Auditor

...
Auditor

Kiểm toán viên (Auditor) là gì?

Theo Luật kiểm toán độc lập năm 2011, kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.

Kiểm toán viên (external auditor) là những cá nhân được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc những chứng chỉ quốc tế được công nhận bởi Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, kiểm toán viên hành nghề là những kiểm toán viên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Thông thường, các kiểm toán viên được tìm đến nhằm hạn chế những xung đột lợi ích, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng khi tiến hành quy trình kiểm toán.

Khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, kiểm toán độc lập có vai trò bảo vệ quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư khỏi gian lận tài chính của các công ty đại chúng. Được biết, kể từ những biến cố tài chính toàn cầu như bong bóng dotcom hoặc bê bối kiểm toán của tập đoàn năng lượng Enron, vai trò của kiểm toán viên trở nên quan trọng khi các công ty đại chúng buộc phải tuân theo Đạo luật Sarbanes-Oxley được Hoa Kỳ ban hành vào năm 2002. Cũng từ thời điểm đó, các Big4 như PwC bắt đầu tách riêng hai mảng tư vấn dịch vụ quản lý và kiểm toán để hạn chế xung đột lợi ích.

Lược sử Big4 #1: PwC - Hành trình vươn mình từ một công ty kế toán nhỏ tại Anh trở thành Big4 toàn cầu
Từ một công ty dịch vụ kế toán có quy mô nhỏ tại Anh, PwC đã làm gì để có thể trở thành một trong bốn đối tác tư vấn dịch vụ kiểm toán lớn nhất toàn cầu?

Bên cạnh công việc kiểm toán độc lập là kiểm toán nội bộ, vậy đâu là sự khác biệt giữa hai công việc này? Nhìn chung, tính chất công việc không có quá nhiều khác biệt vì sản phẩm cuối cùng đều là báo cáo kiểm toán. Dẫu vậy, báo cáo kiểm toán nội bộ sẽ được ban quản lý cấp cao sử dụng với mục đích cải thiện hiệu suất, quy trình vận hành và những chính sách của doanh nghiệp. Trong khi đó, báo cáo từ bên kiểm toán độc lập sẽ cung cấp cho đối tượng bên ngoài đơn vị được kiểm toán với nhiều mục đích khác nhau.

Nhiệm vụ của kiểm toán viên

Sau khi nhận được quyền truy cập vào báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên sẽ bắt đầu thực hiện 5 nhiệm vụ chính như sau:

  • Lập kế hoạch kiểm toán: Kiểm toán viên cần hiểu rõ tính chất đặc thù của lĩnh vực, cũng như nhóm đối tượng khách hàng chính của đơn vị được kiểm toán trong quá trình đánh giá những rủi ro có liên quan. Bên cạnh đó, trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán, các kiểm toán viên sẽ chỉ tham gia ở những lĩnh vực mà họ có đủ năng lực chuyên môn và điều kiện theo quy định của pháp luật.
  • Tiến hành các thủ tục kiểm toán: Sau khi tìm hiểu các quy định có liên quan đến kế toán của công ty, kiểm toán viên sẽ tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động, nhằm phát hiện các rủi ro và sai sót trọng yếu.
  • Đánh giá kết quả kiểm toán: Ở bước này, kiểm toán viên sẽ sử dụng một số biện pháp kiểm soát để giảm thiểu rủi ro, cũng như xác định tình trạng báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Lúc này, kiểm toán viên có vai trò quyết định xem nên dùng biện pháp nào, những kết quả thu được có ý nghĩa gì, đồng thời đưa ra nhận định của họ về các sai sót trọng yếu tìm được.
  • Thảo luận về kết quả kiểm toán với các bên liên quan: Kiểm toán viên cần phải cần phải cung cấp một bản báo cáo kết quả kiểm toán, nhằm giải thích về những vấn đề đã phát hiện được cho các bên liên quan. Báo cáo kiểm toán cần có tính chi tiết, rõ ràng để giúp các bên liên quan hiểu rõ mọi thông tin quan trọng có liên quan đến sức khỏe tài chính của tổ chức.
  • Lập hồ sơ kiểm toán: Hồ sơ kiểm toán độc lập cần trình bày kỹ quy trình kiểm toán, những vấn đề đã phát hiện và đề xuất cải thiện. Hồ sơ này sẽ được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho những đợt kiểm toán độc lập tiếp theo.
Kiểm toán viên được tìm đến nhằm hạn chế những xung đột lợi ích, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng. Nguồn ảnh: Getty Images.

Yêu cầu công việc kiểm toán độc lập

#1: Bằng cấp

Về khía cạnh học thuật, đầu tiên đó là bằng Cử nhân thuộc chuyên ngành như kinh tế, kế toán, tài chính, toán học hoặc một số ngành học khác có liên quan. Một lợi thế tiếp theo là sở hữu một số chứng chỉ hành nghề quốc tế khác như CPA Úc, CIA, CFA,... hoặc bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA).

Dân Tài chính học gì #6: CIA - Cơ hội nâng cấp sự nghiệp kiểm toán
Với chứng chỉ CIA, bên cạnh việc nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, mà còn có cơ hội chạm đến những vị trí cấp cao trong phòng ban kiểm toán.

#2: Kỹ năng cứng

  • Phân tích tài chính: Với lượng công việc chính là phân tích báo cáo tài chính, kiểm toán viên buộc phải có kiến thức chuyên môn vững vàng về phân tích tài chính, nhằm xác định xu hướng và những yếu tố rủi ro, cũng như đưa ra giải pháp cải thiện.
  • Phân tích kiểm soát nội bộ: Kiểm toán viên độc lập buộc phải quen thuộc với quy trình kiểm toán nội bộ để làm tốt công việc của mình. Cụ thể hơn, kiểm toán viên cần có năng lực phát hiện những giao dịch và tài sản đáng ngờ, cũng như tác động đối với báo cáo tài chính.
  • Tìm kiếm thông tin: Quy trình kiểm toán độc lập sẽ phải làm việc với đơn vị được kiểm toán thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau. Do đó, kiểm toán viên cần có kỹ năng tìm kiếm thông tin về các vấn đề phức tạp, nhằm đưa ra ý kiến về tính chính xác của báo cáo tài chính và các thông tin liên quan.
  • Kỹ năng viết báo cáo: Kỹ năng viết báo cáo chi tiết và rõ ràng sẽ giúp kiểm toán viên dễ dàng truyền đạt và giải thích vấn đề cho đơn vị được kiểm toán. Không chỉ vậy, các hồ sơ kiểm toán độc lập còn được lưu trữ lại như một tài liệu tham khảo cho những đợt kiểm toán tiếp theo.

#3: Kỹ năng mềm

  • Kỹ năng giải quyết vấn đề: Kiểm toán viên cần có khả năng giải quyết vấn đề nhằm phân tích, đánh giá những vấn đề phức tạp trong các tài liệu tài chính. Không chỉ vậy, đây cũng là kỹ năng cần có để thiết lập các thủ tục kiểm toán và đánh giá rủi ro.
  • Tập trung vào chi tiết: Đối với công việc kiểm toán độc lập, ngay cả một chi tiết nhỏ cũng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác của quy trình kiểm toán. Vì lẽ đó, kiểm toán viên cần xem xét kỹ mọi chi tiết trong mọi tình huống, dù là đang xem xét các tài liệu, phỏng vấn ban quản lý hoặc quan sát quá trình kiểm toán.
  • Kỹ năng giao tiếp: Kiểm toán viên cần có kỹ năng giao tiếp để thấu hiểu nhu cầu của các đơn vị được kiểm toán. Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng có vai trò đặt ra những câu hỏi nhạy bén khi tiến hành kiểm toán, cũng như thảo luận về giải pháp và các vấn đề mà không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến cá nhân.
  • Tuân thủ những chuẩn mực: Kiểm toán viên cần nắm rõ và tuân thủ nghiêm ngặt những chuẩn mực kiểm toán, cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán - kiểm toán được đặt ra bởi Bộ Tài chính Việt Nam.

Lộ trình thăng tiến, thu nhập và cơ hội chuyển ngành của kiểm toán viên độc lập

#1: Lộ trình thăng tiến và thu nhập bình quân

Theo GlassDoor thì lộ trình thăng tiến của kiểm toán viên sẽ như sau:

  • Auditor (dưới 2 năm kinh nghiệm làm việc).
  • Senior Auditor (2 -4 năm kinh nghiệm làm việc).
  • Lead Auditor / Audit Manager / Associate Director of Auditing (5 - 7 năm kinh nghiệm làm việc).
  • Director of Audits / Chief Auditor / Principal Auditor / Senior Director of Auditing /Vice President of Auditing  (hơn 8 năm kinh nghiệm làm việc).

Về mức thu nhập bình quân tại Việt Nam, không có thống kê cụ thể về mức lương cho từng cấp độ của kiểm toán viên. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát được công bố vào đầu năm 2023 bởi Manpower, thu nhập bình quân của vị trí Audit Manager dao động từ mức 40 - 100 triệu đồng/tháng, trong khi đó mức lương trung bình của Audit Director rơi vào khoảng 60 -120 triệu đồng/tháng.

#2: 3 cơ hội chuyển ngành cho giới kiểm toán độc lập

Nếu có dự định muốn chuyển sang một công việc khác sau vài năm gắn bó với công việc kiểm toán, dưới đây là 3 cơ hội sự nghiệp mà bạn có thể tham khảo.

Consulting (Tư vấn quản lý cho doanh nghiệp)

Đối với nhiều kiểm toán viên, đây là lựa chọn phổ biến nhất khi họ có kế hoạch chuyển ngành. Trong khi kiểm toán viên có vai trò kiểm tra, đánh giá các báo cáo tài chính nhằm đảm bảo tính chính xác và tuân thủ theo các quy định, còn nhân viên tư vấn (consulting) có nhiệm vụ xác định những rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải và đưa ra giải pháp. Các Big4 hoặc những công ty cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý cho doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng vị trí này.

Công việc tư vấn cho doanh nghiệp bao gồm nhiều khía cạnh, chẳng hạn như tài chính, chiến lược, vận hành, quản trị hoặc công nghệ. Bên cạnh đó, tư vấn viên sẽ làm việc theo dự án có tính chất và quy trình khác nhau, tùy vào nhu cầu của từng nhóm khách hàng.

Risk Management (Quản trị rủi ro)

Thông thường, công tác quản trị rủi ro doanh nghiệp, đặc biệt là kiểm toán nội bộ, có mối liên quan ít nhiều với quy trình kiểm toán. Tùy thuộc vào vị trí và đặc thù của từng công ty, vai trò quản trị rủi ro sẽ có thể là xem xét bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp nhằm xác định những rủi ro có thể phát sinh, hoặc là làm việc trong một bộ phận cụ thể trong công ty.

Transaction Services (Tư vấn thương vụ)

Đối với các kiểm toán viên có dự định chuyển sang một vị trí thuộc front-office, mảng tư vấn thương vụ có thể là một lựa chọn thích hợp. Nhiệm vụ chính của công việc này là hướng dẫn các doanh nghiệp tiến hành các thương vụ, chẳng hạn như M&A (merger and acquisition: sáp nhập và hợp nhất) hoặc due diligence (thẩm định chuyển sâu).

M&A
M&A là một thuật ngữ mô tả việc hợp nhất các doanh nghiệp hoặc tài sản thông qua các giao dịch tài chính khác nhau.
Theo: Phong Nguyễn / ProFin.vn