Góc nhìn Gọi vốn #2: OpenAI - Tổ chức đứng sau ChatGPT làm thế nào để được định giá hàng chục tỷ USD?

...

Trước khi được biết đến rộng rãi nhờ vào ChatGPT, OpenAI đã nhiều lần gọi vốn thành công và được định giá lên đến hàng chục tỷ USD.

Góc nhìn Gọi vốn #2: OpenAI -  Tổ chức đứng sau ChatGPT làm thế nào để được định giá hàng chục tỷ USD?

Tổng quan về OpenAI

Năm 2015, tỷ phú công nghệ Elon Musk, cựu Chủ tịch Y Combinator Sam Altman, Đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và Đồng sáng lập Paypal Peter Thiel đã thành lập OpenAI với số vốn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động, vì nhiều lý do khác nhau, Elon Musk đã thông báo rút khỏi Hội đồng Quản trị và chấm dứt mọi liên hệ trực tiếp đối với hoạt động điều hành của công ty.

Vào tháng 12/2022, OpenAi đã trình làng công cụ AI chatbot có tên là ChatGPT. Chỉ sau năm ngày phát hành, ChatGPT đã hơn có 1 triệu người dùng trên toàn cầu (trong khi Facebook phải mất đến 10 tháng mới đạt được cột mốc này), đồng thời viral trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến.

Thực chất, có nhiều công cụ AI chatbot ra đời trước đó, nhưng chưa có cái tên nào tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ như ChatGPT. Công cụ này có thể làm được nhiều thứ, từ việc đưa ra phản hồi cho các cuộc hội thoại đơn giản, cho đến các thao tác phức tạp hơn như viết bài luận hoặc lập trình. Thế nhưng, điều thật sự ấn tượng về chatbot này là khả năng bắt chước phong cách trò chuyện của con người, cũng như cung cấp những thông tin thú vị và mang tính thời sự.

Ở phần tiếp theo của bài viết, hãy cùng ProFin tìm hiểu về quá trình gọi vốn của OpenAI nhé.

Áp dụng mô hình “capped-profit” để thu hút nhà đầu tư và cách thức OpenAI kiếm tiền

Công ty ra đời với sứ mệnh phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI: Artificial General Intelligence), từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho con người. Ban đầu, công ty hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận với cái tên OpenAI Inc., thế nhưng, kể từ năm 2019, OpenAI bắt đầu vận hành dựa trên một mô hình đặc biệt được gọi là “capped-profit”.

OpenAI giải thích, mô hình này là sự kết hợp giữa hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Như vậy, công ty sẽ có thêm một nhánh hoạt động vì lợi nhuận là OpenAI LP (limited partnership: công ty gồm các thành viên hợp danh) và thuộc sự quản lý của OpenAI Inc. (nhánh phi lợi nhuận).

Như vậy, lợi nhuận phát sinh từ OpenAI LP khi vượt quá mốc hệ số nhân 100 lần sẽ được chuyển đến tổ chức phi lợi nhuận. Số tiền này sẽ sử dụng vào các chương trình giáo dục, cùng với các hoạt động liên quan đến quảng cáo vận động (advocacy work).

OpenAI đã sử dụng mô hình “capped-profit” để vừa thu hút nhà đầu tư, vừa tiếp tục theo đuổi mục tiêu phi lợi nhuận. Nguồn ảnh: OpenAI

Theo phân tích từ TechCrunch, việc chuyển đổi sang mô hình “capped-profit” sẽ giúp OpenAI (cụ thể là OpenAI LP) dễ dàng gọi vốn từ các nhà đầu tư. Thông thường, các quỹ đầu tư hiếm khi góp vốn vào những tổ chức phi lợi nhuận. Trong khi đó, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tổng hợp cần có số vốn lớn để đầu tư vào các thiết bị vận hành, cũng như đội ngũ nhân viên lành nghề.

Không chỉ vậy, đối thủ cạnh tranh của OpenAI đều là những tập đoàn khổng lồ như Google, Amazon,... Do đó, công ty buộc phải chuyển sang mô hình “capped-profit” để có được nguồn vốn nhằm duy trì hoạt động, đồng thời tiếp tục theo đuổi mục tiêu phi lợi nhuận đã đặt ra từ ban đầu.

Dù nghe qua có vẻ phức tạp, song tình hình thực tế cho thấy mô hình độc đáo này đã giúp công ty thu hút được nhiều nguồn vốn hơn. Theo thống kê từ Crunchbase, tính đến tháng 1/2023, OpenAI đã kêu gọi được 11 tỷ USD sau 6 vòng gọi vốn và được định giá gần 29 tỷ USD. Phần lớn nguồn vốn đến từ đối tác Microsoft và một số nhà đầu tư đáng chú ý khác là Matthew Brown Companies, Sequoia Capital, Tiger Global Management, và Andreessen Horowitz. Như vậy, công ty tạo ra ChatGPT đã trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất tại Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại.

Như vậy, với số vốn đã huy động được, câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu OpenAI đã bắt đầu tạo ra được doanh thu hay chưa? Bởi vì OpenAI là công ty tư nhân nên báo cáo tài chính của họ không được công bố rộng rãi như các công ty đại chúng. Do đó, rất khó để đưa ra nhận định chính xác về tiềm năng tăng trưởng của công ty. Tuy nhiên, OpenAI vẫn có doanh thu từ những nguồn như sau:

  • Phí cấp phép sử dụng (licensing fee).
  • Phí đăng ký dịch vụ hàng tháng.
  • Lợi nhuận từ quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về AI.

Cụ thể hơn, đối với công cụ tạo hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo Dall-E, mức giá để được cấp phép sử dụng cho mỗi hình ảnh dao động từ 0,016 USD - 0,020 USD.

Nguồn ảnh: OpenAI

Đối với công cụ chatbot đình đám, công ty đã nhanh chóng cho ra mắt phiên bản trả phí ChatGPT Plus, với mức giá 20 USD hàng tháng. Người dùng ChatGPT Plus sẽ được sử dụng công cụ này mọi lúc (phiên bản miễn phí chỉ có thể dùng khi lượng truy cập thấp), thời gian phản hồi nhanh hơn và được ưu tiên sử dụng trước các tính năng mới.

Một nguồn thu khác của công ty có thể đến từ quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Được biết, vào tháng 5/2021, OpenAI đã thành lập quỹ OpenAI Startup Fund với giá trị 100 triệu USD nhằm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp thuộc mảng công nghệ. Sam Altman - CEO OpenAI chia sẻ, cách thức hoạt động của quỹ này không giống với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cụ thể hơn, quỹ sẽ đầu tư số vốn lớn vào một vài công ty, đồng thời dự kiến số lượng sẽ không vượt quá hai con số.

Tiềm năng lớn mạnh nhờ vào thương vụ tỷ đô với Microsoft

Công ty đứng sau ChatGPT đang có nhiều tiềm năng phát triển do có sự hậu thuẫn của tập đoàn công nghệ khổng lồ Microsoft. Vào cuối năm 2019, hãng công nghệ Microsoft công bố hợp tác với OpenAI và rót vốn 1 tỷ USD vào công ty. Trang Business Insider đưa tin, vào tháng 1/2023, Microsoft thông báo đầu tư thêm 10 tỷ USD vào OpenAI.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, chiến lược hợp tác với OpenAI sẽ giúp Microsoft nâng cao vị thế cạnh tranh với một đối thủ sừng sỏ là Google. Cụ thể hơn, ChatGPT sẽ được tích hợp vào các sản phẩm của hãng như Bing Search, Office, trình duyệt Edge và hệ điều hành Windows. Thời gian qua, doanh thu chủ yếu của Microsoft đến từ dịch vụ đám mây. Các sản phẩm công cụ tìm kiếm và trình duyệt web của tập đoàn dù đang có dấu hiệu tăng trưởng, song thị phần vẫn còn thấp so với Google.

Bên cạnh nguyên nhân phía trên, theo Forbes, Microsoft đầu tư vào OpenAI còn vì lợi ích dài hạn đối với cơ sở hạ tầng đám mây của hãng là Microsoft Azure. Khi cả hai trở thành đối tác, Microsoft sẽ trở thành đối tác độc quyền cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho OpenAI, đồng thời cùng nhau phát triển công nghệ siêu máy tính AI. OpenAI sẽ cấp phép một số công nghệ của mình cho Microsoft nhằm mục đích thương mại hóa. OpenAI sẽ chuẩn hóa tất cả các ứng dụng AI của họ trên nền tảng Azure.

Sam Altman - CEO OpenAI (bên trái) và Satya Nadella - CEO Microsoft (bên phải). Nguồn ảnh: Microsoft

Ngoài ra, thương vụ hợp tác này sẽ mang lại cơ hội để OpenAI ứng dụng những công nghệ đang phát triển cho các khách hàng lớn của Microsoft. Chẳng hạn như các ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn trên thế giới đang áp dụng AI vào quy trình chăm sóc khách hàng, cũng như phòng chống các hành vi lừa đảo và gian lận. Khi xét về khía cạnh này, sự bắt tay này sẽ giúp Microsoft và OpenAI đạt được tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Cuối cùng, Microsoft đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI: Artificial General Intelligence). Đây được xem là một sự đổi mới và nâng tầm của công nghệ AI. Những loại AI phổ biến trước đây là trí tuệ nhân tạo phạm vi hẹp (ANI: Artificial Narrow Intelligence) với khả năng sử dụng thuật toán để xử lý các thao tác đơn giản. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo tổng hợp là hệ thống tự chủ và có thể làm các nhiệm vụ phức tạp hơn, chẳng hạn như phân tích và lập chiến lược. Bạn có thể tìm hiểu thêm về trí tuệ nhân tạo tổng hợp tại bài viết Autonomous Finance (tài chính tự chủ) - mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nghiệp vụ tài chính - kế toán.

CFO Insights #2: Autonomous Finance - 3 điều CFO cần làm để chuyển đổi thành công
Theo kết quả khảo sát của Gartner, 64% CFO tin rằng mô hình autonomous finance (tạm dịch: tài chính tự chủ) sẽ được hiện thực hóa trong vòng 6 năm tới.

Cho đến nay, vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định về mức độ thành công của OpenAI trong tương lai. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận, đó là OpenAI đã thành công bước đầu khi áp dụng mô hình “capped-profit” để thu hút nhà đầu tư. Với sự hậu thuẫn từ Microsoft và mức độ lan tỏa của ChatGPT, OpenAi hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tổng hợp vào thời gian tới.

Đọc các bài viết khác cùng chuyên mục tại: https://www.profin.vn/tag/goc-nhin-goi-von/
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn