từ đó hạn chế các mâu thuẫn sau này.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục về Startup tại: Zero to One - ProFin
Theo: Đặng Công Sang / ProFin.vn