Góc nhìn Gọi vốn #5: Co-Founder Stringee - Hãy chọn giá đúng

...

Stringee vừa công bố huy động vốn thành công vòng Series A, ngay cả trong bối cảnh mùa đông startup.

Góc nhìn Gọi vốn #5: Co-Founder Stringee - Hãy chọn giá đúng

Vào thời điểm ban đầu, những người sáng lập công ty thừa nhận việc gọi vốn cho Stringee gặp nhiều trở ngại vì mô hình của họ còn khá mới ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp tục huy động vốn thành công trong bối cảnh dòng vốn vào các công ty startup bị ảnh hưởng mạnh bởi nền kinh tế thế giới cho thấy sự hấp dẫn nhất định của Stringee.

ProFin.vn đã có cơ hội trao đổi chuyên sâu với ông Nguyễn Bá Luân, Co-Founder kiêm Tổng Giám đốc tại Stringee về mô hình công ty, các rào cản trong ngành, cũng như vấn đề định giá và kinh nghiệm gọi vốn.

Ông có thể chia sẻ về mô hình kinh doanh của Stringee được không?

Chúng tôi gia nhập thị trường từ năm 2017, vào thời điểm đó, mô hình này còn rất mới ở thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Khi ấy, chúng tôi cung cấp API (Application Programming Interface – phương thức trung gian kết nối) cho các đơn vị muốn thực hiện cuộc gọi thông qua ứng dụng di động.

Nói đơn giản, như các ứng dụng gọi xe chẳng hạn, họ cần có tính năng gọi điện, video call như Viber, Facebook Messenger nhưng việc đầu tư như vậy rất mất thời gian và chi phí đầu tư. Do đó, họ chỉ cần tích hợp tính năng gọi điện từ Stringee để giải quyết vấn đề, tuy nhiên đòi hỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ kỹ thuật để triển khai.

Cho đến cuối 2018, chúng tôi ra mắt thêm sản phẩm tổng đài chăm sóc đa kênh StringeeX. Các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng. Điều đó đã khiến quy trình tích hợp trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Với mô hình như vậy thì nguồn thu, tập khách hàng chính của Stringee, cũng như margin trung bình của ngành ra sao vậy thưa ông?

Mô hình chúng tôi là SaaS (Software As a Service – Phần mềm như một dịch vụ).  Tập khách hàng chính vẫn là doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, vì nhu cầu chăm sóc khách hàng thông qua hình thức gọi điện của nhóm ngành này rất cao.

Về mặt doanh thu, nguồn thu chính của chúng tôi đến từ hợp đồng sử dụng dịch vụ hằng năm với các doanh nghiệp, với biên lợi nhuận gộp rơi vào khoảng 85%.

Stringee hoạt động theo mô hình SaaS, với nhóm khách hàng chính thuộc nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm. Nguồn ảnh: Stringee.

Stringee kỳ vọng gì từ quỹ DAIWA-SSIAM III thưa ông?

Ở vòng Series A, chúng tôi nhận được đầu tư từ Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM III. Như đã nói, các công ty chứng khoán và tổ chức tài chính rất cần các công ty cung cấp dịch vụ tổng đài đa kênh hoạt động theo mô hình SaaS, nguyên nhân chính vẫn là vì chi phí linh hoạt.

Không chỉ vậy, các công ty chứng khoán sở hữu mạng lưới khách hàng doanh nghiệp rất lớn. Điều đó có thể hỗ trợ Stringee tiếp cận và bán hàng cho nhóm khách hàng đó.

Kế đến là quỹ DAIWA có nhiều kinh nghiệm về tài chính, cũng như hoạt động M&A, và IPO. Vậy nên chúng tôi tin rằng sẽ hỗ trợ cho Stringee trong tương lai khi có nhu cầu tư vấn các dịch vụ nói trên.

Hình thức gọi vốn của Stringee là gì (equity, debt hay convertible note)?

Hình thức gọi vốn của Stringee là Equity - tức là đổi bằng cổ phần (có thể là cổ phần phổ thông hoặc cổ phần ưu đãi).

Cổ phần ưu đãi
Cổ phần ưu đãi (preferred stock) là loại cổ phần cho phép người sở hữu chúng được hưởng một số quyền lợi vượt trội hơn so với cổ phần phổ thông.

Ở chiều ngược lại, Stringee làm thế nào để thuyết phục nhà đầu tư tin vào chiến lược phát triển công ty?

Yếu tố đầu tiên là chúng tôi có sản phẩm tốt, cũng như đủ năng lực để phục vụ tệp khách hàng lớn và có khả năng mở rộng kinh doanh quốc tế. Yếu tố thứ 2 là Stringee đang đạt được mức tăng trưởng tốt.

Tiếp theo là ở Việt Nam, DAIWA cũng đầu tư vào nhiều công ty như Concung, Ecomobi, Jobhop,.. Những doanh nghiệp này đều có nhu cầu sử dụng các dịch vụ mà Stringee đang cung cấp. Đây là nhóm khách hàng mà DAIWA có thể hỗ trợ kết nối với chúng tôi để sử dụng sản phẩm của Stringee.

Ông có nhắc đến mô hình SaaS, vậy ông có thể giải thích rõ hơn về cách định giá của các công ty theo mô hình này?

Đặc thù của mô hình SaaS là năm đầu tiên phải tốn rất nhiều chi phí, chẳng hạn như chi phí tiếp thị khách hàng, chi phí trợ giá cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Cho đến năm thứ 2, khi khách hàng tái ký hợp đồng thì gần như không tốn bất kỳ chi phí nào cả. Khi càng có nhiều khách hàng quay lại thì nguồn thu càng ổn định.

Ngoài ra, một đặc thù khác là các công ty SaaS mất rất nhiều chi phí R&D trong các năm đầu, có thể chiếm đến hơn 40% doanh thu. Chính vì thế, các công ty SaaS tồn tại đủ lâu trên thị trường, cụ thể tầm 6 năm trở đi thì chi phí R&D mới bắt đầu giảm, tuy nhiên vẫn phải liên tục đầu tư sản phẩm.

Cuối cùng, việc định giá công ty trong ngành này còn phụ thuộc vào độ lớn thị trường, dư địa cho các công ty startup phát triển có khả năng tăng trưởng và mở rộng kinh doanh ở cả trong nước và nước ngoài.

Đối với ngành mà Stringee đang tham gia, quy mô thị trường ở Việt Nam khoảng 170 triệu USD, tuy nhiên toàn cầu là khá lớn, lên đến 38 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành này đang có tốc độ tăng trưởng là 30%/năm.

Công ty sử dụng số vốn huy động thành công vào mục đích gì, thưa ông?

Thông thường, đối với các công ty SaaS, họ sẽ đầu tư tiếp tục vào sản phẩm vì đó là rào cản của ngành đối với các doanh nghiệp tham gia sau này. Còn Stringee thì có kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ vì quy mô hấp dẫn, giá trị có thể tương đương khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung tiếp tục mở rộng tập khách hàng ở thị trường Việt Nam, nhằm gia tăng thị phần trong thời gian tới.

Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thị phần, Stringee cũng có kế hoạch mở rộng sang thị trường nước ngoài. Nguồn ảnh: Stringee.

Theo ông, đâu là các điều khoản mà nhà sáng lập cần quan tâm khi làm việc với quỹ?

Theo nhận định của tôi, hai điều quan trọng cần lưu ý là vấn đề định giá doanh nghiệp và số vốn gọi được. Các nhà sáng lập nên cố gắng thương thuyết để đạt được mức định giá gần nhất với con số mình mong muốn.

Định Giá Doanh Nghiệp #1: Để không bị “ngáo giá” - 3 phương pháp định giá công ty mà chủ doanh nghiệp cần biết
Định giá doanh nghiệp thường là chủ đề được thảo luận thường xuyên trên các diễn đàn tài chính. Việc định giá doanh nghiệp thường được tiến hành khi một công ty tiến hành gọi vốn hoặc thực hiện các thương vụ M&A.

Về số vốn huy động được thì vừa đủ là tốt nhất. Vì nếu quá ít thì khả năng cao là startup sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản phẩm, cũng như mở rộng thị trường. Trong khi đó, nếu số vốn gọi được quá nhiều sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ sở hữu của các nhà sáng lập. Điều đó sẽ làm giảm động lực trong tương lai.

Điều cuối cùng cũng quan trọng không kém là quyền kiểm soát công ty. Các nhà sáng lập là người hiểu công ty và hiểu ngành nhất. Do vậy, các quyết định đúng đắn nhất phải đến từ những người thấu hiểu công ty một cách toàn diện, chứ không phải từ phía quỹ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc các bài viết khác cùng chuyên mục tại: https://www.profin.vn/tag/goc-nhin-goi-von/
Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục về Startup tại: Zero to One - ProFin
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn