Silicon Valley Bank: Hành trình từ "hero to zero" (Phần 2)

...

Ở phần 1, tác giả Lý Xuân Hải đã tóm tắt sơ về quá trình hình thành, phát triển và sự sụp của SVB chỉ sau 2 năm hoàng kim lúc dịch bệnh diễn ra. Ở phần này, tác giả sẽ phân tích sâu hơn các nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chóng vánh đó.

Silicon Valley Bank: Hành trình từ "hero to zero" (Phần 2)
Nguồn ảnh: Reuters

SVB gặp những rủi ro nào để ra nông nỗi này?

#1: Rủi ro tập trung - Bỏ trứng vào một rổ

SVB tập trung toàn bộ vào một ngành, một khu vực địa lý Silicon Valley và một nhóm khách hàng ở đó. Huy động, cho vay, đầu tư… tất cả đều chỉ phục vụ cho nhóm khách hàng này.

Khoảng 91% danh mục cho vay trị giá 74 tỷ USD của SVB là dành cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân, các công ty công nghệ/khoa học đời sống/chăm sóc sức khỏe và các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao đang điều hành và đầu tư vào các quỹ này ở Thung lũng Silicon. Tỷ lệ huy động từ nhóm này còn cao hơn nữa - xấp xỉ 100%. Bình quân số dư tiền gửi/khách hàng là 4,2 triệu USD. Số dư được bảo hiểm chỉ có 250.000 USD. Kết quả là trong 173 tỷ USD tiền gửi có tận 152 tỷ USD không được FDIC (Công ty bảo hiểm ký thác Liên bang của Mỹ) bảo hiểm. Những khách hàng được bảo hiểm toàn bộ chỉ gửi có 4,8 tỷ USD. Mức độ cô đặc rất cao. Nhóm khách hàng này cũng bị chính sách tiền tệ thắt chặt, từ đó biến thành doanh nghiệp zombie khá nhiều. Xem thêm bài viết các doanh nghiệp zombie của tác giả Lý Xuân Hải tại đường dẫn dưới đây.

Đại dịch doanh nghiệp zombie lan tràn khắp thế giới
Khi chính sách tiền tệ dễ dãi đã không còn, các doanh nghiệp zombie đồng loạt lộ diện, đặt ra thách thức lớn cho các chính phủ.
Bài viết Đại dịch doanh nghiệp Zombie của tác giả Lý Xuân Hải.

Không may cho SVB, các lĩnh vực tập trung nhiều doanh nghiệp zombie nhất ở Mỹ lại nằm trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ và chăm sóc sức khỏe… Đây là khu vực SVB tập trung đầu tư gần như toàn bộ tài sản. Chưa kể lĩnh vực Crypto không được giới NHTW thích thú gì. B/S của SVB có quá nhiều Zombies (H.7).

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

#2: Rủi ro thanh khoản

SVB không thực hiện bất kỳ hành động hay kịch bản nào để bảo hiểm rủi ro thanh khoản khắc phục Duration Cash Flow Gap - thường dài hơn Duration Interest Rate Gap. Lý do có lẽ bởi lãnh đạo SVB tin rằng tiền tệ sẽ vẫn dễ dãi và còn dễ dãi hơn nữa kèm theo lãi suất tiếp tục giảm, thanh khoản vẫn tiếp tục tăng.

Khi bán 21 tỷ USD trái phiếu AFS (tài sản sẵn sàng để bán) , số lỗ hiện thực hoá 1,9 tỷ USD làm các chỉ số an toàn dưới chuẩn. Vậy nên, vào ngày 08/03/2023, lãnh đạo SVB tìm cách huy động vốn cổ đông 2,25 tỷ USD để bù nhưng đã quá muộn và buộc phải dừng lại. Họ đem 19 tỷ USD tài sản thanh khoản cao của mình đi thế chấp vay 15 tỷ USD nhưng lãi suất thị trường “quá hớp”: 4,17% trong khi danh mục trái phiếu thu nhập chỉ gần 1,8% - lỗ ròng gần 2,4%. Kể cả có vay được thì cũng chỉ như “uống thuốc độc giải khát” khiến tình trạng tồi tệ hơn, vì khó ngăn nằm ở việc rút vốn và rút giấy phép: SVB không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn.

Rủi ro Thanh khoản và Lãi suất luôn song hành. Đừng quên bài học ấy!

#3: Rủi ro lãi suất

SVB cho vay 35% TA ( tổng tài sản) trong đó có  43% huy động, 60% TA đầu tư vào chứng khoán lãi suất cố định với 76% trong số đó là HTM ( đầu tư lãi suất đến ngày đáo hạn). Chênh lệch Duration Lãi suất là 5 năm! SVB vô cùng nhạy lãi suất do chênh lệch Duration lớn tạo đòn bẩy dài.

Điều ấy gây thua lỗ lớn ở Tài khoản AOCI (Accumulated Other Comprehensive Income: Thu nhập toàn diện tích lũy khác) khi lãi suất tăng. Có rất ít người chú ý chuẩn mực này trong Báo cáo Tài chính.

AOCI là một tài khoản nằm trong phần vốn chủ sở hữu của Bảng tổng kết Tài sản. Nó thể hiện các khoản lãi/lỗ tích lũy chưa hiện thực hoá. Khi một khoản lãi/lỗ hiện thực hoá, nó sẽ được chuyển ra khỏi AOCI và xuất hiện trong thu nhập/lỗ ròng.

Rủi ro lãi suất
Rủi ro lãi suất (Interest Rate Risk) là rủi ro phát sinh từ sự thay đổi của lãi suất ảnh hưởng đến các khoản đầu tư.

Một trong các yêu cầu khắt khe với các “ngân hàng quan trọng ảnh hưởng tầm hệ thống” là các chỉ số rủi ro liên quan đến vốn phải được tính toán thận trọng hơn khi hạch toán AOCI: Danh mục tín dụng, đầu tư phải được M2M để hạch toán vào AOCI không phụ thuộc đó là AFS hay HTM.

Việc "vận động hành lang" để thoát khỏi nhóm này (sẽ nói ở dưới), SVB được hạch toán chứng khoán HTM ở nguyên giá và dường như không bị lỗ. Theo chuẩn ấy các chỉ số an toàn của SVB mới đẹp như mơ ở trên. Nếu hạch toán đủ thì AOCI của SBV bao gồm cả HTM vào tháng 9 năm 2022 đã đạt xấp xỉ 16 tỷ USD, ăn hết vốn chủ sở hữu và các chỉ số an toàn bằng 0. Chỉ là bút toán kế toán thôi mà! (H.8 ).

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

AOCI của toàn bộ ngành ngân hàng Mỹ hiện nay là 620 tỷ USD!!! (H.9)

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

AOCI hạch toán đúng, đủ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn bản chất của danh mục đầu tư, thì SVB đã được chẩn bệnh và điều trị sớm hơn tránh đổ vỡ. Theo tôi, nói chung tất cả đều nên áp dụng chuẩn này của AOCI.

#4: Rủi ro chính sách

SVB tích cực "vận động hành lang" để không đưa mình vào nhóm “ngân hàng quan trọng ảnh hưởng tầm hệ thống”, vốn phải tuân thủ chặt các chuẩn mực khắt khe về thanh khoản như Liquidity Coverage Ratio (Hệ số Chi trả nhanh - LCR -(H.10)) và Net Stable Funding Ratio (Chỉ số Nguồn vốn Ổn định Ròng - NSFR). Chuẩn mực LCR yêu cầu ngân hàng nắm giữ tài sản thanh khoản siêu cao đảm bảo khả năng chi trả cộng dồn cho 30 ngày. NSFR yêu cầu các ngân hàng phải có nguồn vốn dài hạn, ổn định để giảm rủi ro thanh khoản khi tiền đột ngột bị rút đi.

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải.

Khái niệm này sau GFC 2008 được cựu Tổng thống Obama đưa ra nhằm giám sát tốt hơn các ngân hàng lớn, được định nghĩa là TA từ 50 tỷ USD trở lên. Dưới sức ép của một số ngân hàng cỡ vừa, cựu Tổng thống Donald Trump nâng lên thành 250 tỷ USD vào năm 2018. Chính việc nâng mức TA tối thiểu của ông Trump đã giúp SVB thoát khỏi “vòng kim cô” yêu cầu quản lý thanh khoản hà khắc này. Bản thân SVB không tự xây dựng cho mình hệ thống quản lý nội bộ tương tự mà lại rất lỏng lẻo. Điều ấy đã làm SVB không có hệ thống cảnh báo rủi ro sớm dẫn đến khi phát hiện bệnh đã quá muộn. Ông Trump hiện đang bị chỉ trích vì điều này. Của đáng tội các chuẩn LCR hay NSFR không áp đặt các tiêu chuẩn của Gap lãi suất, mà chỉ của Gap thanh khoản, dù chúng rất gần. Chắc sẽ bổ sung sau.

#5: Rủi ro cơ cấu tổ chức

Laura Izurieta, CRO (Chief Risk Officer: Giám đốc Quản trị rủi ro) của SVB, đột ngột từ chức vào tháng 4/2022. Sau đó, trong suốt cả một năm SVB không tuyển người thay thế vị trí đó. Mãi đến đầu năm 2023 mới có CRO mới.

Trong khi đó, FED yêu cầu như sau:

“Một công ty nắm giữ ngân hàng có tổng tài sản hợp nhất từ ​​50 tỷ USD trở lên phải bổ nhiệm một giám đốc quản trị rủi ro có kinh nghiệm trong việc xác định, đánh giá và quản lý mức độ rủi ro của các công ty tài chính lớn, phức tạp.”

CRO của các định chế hoạt động tài chính chuyên kinh doanh rủi ro có vai trò cực kỳ đặc biệt. Thông thường, cùng với CFO, CRO là người hiếm hoi được quyền và có nghĩa vụ báo cáo HĐQT vượt cấp cả CEO nếu thấy cần thiết và rủi ro cao. SVB đã không có CRO trong suốt 1 năm. Như máy bay không radar, tàu cập cảng không ai dắt.

#6: Rủi ro đạo đức hay con người

Việc nắm giữ HTM quá nhiều, tỷ lệ quá cao và chỉ có tăng là một dấu hiệu gây nghi ngờ tính chuẩn mực của Bảng Tổng kết Tài sản và Báo cáo Hoạt động kinh doanh. Năm 2021 SVB đã từng chuyển 8,8 tỷ USD AFS sang HTM để khỏi M2M hạch toán lỗ. Thế nhưng, việc chuyển ấy đã đánh động giới đầu tư và cũng bị M2M khi chuyển nên sang 2022 SVB dừng việc này (của đáng tội rất nhiều NHTM Mỹ làm điều này nhưng do có bảo hiểm và hành động tích cực nên hậu quả không cháy nhà chết người).

CEO SVB liên tục thuyết phục để SVB nằm ngoài nhóm “ngân hàng quan trọng ảnh hưởng tầm hệ thống” để không phải hạch toán HTM vào AOCI. Lãnh đạo SVB đang bị quy lỗi đạo đức nghề nghiệp. Các giám đốc điều hành của SVB đã bán 84 triệu USD cổ phiếu SVB trong hai năm qua. CEO Greg Becker đã bán 29,5 triệu USD kể từ năm 2021 và 11 ngày trước khi SVB sụp đổ đã bán hơn 3,5 triệu USD.

Cùng thời điểm đó, Daniel Beck đã bán 575.000 USD theo cơ chế tương tự.

Laura Izurieta trước khi rời SVB đã bán lượng cổ phiếu hơn 4 triệu USD vào tháng 12/2021.

Việc bán diễn ra đúng quy trình, luật pháp theo cơ chế đăng ký bán tự động từ trước do SEC thiết lập để ngăn chặn giao dịch nội gián. Thế nhưng, điều ấy không xoá tan nghi ngờ: không rõ liệu CEO và CFO, CRO có biết SVB sắp sụp đổ? SEC (Uỷ ban chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ) đang xem xét lại các giao dịch này để tìm xem có giao dịch nội gián không. Đây lại là một dấu hiệu nghi ngờ rủi ro đạo đức.

Và cuối cùng là tôi không thể hiểu nổi vì sao SVB không bảo hiểm rủi ro lãi suất với quy mô lớn như vậy! Họ tin tiền tệ “dễ dãi” còn lâu và lạm phát là nhất thời? Dường như họ tin mù quáng rằng lãi suất sẽ còn đi xuống, như khi đã từng tuyên bố sẽ cơ cấu danh mục theo chiều lãi suất xuống? Cuối năm 2020, các báo cáo nội bộ cũng như bên ngoài đã khuyến nghị SVB phải mua trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn, tuy nhiên lãnh đạo SVB đã bỏ qua khuyến cáo ấy. Vì sao? Chắc chỉ họ mới biết, có thể do CFO và CRO hoặc quá non tay hoặc quá quan liêu.

Kỷ nguyên tiền tệ “dễ dãi” đâu thể tồn tại mãi. Năm 2019-2020 tôi đã dự báo kỷ nguyên này chỉ kéo dài 3-7 năm nữa là “sinh chuyện”. Tôi không nghĩ rằng các nhà kinh tế làm việc ở SVB lại không dự báo được điều đó!

Nhưng thôi đó là chuyện khác. Giờ kể ra chỉ là “vuốt đuôi khi sự việc đã rồi”. Lịch sử chỉ khác đi một chút là “hai pockerman có khi lại là người hùng”. Phân tích để mà phân tích cho vui thôi.

Quả đúng là “hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai!”

Cả 6 rủi ro cùng cộng hưởng lên SVB một lúc.

Diễn biến “nhanh như điện”… SVB sụp đổ trong ngơ ngác.

(Còn tiếp)

Bài viết được trích dẫn, biên tập từ bài đăng trên Facebook của anh Lý Xuân Hải. ProFin.vn đã nhận được sự cho phép của tác giả trước khi đăng bài.