Passport to Finance #4: Corporate Strategy Manager – Hiểu rộng tiến xa với nghề dẫn dắt thương vụ M&A

...

Theo chia sẻ của anh Nam Anh – Former Corporate Strategy Manager, công việc này dù thử thách và áp lực cao, song mang lại rất nhiều kiến thức và mối quan hệ khi thực hiện những thương vụ M&A.

Passport to Finance #4: Corporate Strategy Manager – Hiểu rộng tiến xa với nghề dẫn dắt thương vụ M&A

Ở bài viết này, hãy cùng ProFin tìm hiểu về lộ trình sự nghiệp đến với vị trí dẫn dắt thương vụ M&A của anh Đinh Lê Nam Anh – Former Corporate Strategy Manager. Được biết, anh Nam Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, định giá doanh nghiệp và dẫn dắt thương vụ tại Big4, quỹ đầu tư và các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ.

Anh có thể chia sẻ về quyết định theo đuổi công việc Corporate Strategy không?

Tôi tốt nghiệp bậc cử nhân cả hai chuyên ngành Tài chính và Quản trị tại Đại học Virginia ở Mỹ. Tương tự như các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này ở Mỹ, mục tiêu sự nghiệp của tôi là làm việc trong các investment banking (ngân hàng đầu tư) hoặc lĩnh vực consulting (tư vấn). Đây là công việc đáng mơ ước, thứ nhất là vì cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp ở các tổ chức tài chính lớn, kế đến là mức lương khởi điểm khá cao (từ 100.000 USD/năm). Đổi lại, môi trường làm việc cực kỳ cạnh tranh và áp lực công việc rất lớn.

Du học Tài chính #1: Đinh Lê Nam Anh @ University of Virginia – Chinh phục văn bằng đôi trên đất Mỹ
Ở bài viết đầu tiên của chuỗi bài Du học Tài chính, hãy cùng ProFin đến với những chia sẻ của anh Nam Anh, người đã tốt nghiệp cử nhân cùng lúc hai chuyên ngành Tài chính và Quản trị tại Mỹ.

Một thời gian sau, sau khi trở về Việt Nam, tôi lựa chọn theo đuổi ngành consulting và investment. Dần dần, tôi nhận ra bản thân rất yêu thích làm việc ở mảng chiến lược, cụ thể là chiến lược doanh nghiệp.

Nhiệm vụ cụ thể của Corporate Strategy là gì? Công việc này có vai trò ra sao đối với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp?

Corporate Strategy là bộ phận chịu trách nhiệm chung về hoạch định chiến lược doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp thực thi các chiến lược, cụ thể như sau:

  • Nghiên cứu thị trường, ngành, đối thủ cạnh tranh.
  • Thực hiện hoạch định chiến lược.
  • Theo dõi tiến độ và kết quả thực hiện các mục tiêu chiến lược, nhằm đưa ra để xuất xây dựng năng lực doanh nghiệp nội tại (in-house) hoặc thông qua hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập). Trong trường hợp doanh nghiệp cần thực hiện M&A, corporate strategy sẽ đảm nhận thêm việc tìm kiếm, chọn lọc các công ty mục tiêu và dẫn dắt thương vụ đến khi hoàn thành, đồng thời theo dõi hiệu quả sau khi M&A.

Tại doanh nghiệp mà tôi làm việc với vai trò Corporate Strategy Manager, tôi còn đảm nhận thêm nhiệm vụ xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm của công ty (corporate VC), bao gồm xác định chiến lược, triết lý đầu tư, xây dựng quy trình đầu tư,...

Corporate Strategy/Development Manager
Quản lý hoạch định chiến lược doanh nghiệp (Corporate Strategy/Development Manager) là gì? Quản lý hoạch định chiến lược doanh nghiệp (Corporate Strategy/Development Manager) có vai trò hoạch định và thực hiện các chiến lược tăng trưởng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng chịu trách nhiệm

Hoạt động M&A chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp có dòng tiền và dự trữ tiền mặt dồi dào, trong khi mức tăng trưởng nội tại bắt đầu chững lại và không còn đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Giả sử một doanh nghiệp đầu ngành sản xuất có mức tăng trưởng trung bình thấp (khoảng 2 – 3%/năm) và dư địa thị trường không còn nhiều. Do đó, họ muốn mở rộng chuỗi giá trị theo chiều dọc nhằm có được biên lợi nhuận lớn hơn trong chuỗi giá trị, cũng như nâng tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm.

Anh Nam Anh (góc ngoài cùng bên trái) cùng với đội ngũ nhân sự dẫn khách hàng từ Nhật qua tham quan Việt Nam. Nguồn ảnh: Đinh Lê Nam Anh.
Biên lợi nhuận
Biên lợi nhuận (Profit Margin) còn được gọi là tỷ suất lợi nhuận, là tỷ số theo phần trăm giữa lợi nhuận và doanh thu.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 2 con số và có khả năng tiến hành M&A tốt thì có thể tiếp tục mua bán - sáp nhập, nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành. Tuy nhiên, để hoạt động M&A theo chiều ngang đạt được hiệu quả, doanh nghiệp cần có bộ máy quản trị lớn mạnh, nhằm xác định và khai thác được synergy (giá trị có thể tạo ra thêm khi kết hợp 2 công ty), cũng như năng lực làm deal tốt (không đưa ra mức giá quá cao để mua lại doanh nghiệp).

Do vậy, các doanh nghiệp không có dự trữ tiền mặt cao, thiếu năng lực quản trị hoặc làm deal không tốt thì khó có thể thực hiện M&A một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp sau khi được thâu tóm sẽ trải qua quá trình tái cơ cấu (thường được gọi là tinh gọn hóa), để trở thành một phần trong chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp đi M&A, hoặc sẽ được bán lại trong tương lai.

Quy trình của một hoạt động M&A bao gồm các giai đoạn sau:

  1. Nghiên cứu thị trường về các lĩnh vực mục tiêu: Nhiệm vụ này được thực hiện bởi bộ phận M&A của nội bộ doanh nghiệp. Trong trường hợp lĩnh vực M&A có quá ít thông tin, hoặc thị trường đầu tư ở nước ngoài thì sẽ cần đến dịch vụ nghiên cứu từ Big4 hoặc các công ty nghiên cứu thị trường bên thứ ba.
  2. Đối chiếu nguồn lực, mức độ tương thích về mô hình của doanh nghiệp với lĩnh vực đang nhắm đến để vạch ra chiến lược M&A thích hợp, bao gồm các yếu tố có liên quan đến lĩnh vực/ngành; giá trị của thương vụ; vị trí địa lý nội địa hay ở nước ngoài, vì sau khi thâu tóm doanh nghiệp sẽ tham gia quản lý nên vấn đề về ngôn ngữ, văn hóa, chính trị,… cũng cần được cân nhắc.
  3. Tìm kiếm và lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp với tiêu chí M&A đã thống nhất để tiếp cận. Nguồn tìm kiếm thông tin là các hiệp hội, tạp chí chuyên ngành để liệt kê các công ty tiềm năng. Sau đó, Corporate Strategy Manager sẽ tiếp cận những nguồn tin đó, nhằm xem xét kỹ hơn về kế hoạch M&A trước khi tiến hành trao đổi chi tiết hơn về kế hoạch đầu tư. Đối với một số trường hợp, những doanh nghiệp tiến hành M&A có danh tiếng và uy tín nhất định sẽ được các doanh nghiệp chủ động tiếp cận để đề nghị bán lại. Mặt khác, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các đơn vị tư vấn để tìm kiếm mục tiêu phù hợp.
  4. Sau quá trình chốt danh sách các doanh nghiệp tiếp cận, Corporate Strategy Manager sẽ đi chi tiết vào từng thương vụ. Lúc này, các doanh nghiệp được nhắm đến sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về chỉ số kinh doanh (số lượng người dùng, tỷ lệ tăng trưởng, chi phí sở hữu khách hàng) để đưa vào mô hình định giá. Tùy theo đặc thù của từng ngành, các chỉ số tài chính sẽ được lựa chọn để đưa vào đánh giá. Việc định giá sẽ được so sánh, đối chiếu với các công ty cùng ngành, sau đó sẽ điều chỉnh tăng (premium) hoặc giảm (discount), phụ thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi doanh nghiệp dựa trên biên lợi nhuận, thị phần,…
  5. Bắt đầu đàm phán: Dựa trên mô hình định giá được thiết lập, doanh nghiệp sẽ tiến hành thương lượng với công ty mục tiêu để đạt được thỏa thuận chung về mức định giá.
  6. Tiến hành thẩm định (Due Diligence): Quy trình này liên quan đến việc kiểm tra chi tiết chứng từ, sổ sách để đánh giá doanh nghiệp. Đây là giai đoạn cần nhiều nhân lực, thế nên đội ngũ M&A nội bộ (thông thường là khoảng 10 nhân sự) sẽ không đủ để đáp ứng được khối lượng công việc. Ngoài ra, giai đoạn này còn liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý, do vậy doanh nghiệp sẽ thuê dịch vụ từ các công ty kiểm toán như Big4.
  7. Ký kết hợp đồng.

Tùy thuộc vào sự phức tạp của từng thương vụ và mức độ sẵn sàng của nguồn lực M&A nội bộ, điều đó sẽ quyết định giai đoạn nào chỉ cần sự tham gia của nội bộ, cũng như khi nào cần thêm sự hỗ trợ từ các dịch vụ thuê ngoài.

Tùy vào tính chất của từng thương vụ M&A và nguồn lực nội bộ, việc tiến hành có thể chỉ cần đội ngũ nội bộ hoặc cần thêm sự hỗ trợ từ các dịch vụ bên ngoài. Nguồn ảnh: Getty Images.

Anh vui lòng chia sẻ thêm về lộ trình nghề nghiệp để trở thành Corporate Strategy Manager là gì?

Dựa trên kinh nghiệm của tôi, có ba cột mốc trên hành trình trở thành Corporate Strategy Manager như sau:

  • Khởi điểm là vị trí Nhân viên phân tích (Analyst) trong khoảng thời gian 2 – 3 năm. Công việc chủ yếu là thu thập dữ liệu và nghiên cứu thị trường. Vị trí này sẽ giúp các bạn tích lũy kiến thức để hiểu ngành và làm nền tảng tiến đến cột mốc nghề nghiệp kế tiếp.
  • Tiếp theo là vị trí Nhân viên phân tích cấp cao (Senior Analyst) cần thời gian tích lũy kinh nghiệm làm việc thêm 2 – 3 năm. Ở vai trò này, bạn sẽ quản lý một nhóm khoảng 2 – 3 bạn nhân viên phân tích (Analyst) và thực tập sinh (Intern) nhằm kiểm tra tính chính xác của dữ liệu, đồng thời tham gia xây dựng mô hình đánh giá doanh nghiệp.
  • Cuối cùng là vị trí Corporate Strategy Manager cần tích lũy kinh nghiệm thêm 5 – 6 năm. Manager là người “đứng mũi chịu sào” để dẫn dắt thương vụ. Vì thế, bên cạnh việc chịu trách nhiệm chính lãnh đạo đội nhóm và xây dựng mô hình định giá, bạn còn gặp gỡ với các đối tác bên ngoài doanh nghiệp trong suốt thời gian diễn ra thương vụ. KPIs chính để đánh giá hiệu quả làm việc của Corporate Strategy Manager dựa trên việc có chốt được thương vụ và giá trị của thương vụ. Với mỗi thương vụ được chốt, Corporate Strategy Manager sẽ được thưởng với tỷ lệ nhất định trên giá trị của thương vụ đó.

Theo anh, đâu là nền tảng về kiến thức để bắt đầu theo đuổi công việc Corporate Strategy?

Chuyên môn về tài chính là cơ sở tiên quyết để bắt đầu hành trình đến vị trí Corporate Strategy Manager. Nếu không có kiến thức nền tảng về tài chính, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc lập các mô hình định giá. Các bạn có thể trau dồi và nâng cao kiến thức của mình thông qua chứng chỉ CFA. Ngoài ra, văn bằng MBA sẽ giúp bạn có thêm kiến thức bao quát về kinh doanh, vì nếu muốn tiến xa hơn trong ngành này thì chỉ có kiến thức về Tài chính là chưa đủ.

Dân Tài chính học gì #2: CFA - Những điều bạn cần biết về tiêu chuẩn “vàng” của giới đầu tư tài chính
Nếu đang có dự định nâng cao kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng chỉ CFA là sự lựa chọn phù hợp mà bạn nên cân nhắc.

Đối với các bạn không có chuyên môn tài chính nhưng sở hữu kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực tư vấn, cũng như có hiểu biết về ngành và biết xây dựng mô hình cơ bản vẫn có thể chuyển sang mảng Corporate Strategy. Điều quan trọng là các bạn cần tiếp tục thực hành, nhằm nâng cao kỹ năng xây dựng mô hình định giá trong khoảng thời gian 1 - 2 năm.

Các kỹ năng cần có để làm tốt công việc này là gì?

Theo tôi, có 2 nhóm kỹ năng quan trọng để làm tốt công việc Corporate Strategy:

  • Kỹ năng cứng bao gồm nghiên cứu thị trường và xây dựng mô hình định giá. Hai kỹ năng này bạn có thể trau dồi thông qua việc thực hành nhiều và tích lũy dần trong quá trình làm việc.
  • Kỹ năng mềm quan trọng nhất là quản trị mối quan hệ với đối tác (stakeholder management). Đây là kỹ năng đặc biệt quan trọng, do khi bước lên vị trí càng cao thì số lượng đối tác bên trong và bên ngoài doanh nghiệp cần quản lý ngày càng nhiều. Khi xác định được các đối tác quan trọng, hiểu được mối quan tâm và tích cách của họ, bạn sẽ biết cách thúc đẩy quá trình làm việc được diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.

Cơ hội và thách thức của công việc Corporate Strategy Manager là gì thưa anh?

Nói về cơ hội, công việc Corporate Strategy đã giúp tôi có được kiến thức đa ngành. Một số ngành tôi còn được tích lũy kiến thức chuyên sâu khi trực tiếp tham gia vào giai đoạn sau M&A như tái cơ cấu, hoặc xây dựng chiến lược vận hành. Với kiến thức và kinh nghiệm tại bộ phận Corporate Strategy, bạn có thể chuyển sang các tổ chức tài chính khác như investment banking, consulting, private equity hoặc venture capital.

Quỹ đầu tư mạo hiểm
Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Fund) là quỹ đầu tư cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Tiếp theo, quá trình làm việc và tương tác với rất nhiều đối tác ở đa lĩnh vực và chuyên môn giúp tôi nâng cao năng lực đánh giá đối tác. Do đó, tôi có thể đưa ra quyết định lựa chọn và hợp tác với những đối tác phù hợp.

Đi kèm với cơ hội là thách thức khi bạn phải làm việc trong môi trường áp lực cao. Điều đó đòi hỏi bạn cần có kỹ năng quản lý áp lực, thời gian và đội nhóm để hoàn thành công việc được đặt ra.

Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích từ anh Nam Anh!

"Passport to Finance” là chuỗi bài chia sẻ từ các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính. ProFin.vn hy vọng loạt bài này sẽ là “tấm hộ chiếu” giúp các bạn có được định hướng nghề nghiệp vững chắc, đồng thời có thêm tự tin để chắp cánh đến thế giới Tài chính thú vị và đầy màu sắc.
Xem thêm các bài viết cùng chuỗi bài tại: https://www.profin.vn/tag/passport-to-finance/
Theo: Ngọc Phương / ProFin.vn