Finance Business Partner Manager

...
Finance Business Partner Manager
Nguồn ảnh: PR Factory Images

Quản lý đối tác kinh doanh (Finance Business Partner Manager) là gì?

Quản lý đối tác kinh doanh có vai trò đưa ra lời khuyên về tài chính cho các quản lý không thuộc phòng ban tài chính, chẳng hạn như bộ phận nhân sự hoặc marketing. Do vậy, phạm vi công việc của quản lý đối tác kinh doanh khá rộng lớn khi phải hỗ trợ cho tất cả phòng ban trong công ty.

Với tính chất công việc như trên, quản lý đối tác kinh doanh buộc phải có hiểu biết sâu sắc về đặc thù ngành nghề và bức tranh tài chính tổng quan của doanh nghiệp, nhằm đưa ra giải pháp hữu ích để giải quyết các vấn đề đang gặp phải.

Nhiệm vụ của Quản lý đối tác kinh doanh (Finance Business Partner Manager)

  • Thiết lập các chiến lược tài chính thông qua việc xây dựng mô hình dự báo  dòng tiền, lợi nhuận, chi phí, xu hướng tài chính và các tình huống có thể phát sinh.
  • Cung cấp insights hữu ích cho các phòng ban khác từ hoạt động đánh giá, phân tích cơ hội và rủi ro do thị trường mang lại.
  • Xây dựng và kiểm soát việc thực hiện các quy trình tài chính.
  • Xem xét, kiểm tra báo cáo tài chính nhằm đảm bảo tính chính xác và tuân thủ các chuẩn mực.
  • Báo cáo cho ban điều hành cấp cao về những vấn đề đã phát hiện được, đồng thời đưa ra đề xuất và giải pháp.
  • Đào tạo và hướng dẫn cho các nhân viên thuộc phòng ban quản lý đối tác kinh doanh.

Yêu cầu cơ bản để trở thành Quản lý đối tác kinh doanh (Finance Business Partner Manager)

#1: Bằng cấp

Về khía cạnh học thuật, đầu tiên đó là bằng Cử nhân thuộc chuyên ngành như kinh tế, kế toán, tài chính, toán học hoặc một số ngành học khác có liên quan. Một lợi thế tiếp theo là sở hữu một số chứng chỉ hành nghề quốc tế khác như CPA Úc, CIA, CFA,... hoặc bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA).

Dân Tài chính học gì #2: CFA - Những điều bạn cần biết về tiêu chuẩn “vàng” của giới đầu tư tài chính
Nếu đang có dự định nâng cao kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng chỉ CFA là sự lựa chọn phù hợp mà bạn nên cân nhắc.

#2: Kỹ năng cứng

  • Kỹ năng lập mô hình tài chính và định giá: Quản lý đối tác kinh doanh cần biết cách xác định giá trị tài sản (bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu,...), đồng thời thiết lập các mô hình dự báo về những tình huống có thể phát sinh và tác động đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp.
  • Kỹ năng phân tích: Quản lý đối tác kinh doanh cần biết cách phân tích dữ liệu tài chính, nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin, cũng như xác định tình hình tài chính của doanh nghiệp.

#3: Kỹ năng mềm

  • Kỹ năng giải quyết vấn đề: Sau khi xác định được vấn đề mà tổ chức đang gặp phải, điều quan trọng tiếp theo mà quản lý đối tác kinh doanh cần làm là tìm ra phương pháp.
  • Kỹ năng đưa ra quyết định: Sau khi đánh giá và phân tích các thông tin liên quan, quản lý đối tác kinh doanh cần nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau để đưa ra đề xuất cho các phòng ban khác.
  • Tập trung vào chi tiết: Quản lý đối tác kinh doanh cần xem xét kỹ các dữ liệu tài chính để phát hiện các vấn đề, đồng thời đảm bảo thông tin được truyền tải đến các bộ phận khác chính xác và đầy đủ.
  • Kỹ năng giao tiếp: Với tính chất công việc phải làm việc với nhiều phòng ban, quản lý đối tác kinh doanh cần biết cách giao tiếp khéo léo (thông qua trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp), cũng như khả năng lắng nghe chủ động.
  • Kỹ năng quản lý đối tác: Ở cương vị quản lý đối tác kinh doanh, kỹ năng quản lý đối tác rất cần thiết do phải làm việc với các phòng ban khác trong nội bộ doanh nghiệp.

Lộ trình thăng tiến, thu nhập bình quân và cơ hội chuyển ngành của Quản lý đối tác kinh doanh (Finance Business Partner Manager)

#1: Lộ trình thăng tiến và thu nhập bình quân hàng năm

Thông thường, lộ trình thăng tiến của Quản lý đối tác kinh doanh sẽ theo thứ tự sau:

  • Junior Finance Business Partner (dưới 3 năm kinh nghiệm làm việc).
  • Senior Finance Business Partner (4-6 năm kinh nghiệm làm việc).
  • Finance Business Partner Manager (hơn 6 năm kinh nghiệm làm việc).
  • Head of Finance Business Partner / CFO (hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc).

Về mức thu nhập, theo kết quả thống kê được công bố vào năm 2023 bởi Manpower Việt Nam, mức lương bình quân của Quản lý đối tác kinh doanh rơi vào khoảng 60 - 130 triệu VNĐ/tháng, tùy theo đặc thù của từng doanh nghiệp và số năm làm việc.

#2: Cơ hội chuyển ngành

Nếu có nhu cầu chuyển ngành sau một vài năm gắn bó với công việc quản lý đối tác kinh doanh, dưới đây là một số cơ hội nghề nghiệp mà bạn có thể cân nhắc:

  • Quản trị rủi ro (Risk management)
  • Tư vấn quản lý cho doanh nghiệp (Consulting)
  • Quản lý chiến lược doanh nghiệp (Corporate Strategy Manager)
  • Trưởng phòng phân tích tài chính (Financial Planning & Analysis Manager)
Theo: Phong Nguyễn / ProFin.vn