Silicon Valley Bank: Hành trình từ "hero to zero" (Phần 1)

...
Silicon Valley Bank: Hành trình từ "hero to zero" (Phần 1)
Nguồn ảnh: Reuters

Vào năm 1983, tức là tròn 40 năm trước, trong khi chơi poker và uống rượu với nhau tại Silicon Valley - California Mỹ, hai anh chàng Robert Medearis và Bill Biggerstaff, đã nảy ra ý tưởng thành lập một ngân hàng phục vụ cho nhóm startup công nghệ. Ngân hàng ấy được đặt tên là Silicon Valley Bank (SVB), nhà sáng lập là hai ông bạn rượu chơi poker.

Phải nói rằng cặp đôi này đã có một cú all-in đẹp: mô hình kinh doanh của họ cực kỳ thành công. Thung lũng Silicon đã trở thành cái nôi cho các công ty công nghệ, những công ty này kiếm được số tiền “tấn” dù họ cũng phải đốt tiền trong thời gian dài. Đáng chú ý, một số trong số tiền “tấn” đó, khi chưa kịp đốt đã được gửi vào SVB.

SVB tập trung toàn lực vào lĩnh vực công nghệ và các startup công nghệ: Huy động từ họ và cũng cho họ vay, đầu tư mồi cũng vào đấy với yêu cầu phải giao dịch độc quyền với SVB. Gần 60% danh mục cho vay của SVB dành cho các công ty Venture Capital (VC - quỹ đầu tư mạo hiểm) và Private Equity (PE - công ty tư nhân chưa niêm yết), 15% là các khoản cho vay mua nhà của các cá nhân thu nhập cao từ Silicon Valley, 25% dành cho các công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Private equity
Private equity (gọi tắt là “PE”) là hoạt động đầu tư vốn vào các công ty có cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa được giao dịch công khai.

Vào những năm 2020-2021, trái ngược với nền kinh tế chung, lĩnh vực công nghệ tại Mỹ bước vào giai đoạn tăng trưởng bùng nổ. Với khẩu hiệu chống lại Covid, một lượng tiền “dễ dãi” chưa từng thấy trong lịch sử đã được bơm vào hệ thống tài chính, thông qua các chương trình cứu trợ và nới lỏng định lượng (Quantitative Easing). Một lượng tiền đáng kể trong số đó được rót vào các công ty công nghệ. Dù trong giai đoạn dịch bệnh, chỉ số Nasdaq-100 đã tăng gần gấp đôi trong hai năm này. Các startup thì đua nhau thực hiện các đợt IPO và phát hành riêng lẻ thành công cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Tiền “dễ dãi” không thiếu. Chỉ thiếu lý do để tiêu.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi SVB cũng đạt mức tăng trưởng vượt bậc. Tiền gửi của khách hàng đã tăng hơn gấp ba lần trong khoảng thời gian đó và đạt khoảng 173 tỷ USD, tổng tài sản (TA: Total Assets) đạt 216 tỷ USD cuối năm 2022, đưa SVB trở thành ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ (và thứ hai ở California).

Cổ phiếu SVB tăng 3 lần trong 4 năm vượt các đối thủ. Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

Cho đến lúc này, mọi thứ đều thật tốt đẹp! Ngân hàng nào cũng vui khi khách hàng gửi nhiều tiền. Rắc rối, nếu có, đó là việc phải quyết định đầu tư tiền vào đâu để trả được lãi và có nguồn lợi nhuận tốt cho các ông chủ ngân hàng. Đó mới là câu chuyện!

Mô hình kinh doanh mọi ngân hàng đều giống nhau: Đó là huy động tiền gửi và sử dụng số tiền này dưới hình thức cho vay, hoặc mua chứng từ có giá với lãi suất cao hơn. Ở Thung lũng Silicon lúc ấy, điều này hóa ra lại có một chút vấn đề: hầu hết các công ty khởi nghiệp ở đây dù đốt tiền rất khủng khiếp nhưng không hề thiếu tiền. Tốc độ đốt tiền thậm chí không theo kịp tốc độ các nhà đầu tư bơm tiền vào. Bởi đồng tiền dễ dãi in quá nhiều được tạo hứng khởi bởi các tấm gương “kỳ nhông” công nghệ thành công. Sóng tiền sau đè sóng tiền trước nên họ chỉ có nhu cầu gửi, mà nhu cầu vay thì ít.

SVB huy động được gần 173 tỷ USD từ khách hàng, với lãi suất bình quân là 0,2%/năm (kỳ hạn bình quân theo như tôi dự đoán dưới 12 tháng) và SVB cho vay khoảng 74 tỷ USD, tương đương với khoảng 35% TA mà thôi.

Phần còn lại, SVB quyết định đầu tư vào chứng khoán. Tất nhiên họ không mua cổ phiếu kiểu dùng Margin. Họ mua chứng khoán thu nhập cố định với độ tin cậy cao là trái phiếu Kho bạc (TPKB) hoặc chứng khoán nợ đảm bảo bằng các khoản vay mua nhà thế chấp (MBS: Mortgage-Backed Securities). Vấn đề là kỳ hạn nào và thời điểm nào. Lãi suất trong giai đoạn 2019-2021 được FED “đạp xuống” gần 0%, với danh nghĩa cứu nền kinh tế khỏi suy thoái do Covid. Mua TPKB kỳ hạn 1-2 năm thì lãi suất cũng xấp xỉ 0% . Thế thì có mà “móm!”.

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

Sau đó, SVB tìm lối thoát bằng cách đầu tư vào TPKB và MBS với kỳ hạn dài (5 - 10 năm) để được hưởng lãi suất cao hơn.

Kể cả cho đến lúc này, trừ việc Duration Gap (Phương pháp khe hở thời lượng tập trung vào việc đánh giá chênh lệch giữa thời lượng của tài sản và nợ phải trả, từ đó xác định tác động của thay đổi lãi suất tới giá trị ròng (chênh lệch giữa giá trị của tổng tài sản và giá trị của tổng nguồn vốn) của ngân hàng) không được bảo hiểm (mà bảo hiểm Gap thì vô vàn cách làm), còn lại tôi cho rằng bảng cân Tổng kết Tài sản (B/S) của SVB nhìn cực đẹp: TA là 216 tỷ USD; Thanh khoản mạnh: 120 tỷ USD, gần 60% TA đầu tư vào chứng khoán thanh khoản cao, rủi ro thấp (bình quân ngành ở Mỹ: 24%); Trong đó TPKB và TP Đô thị 22% và MBS 78% (MBS của Citi hay JPMorgan khoảng 30%). Held To Maturity (HTM) - Giữ đến ngày đáo hạn - chiếm 76% và 24% Available For Sale (AFS) - sẵn sàng để bán; Cho vay 35% tổng tài sản và 5% là tài sản khác cùng tiền mặt. Xem chi tiết tại hai hình ảnh dưới đây (H.3 & H.4) .

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

Các chỉ số an toàn đều vượt chuẩn theo báo cáo: CAR (hệ số xác định năng lực ngân hàng)= 16,2%, Tier 1 CAR=  15,4% trên chuẩn tương ứng 8% và 6% (H.4).

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

Thu dịch vụ ngoài lãi của SVB cũng không tồi: chiếm 30% tổng thu nhập. ROE ( lợi nhuận trên vốn) =10%-13%. ROAA: 0,8%-1,3% các năm 2022-2021.

Ngân hàng thanh khoản quá mạnh, cơ cấu thu nhập tương đối đẹp, độ an toàn Bảng Tổng kết Tài sản (BTKTS) cao!

Một con tàu lớn, mạnh mẽ và an toàn. Vào lúc ấy - tất nhiên, khi xung quanh nó là “biển tiền” chứ không phải “bãi bùn lầy”.

Chỉ một thứ “lợn cợn”: Chênh lệch kỳ hạn lãi suất (Interest Rate Duration Gap) giữa Tài sản Có (ngày 31/12 các năm 2021 và 2022 lần lượt là 3,7 và 5,6 năm) và Tài sản Nợ (<12 tháng). Gap cứ tăng dần và quá lớn. Thêm vào đó tỷ trọng HTM không được Marked To Market (M2M) quá cao. Và kỳ lạ SVB không Hedge (Bảo hiểm) Gap này! Những ngân hàng thanh khoản cao bảo hiểm rủi ro Gap (chênh lệch kỳ hạn) cực kỳ dễ. Nhưng lãnh đạo SVB lại không làm.

Mãi năm 2021-2022 SVB mới thử đa dạng hóa nguồn thu bằng cách vay vốn kỳ hạn dài, nhưng số lượng chỉ 2,5% TA quá nhỏ để có thể thay đổi tình hình. Không hiểu vì sao lại vay dài ít thế.

Tuy nhiên trong thời đại tiền tệ “dễ dãi”, rủi ro ấy dường như không tồn tại. Ai nói còn bị cười là nhát gan.

Cho đến khi Covid bị chặn lại và bước vào thời kỳ New Normal (giai đoạn bình thường mới) thì vòng quay vốn tăng lên. Green Transformation (xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh) và chiến tranh Ukraine đã thổi bùng giá năng lượng. Bóng ma lạm phát bao phủ toàn cầu. Các NHTW (ngân hàng trung ương) buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Khác các lần trước, lần này do lỡ bơm tiền ào ạt rồi không thể rút ngay sợ “shock” nên các NHTW thắt chặt tiền tệ nửa vời: Lãi suất tăng mạnh nhưng tiền trong lưu thông rút về từ từ tránh sốc thanh khoản - hay còn gọi là Thắt lưng nới bụng. TA các NHTW Mỹ Âu đều giảm chậm. Chỉ có Mỹ đi đầu trong trò chơi này.

Khi thị trường biến động tiêu cực xảy ra cộng hưởng, cả hai Bảng Tổng kết Tài sản (B/S) mất cân đối Gap đánh nặng nề vào Báo cáo Thu nhập Chi phí (P/L) dẫn đến nguy cơ thua lỗ.

  • Huy động không những khó hơn mà còn bị rút nhanh;
  • Khi tiền tệ bị thắt chặt, huy động suy giảm và các khoản RMBS (Chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp nhà) và CMBS (Chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp thương mại) mất giá bởi Tài sản Cơ sở là các khoản vay thế chấp xuống chất lượng do năng lực trả nợ vay khách hàng kém đi cùng với Cash Flow - dòng tiền - mất giá do chiết khấu lãi suất cao hơn. Thua lỗ tiềm ẩn tăng mạnh (H.5);
Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.
  • Một trong các nhóm nạn nhân đầu tiên là giới công nghệ và Start Up: khó gọi vốn để đốt tiền tiếp và giá cổ phiếu cũng suy giảm bởi lãi suất tăng nhanh. Đành rút tiền ngân hàng ra để đốt chờ thời. Các khoản đầu tư vào VC và PE công nghệ cũng như khả năng trả nợ vay của nhóm này kém đi nên chất lượng tín dụng cũng xuống.

Từ đó, SVB trở thành nạn nhân.

Bắt đầu từ 2022 quá trình này diễn ra và ngày càng mạnh tại SVB. Khách hàng rút tiền khỏi SVB 25 tỷ USD năm 2022. Sang năm 2023 còn tệ hơn: 3 tháng năm 2023 số tiền rút ra là 30 tỷ USD.

Huy động vốn vay bắc cầu không thành, SVB phải bán 21 tỷ USD AFS (Tài sản chính sẵn sàng để bán) lấy tiền chi trả và ngay lập tức lỗ 1,8 tỷ USD. Các nhà đầu tư ngoại suy đoán rằng nếu có nhiều khoản tiền gửi bị rút ra, SVB phải bán tiếp tài sản thì sẽ hiện thực hoá và phát lộ nhiều khoản lỗ hơn, lỗ HTM chắc chắn cao hơn AFS.

Thông tin rò rỉ ra ngoài đẩy SVB vào vòng xoáy bị rút tiền hàng loạt, chỉ trong ngày 09/03 số tiền khách hàng đòi rút là 42 tỷ USD, bằng với 25% lượng vốn huy động (H.6).

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

Theo số liệu thống kê ngành ngân hàng, thì một NHTM (ngân hàng thương mại) nếu bị rút hàng loạt (Bank Run) từ 25% nguồn vốn huy động trở lên thì gần như 100% phá sản… Trường hợp nào thoát được là rất hy hữu. SVB không phải là ngoại lệ: SVB chính thức bị phá sản do mất khả năng chi trả. Sau đó, FDIC vào cuộc nắm quyền điều hành ngân hàng này để tìm cách bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

(Còn tiếp)

Bài viết được trích dẫn, biên tập từ bài đăng trên Facebook của anh Lý Xuân Hải. ProFin.vn đã nhận được sự cho phép của tác giả trước khi đăng bài.