Passport to Finance #1: Kế toán viên tại Đại Lý Thuế - Nền tảng lý tưởng để khởi nghiệp?

...

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Tịnh - Co-Founder và CEO Đại lý Thuế TPM, vị trí kế toán viên ở Đại lý Thuế mang lại nhiều lợi ích cho các bạn trẻ, đặc biệt là những ai có ý định khởi nghiệp hoặc thành lập công ty riêng.

Passport to Finance #1: Kế toán viên tại Đại Lý Thuế - Nền tảng lý tưởng để khởi nghiệp?
Giới thiệu series
Passport to Finance là chuỗi bài chia sẻ từ các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính. ProFin.vn hy vọng loạt bài này sẽ là “tấm hộ chiếu” giúp các bạn có được định hướng nghề nghiệp vững chắc, đồng thời có thêm tự tin để chắp cánh đến thế giới Tài chính thú vị và đầy màu sắc.

Ở bài viết đầu tiên của chuỗi bài này, ProFin đã có cơ hội trao đổi với anh Nguyễn Ngọc Tịnh - Co-Founder và CEO Đại lý Thuế TPM (Tax Partner & More), về lộ trình phát triển sự nghiệp của kế toán viên tại các công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán chuyên nghiệp.

Anh có thể cho biết công việc của kế toán viên tại đại lý thuế thì có điểm gì khác biệt so với các doanh nghiệp thông thường?

Về bản chất, công việc kế toán và kiểm toán khá đơn giản vì đã có sẵn những quy định, chuẩn mực để tuân theo. Do đó, khi bắt đầu đi làm, với quy trình đào tạo nội bộ từ doanh nghiệp cùng lượng kiến thức đã học từ 4 năm Đại học, các kế toán viên và kiểm toán có thể làm quen và thành thạo công việc nhanh chóng.

Tuy nhiên, đối với kế toán viên tại đại lý thuế (hoặc còn gọi là công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán chuyên nghiệp) thì mọi việc phức tạp hơn một chút. Nguyên nhân là vì ngoài việc nắm bắt các quy định chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán, họ còn phải tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và các quy định pháp lý. Điều đó nghĩa là công tác hành nghề của họ không những phải làm tốt về công tác kế toán, mà còn phải giỏi kiến thức về thuế. Vậy nên, họ luôn trăn trở làm thế nào để hành nghề đúng, đủ và tuân thủ quy định của pháp luật.

Về mặt chuyên môn, nhân sự tại bộ phận kế toán của một doanh nghiệp có thể chuyển sang đại lý thuế làm việc và ngược lại. Vì lẽ đó, hai vị trí này có sự giao thoa với nhau về đối tượng khách hàng, cũng như ở góc độ tuyển dụng nhân sự. Vì kế toán ở doanh nghiệp hay đại lý thuế đều tạo ra sản phẩm là những báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế và các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Dẫu vậy, cả hai vị trí này vẫn có một số điểm khác biệt nhất định.

Khi làm việc tại các công ty cung cấp dịch vụ, các kế toán viên sẽ được rèn luyện về kỹ năng làm việc nhóm, cũng như làm việc độc lập. Trong khi ở các doanh nghiệp có xây dựng và tổ chức bộ phận kế toán, các bạn kế toán viên thường sẽ không có sự quyết đoán và độc lập khi đưa ra quyết định về mặt chuyên môn. Họ thường phải tham khảo, hỏi thăm ý kiến cấp trên hoặc các phòng ban liên quan, chứ hiếm khi được quyền tự đưa ra quyết định. Ngoài ra, công việc của kế toán viên ở các doanh nghiệp thường tuân theo một khuôn khổ nhất định, mang tính lặp lại và không mang tính thử thách cao.

Kế toán viên tại công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán sẽ có nhiều cơ hội và phát triển bản thân. Nguồn ảnh: Pavel Danilyuk / Pexels.

Ở các công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán chuyên nghiệp, các kế toán viên phải làm việc với nhiều đối tượng khách hàng đến từ những nhóm ngành, lĩnh vực, quy mô khác nhau. Điều đó sẽ giúp các bạn có thể mở rộng mối quan hệ, cũng như giúp các bạn trở nên dạn dĩ hơn, kỹ năng giao tiếp và đàm phán được nâng cao hơn. Vì lẽ đó, khi đối mặt với những vấn đề phát sinh, các bạn kế toán viên tại đại lý thuế có thể tự tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết “nỗi đau” của khách hàng. Dĩ nhiên, về mặt pháp lý, kế toán viên tại đại lý thuế có thể tự đưa ra quyết định vì họ đã có đủ giấy tờ chứng nhận hành nghề độc lập.

Hơn nữa, khi tìm kiếm những cơ hội việc làm chất lượng, các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao những kế toán viên hội tụ những kỹ năng trên. Trong bối cảnh ngày nay, những doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng tốt, nhằm không phải mất thời gian và công sức đào tạo lại từ đầu.

Cuối cùng, đối với những bạn trẻ ấp ủ mong muốn khởi nghiệp, vị trí kế toán viên ở các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp là một nền tảng rất tốt. Bên cạnh việc hiểu rõ cách thức vận hành của một doanh nghiệp, như đã tôi vừa nói, kế toán viên ở công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp sẽ có điều kiện trưởng thành nhanh chóng về mặt chuyên môn và kỹ năng, đồng thời có thể mở rộng mối quan hệ. Đây đều là những yếu tố quan trọng mà một người đứng đầu doanh nghiệp cần có.

Theo anh, đâu là những yếu tố quan trọng mà một kế toán viên cần có?

Đầu tiên là kiến thức chuyên môn, tùy vào từng cấp độ chuyên môn khác nhau, công ty và bản thân người kế toán viên cần có những kế hoạch cụ thể và thích hợp, nhằm phân phối công việc và trau dồi năng lực. Ví dụ, một bạn mới ra trường nếu bị cấp trên giao một nhiệm vụ quá khó và phức tạp, bạn ấy sẽ mất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành so với một bạn có nhiều kinh nghiệm hơn.

Thứ hai là ngoại ngữ, tối thiểu là hai thứ tiếng, bao gồm tiếng Anh cộng với một ngôn ngữ khác, chẳng hạn như tiếng Trung, Nhật hoặc Hàn. Tại các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, các kế toán viên sẽ phải làm việc với khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu không có ngoại ngữ, việc giao tiếp và làm việc với khách hàng nước ngoài sẽ rất khó khăn.

Thứ ba là kỹ năng giao tiếp và thuyết trình. Nếu có kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ mà không có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình thì khó mà thuyết phục khách hàng đồng ý hợp tác. Theo nhận định của tôi, nhiều bạn trẻ ngày nay đã được trau dồi kỹ năng này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy nên, đây cũng không phải là một vấn đề gì quá khó khăn cả.

Cuối cùng là kỹ năng ứng dụng công nghệ. Đây là một kỹ năng tất yếu trong bối cảnh phát triển ngày nay. Các bạn trẻ nên tìm hiểu và tận dụng những công nghệ mới mẻ để xử lý công việc hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Bên cạnh những kỹ năng về chuyên môn, các kế toán viên ngày nay nên học cách ứng dụng công nghệ để giải quyết công việc nhanh chóng hơn. Nguồn ảnh: Christina Morillo / Pexels.

Anh Tịnh có thể chia sẻ về lộ trình thăng tiến khi làm Kế toán viên tại các công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán chuyên nghiệp được không?

Cơ hội thăng tiến của kế toán viên tại các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp phụ thuộc phần lớn vào chính nỗ lực của người đó và chiến lược, cách vận hành của người đứng đầu doanh nghiệp.

Để trưởng thành hơn trong công việc đối với những bạn sinh viên mới ra trường, đòi hỏi các bạn phải trải qua những vị trí và thực hiện những công việc theo năng lực chuyên môn của mình. Do vậy, tôi sẽ đưa ra lộ trình thăng tiến tại Đại lý Thuế TPM cho các bạn dễ hình dung hơn, cụ thể như sau:

  • Chuyên viên
  • Chuyên viên cao cấp
  • Trưởng nhóm
  • Trưởng phòng
  • Trưởng Bộ phận

Cụ thể hơn, các bạn có kinh nghiệm không nhiều sẽ đảm nhận xử lý các báo cáo tài chính hoặc khai báo thuế hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Những nhân sự có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm hơn sẽ đảm nhận những nhiệm vụ phức tạp hơn, chẳng hạn như soát xét thuế, due diligence, giao dịch liên kết, mua bán và sáp nhập (merger and acquisition), tư vấn thuế, tư vấn pháp lý cho các dự án lớn (điện mặt trời, rác thải,...). Với những dự án quy mô lớn như vậy, các bạn kế toán viên cần óc nền tảng chuyên môn vững vàng và có nhiều kinh nghiệm, vì tính chất các dự án này là cần phải làm việc với rất nhiều bộ, ban ngành Nhà nước. Do đó, những kế toán viên nhiều kinh nghiệm, sở hữu nền tảng chuyên môn vững chắc, cũng như có đủ các kỹ năng mềm mới hoàn thành tốt những dự án lớn như thế.

Chuyển giá #2: Hiểu tất tần tật về giao dịch liên kết?
Rõ ràng các quy định trong quản lý giao dịch liên kết, hay thường được gọi là chuyển giá, có tác động lớn đến doanh nghiệp. Vậy làm sao để xác định doanh nghiệp có phải là đối tượng điều chỉnh của quy định về chuyển giá hay không? Nếu

Để có thể thăng tiến và tiếp cận với các dự án quy mô lớn, kế toán viên cần có mức độ “thẩm thấu” về mặt chuyên môn. Để đạt được điều  đó, kế toán viên cần trải qua một thời gian làm việc nhất định. Nếu chưa đủ thời gian trau dồi năng lực và tự hoàn thiện bản thân, một chuyên viên kế toán sẽ khó có thể làm tốt khi bước lên vị trí chuyên viên cao cấp hoặc trưởng nhóm. Thông thường, trong khoảng 2-3 năm đầu, các bạn sẽ làm việc tại vị trí chuyên viên hoặc chuyên viên cao cấp. Sau 3-7 năm thì có thể bước lên vị trí trưởng nhóm, kể từ 7-10 năm kinh nghiệm trở lên thì có thể trở thành chuyên gia hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Như vậy, điều quan trọng là bạn xác định được đâu là đích đến sự nghiệp mà bạn muốn đạt được. Khi đó, bạn có thể vạch ra kế hoạch cụ thể và rõ ràng. Giả sử bạn muốn trở thành chuyên gia hoặc mở công ty riêng, kế toán viên tại công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán sẽ là lựa chọn phù hợp hơn so với các doanh nghiệp xây dựng bộ máy kế toán và có tính chuyên môn hóa cao.

Đâu là những chứng chỉ hành nghề mà kế toán viên tại đại lý thuế cần có?

Đầu tiên, dĩ nhiên là bằng cử nhân chuyên ngành kế toán, hoặc một số ngành khác có liên quan. Kế đến là những loại chứng chỉ hành nghề, chẳng hạn như Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, Chứng chỉ hành nghề kế toán (CPA: Certified Public Accountants), Chứng chỉ Kiểm toán viên,... Ngoài những chứng chỉ trên thì các bạn có thể thi thêm một số chứng chỉ hành nghề quốc tế như ACCA, CMA hoặc CFA,... để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Dân Tài chính học gì #1: CMA - Bậc thang đầu tiên để đến gần hơn với vị trí CFO
Nếu đang có dự định nâng cao chuyên môn để tiến xa hơn trong lĩnh vực tài chính - kế toán, hoặc trở thành CFO trong tương lai, chứng chỉ hành nghề quốc tế CMA là một công cụ có thể giúp bạn hiện thực hóa điều đó.

Nhìn chung, đối với kiểm toán viên làm việc tại công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán chuyên nghiệp, việc sở hữu những chứng chỉ trên được xem là một thước đo quan trọng. Theo tôi, trước khi quyết định thi lấy những chứng chỉ trên, bạn nên cân nhắc xem bản thân có muốn gắn bó dài lâu với nghề này hay không. Bởi vì những chứng chỉ này không dễ để thi đậu, bạn phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức để học tập. Không chỉ vậy, nội dung thi của các chứng chỉ này không chỉ gói gọn ở kiến thức mang tính học thuật, mà còn có các chủ đề yêu cầu thí sinh phải có kinh nghiệm làm việc thực tiễn mới có thể giải được. Vì thế, nếu như vẫn chưa chắc chắn về mức độ cam kết với nghề, nhiều khả năng bạn sẽ mất động lực và bỏ cuộc giữa chừng trong quá trình luyện thi. Như vậy, bạn vừa mất thời gian vừa mất công sức mà không đạt được gì cả.

Anh Tịnh nhận định thế nào về tiềm năng phát triển của các đại lý thuế ở Việt Nam trong tương lai?

Hiện nay, cả nước có hơn 857.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 98% Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường tìm đến những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán - thuế chuyên nghiệp, với mong muốn tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời không phải tốn nhiều công sức xây dựng bộ máy kế toán nội bộ.

Lúc trước, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với không ít rủi ro khi thuê kế toán bên ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là vì nhiều người làm kế toán viên với mục đích gia tăng thu nhập, thế nhưng họ lại không có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo bài bản về mặt kiến thức chuyên môn, cũng như không có kinh nghiệm giải quyết tình huống các tình huống khác nhau có thể phát sinh. Điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ gặp không ít rắc rối nếu xảy ra những sai sót liên quan đến hóa đơn - chứng từ. Do vậy, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng tìm đến những đơn vị cung cấp dịch vụ thuế - kế toán chuyên nghiệp, nhằm tối ưu chi phí và tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.

Hơn nữa, việc thành lập công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán chuyên nghiệp đã được kiểm soát chặt chẽ hơn bởi quy định pháp lý. Cụ thể hơn, phải có ít nhất 02 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp, cũng như yêu cầu bắt buộc phải cập nhật đủ 24 giờ trong một năm mới có thể đăng ký hành nghề. Thế nên, trong thời gian tới, những công ty cung cấp dịch vụ kế toán - thuế chuyên nghiệp sẽ xuất hiện nhiều hơn, đồng thời chất lượng cũng sẽ được đảm bảo hơn.

Anh Tịnh có lời khuyên gì dành cho những bạn có dự định trở thành kế toán viên tại đại lý thuế?

Như tôi vừa nói, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang ngày càng tăng lên, dẫn đến các công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán chuyên nghiệp cũng xuất hiện nhiều hơn. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng kế toán viên ở các công ty cung cấp dịch vụ cũng nhiều hơn. Điều này dẫn đến các bạn sinh viên mới ra trường sẽ không phải lo lắng về vấn đề không có việc làm, song tỷ lệ cạnh tranh giữa các ứng viên cũng vì thế mà tăng lên. Vì lẽ đó, các bạn cần trau dồi năng lực chuyên môn, kiến thức học thuật và kỹ năng mềm để nâng cao vị thế cạnh tranh.

Một vấn đề quan trọng khác các bạn cần lưu ý là việc lựa chọn công ty tốt để làm việc. Một công ty có danh tiếng tốt sẽ là một công ty tốt, vì ở đó các bạn có cơ hội được trải nghiệm, học hỏi và chế độ phúc lợi tốt. Trước khi đến phỏng vấn hoặc bắt đầu thử việc, các bạn nên truy cập vào website của công ty đó để tìm hiểu về lịch sử hoạt động, các sản phẩm - dịch vụ họ cung cấp và đội ngũ nhân sự.

Tiếp theo, đó là hãy tìm kiếm một người mentor. Đó có thể là cấp trên trong công ty hoặc một anh chị thuộc tổ chức khác. Tuy nhiên, một mentor là cấp trên sẽ dễ để các bạn học hỏi và chia sẻ với họ hơn là một người thuộc công ty khác. Đôi khi, mentor không nhất thiết phải là một người lớn tuổi hơn, đó có thể là một người đồng nghiệp bằng tuổi hoặc nhỏ hơn. Yếu tố quan trọng làm nên một người mentor là bạn có thể học hỏi được nhiều thứ từ họ, cũng như được họ truyền cảm hứng và động lực với nghề.

Điều quan trọng là tìm cho mình một người mentor giỏi giang và truyền cảm hứng. Nguồn ảnh: ProFin.vn được cung cấp bởi anh Nguyễn Ngọc Tịnh.

Cuối cùng là tính kiên nhẫn. Thật ra thì ngành nào cũng cần đức tính này, nhưng một người kế toán viên cần có tính kiên nhẫn và chịu khó cao. Bởi vì khi làm công việc này, bạn phải dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu văn bản pháp lý và các loại báo cáo. Một kế toán viên tư vấn dịch vụ thuế phải nắm rõ về Luật Quản lý thuế, mà trong Luật Quản lý thuế còn có rất nhiều nghị định, thông tư cần ghi nhớ. Ngoài ra, mỗi sắc thuế sẽ đi kèm với một luật thuế riêng. Do đó, lượng thông tin cần phải ghi nhớ và tra cứu rất nhiều. Nếu không có tính kiên nhẫn và chịu khó thì rất khó để làm tốt công việc tư vấn dịch vụ thuế - kế toán cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của anh Tịnh!

***Chú thích:
- Các tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được gọi tắt là Đại lý thuế.
- Người hành nghề trong tổ chức đại lý thuế gọi tắt là “kế toán viên”, thuật ngữ này dùng để chỉ những người có chứng chỉ và không có chứng chỉ hành nghề đang làm việc tại Đại lý thuế.
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn