Chief Accountant

...
Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của số liệu trước pháp luật. Nguồn: Pexels.

Kế toán trưởng (Chief Accountant) là gì?

Theo định nghĩa từ Investopedia, Kế toán là quá trình ghi nhận các giao dịch tài chính phát sinh trong kinh doanh. Quá trình này liên quan đến việc tổng hợp, phân tích và lập báo cáo phục vụ cho các đối tác bên ngoài doanh nghiệp như cơ quan Thuế, Kiểm toán và các cơ quan có thẩm quyền khác, nhà đầu tư, v.v…
Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong doanh nghiệp đó.
Trách nhiệm của Kế toán trưởng được quy định tại Điều 54 Luật Kế toán năm 2015 như sau:

  • Đảm bảo các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính.
  • Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của pháp luật.
  • Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

Mức độ chính xác của thông tin trên báo cáo tài chính ảnh hưởng đến quyết định và lợi ích kinh tế của nhiều đối tác liên quan trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, Kế toán trưởng còn là người chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của số liệu trước pháp luật.

Nhiệm vụ của Kế toán trưởng

  • Quản lý hệ thống chứng từ, sổ sách, hóa đơn: Kế toán trưởng có nhiệm vụ đảm bảo các giao dịch phát sinh được ghi nhận đúng nguyên tắc trên sổ cái, đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp lý, hợp lệ. Ngoài ra, Kế toán trưởng còn lập các quy định liên quan đến việc tổ chức và lưu trữ sổ sách, chứng từ, hóa đơn trong quá trình hoạt động của công ty.
  • Xây dựng quy trình, biểu mẫu: Mỗi doanh nghiệp đều có quy trình kinh doanh đặc thù, vì vậy, Kế toán trưởng cần xây dựng các quy trình và biểu mẫu giúp quản lý phù hợp chẳng hạn như quy trình thanh toán, quy trình kiểm kê và quản lý hàng tồn kho, v.v…
  • Quản lý và kiểm soát việc thực hiện quy trình: Để đảm bảo quá trình thực hiện quy trình được đúng đắn, Kế toán trưởng cần thường xuyên ra soát và kiểm tra để phát hiện những thiếu sót hay quy trình chưa phù hợp để cải tiến hoặc bổ sung.
  • Lập và trình bày báo cáo tài chính: Sau khi số liệu được tổng hợp từ các kế toán viên, Kế toán trưởng sẽ rà soát lại tính đúng đắn trước khi lập các báo cáo tài chính gửi cho ban quản lý hay các cơ quan có chức năng khác như cơ quan thuế, sở giao dịch chứng khoán.
  • Chịu trách nhiệm về công tác kiểm soát, giải trình với Cơ quan Thuế, tài chính.
  • Tư vấn cho ban lãnh đạo về các quy định, luật liên quan đến thuế, tài chính.
  • Quản lý và đào tạo đội ngũ nhân viên kế toán: tùy vào độ lớn và cách thức tổ chức của bộ phận kế toán ở mỗi doanh nghiệp mà Kế toán trưởng có kế hoạch phân công nhân sự và lên kế hoạch đào tạo phù hợp để có thể thích nghi với môi trường kinh doanh và các quy định thay đổi ngày càng phức tạp.
Kế toán trưởng chịu trách nhiệm về công tác kiểm soát, giải trình với Cơ quan Thuế, tài chính. Nguồn: Pexels

Yêu cầu nghề nghiệp

#1 Bằng cấp:

Vị trí Kế toán trưởng chịu một số điều kiện bắt buộc được quy định trong Điều 54 Luật kế toán năm 2015 như sau:

  • Tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính/Kế toán với trình độ từ trung cấp trở lên.
  • Chứng chỉ Kế toán trưởng được cấp bởi Bộ Tài Chính
  • Thời gian công tác thực tế về Kế toán ít nhất là 2 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và ít nhất là 3 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng. Thông thường, nhà tuyển dụng ưu tiên Kế toán trưởng có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên.
  • Ngoài ra, các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPA được xem là lợi thế khi nhân sự ứng tuyển và làm việc tại các doanh nghiệp lớn hay tập đoàn đa quốc gia.

#2 Kỹ năng cứng:

  • Phân tích số liệu: bên cạnh việc đảm bảo số liệu kế toán tài chính đúng và đủ, Kế toán trưởng cần có óc nhạy bén để phát hiện các chỉ số bất hợp lý, sau đó đào sâu tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục.
  • Sử dụng công nghệ, thông tin giúp cải thiện hiệu quả và quy trình kinh doanh đòi hỏi Kế toán trưởng có khả năng sử dụng và cập nhật công nghệ giúp tiết kiệm được nguồn lực của công ty.
  • Lập báo cáo theo quy định kế toán hiện hành. Ngoài ra, khi làm việc tại các doanh nghiệp đa quốc gia đòi hỏi Kế toán trưởng mức độ am hiểu về các chuẩn mực kế toán quốc tế.

#3 Kỹ năng mềm:

  • Quản lý đối tác bên trong và bên ngoài doanh nghiệp: Các đối tác bên trong bao gồm các nhân viên trong bộ phận kế toán, các phòng ban và Ban lãnh đạo. Quản lý đối tác bên trong hiệu quả giúp tạo ra sự đồng thuận và thúc đẩy hoạt động vận hành được diễn ra suôn sẻ. Ngoài ra, việc quản lý tốt đối tác bên ngoài bao gồm Ngân hàng, Cơ quan Thuế, nhà đầu tư, v.v... sẽ góp phần củng cố uy tín của doanh nghiệp.
  • Thương lượng và giải quyết vấn đề: nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn đảm bảo tính tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Lộ trình thăng tiến, thu nhập và cơ hội chuyển ngành

#1 Lộ trình thăng tiến và thu nhập bình quân

Trong cơ cấu tổ chức, Kế toán trưởng chịu sự quản lý và báo cáo trực tiếp cho Giám đốc tài chính (CFO). CFO cũng là vị trí cao nhất ở bộ phận Tài chính – Kế toán của công ty. Tuy nhiên, để tiến lên vị trí CFO thì kỹ năng về kế toán của Kế toán trưởng thôi là chưa đủ mà cần phải trau dồi thêm kiến thức về tài chính, hoạt động kinh doanh cũng như tư duy về chiến lược mới đảm nhiệm được vai trò này.
Theo báo cáo khảo sát từ Adecco năm 2022, mức thu nhập bình quân của Kế toán trưởng tại thành phố Hồ Chí Minh với kinh nghiệm làm việc dưới 5 năm từ 20 đến 40 triệu đồng, trên 5 năm là 40 đến 70 triệu đồng. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân tại Hà Nội lần lượt từ 50 – 100 triệu và 80 – 200 triệu đồng.

#2 Cơ hội chuyển ngành

  • Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ (Internal Audit Manager): có sự tương đồng về mặt theo dõi, kiểm soát quy trình. Hơn nữa, việc am hiểu tường tận quy trình hoạt động của công ty giúp Kế toán trưởng có thể chuyển sang làm kiểm toán để giúp cải thiện quy trình của công ty.
  • Trưởng phòng Kế hoạch và Phân tích tài chính (FP&A Manager): Mức độ tương đồng về công việc có phần giảm đi. Vì thế, để có thể chuyển sang công việc này Kế toán trưởng cần trau đồi thêm kiến thức về tài chính.
  • Kế toán trưởng dịch vụ: làm việc cho đơn vị độc lập và cung cấp dịch vụ kế toán trưởng, có cơ hội học hỏi đa ngành, đa lĩnh vực.
Theo Minh Lan/ ProFin.vn